2.3.1 Hạn chế trong các quy định pháp luật.
Hiện nay các quy định pháp luật về hoạt động tuyên truyền pháp luật của TCXH chưa nhiều về số lượng và chưa đầy đủ về nội dung, hầu hết các văn bản pháp luật như Luật Mặt trận Tổ quốc, Luật Công đoàn, Nghị định 88/2003/NĐ- CP ngày 30/07/2003 đều quy định rất chung chung là các TCXH này có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên và quần chúng nhân dân mà không có quy định về cơ chế bảo đảm thực hiện những quy định này trên thực tế như thiếu những quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phối hợp với các TCXH trong việc thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật cũng như sự trợ giúp về kinh phí từ phía ngân sách nhà nước cho hoạt động này,...Vì vậy hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật của các TCXH chủ yếu dựa vào nguồn lực sẵn có của mỗi tổ chức. Bên cạnh đó các quy định này lại nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau, không tập trung trong một văn bản cụ thể, điều này cũng gây khó khăn trong việc tìm hiểu và áp dụng trong thực tế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động tuyên
truyền pháp luật của TCXH chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi, chưa tương xứng với vai trò của TCXH trong hệ thống chính trị cũng như trong đời sống xã hội.
2.3.2 Hạn chế trong công tác tuyên truyền pháp luật của các TCXH.
Cùng với những thành tích đã đạt được, quá trình tuyên truyền pháp luật của các TCXH cũng bộc lộ những hạn chế nhất định:
Thứ nhất là tình trạng thiếu nhân lực cho công tác tuyên truyền pháp luật, nhất là các hội viên am hiểu pháp luật, nhiệt tình trong công tác là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các TCXH. Không có nhân lực hoặc có nhưng không được tiếp cận, bổ sung kiến thức pháp luật thường xuyên, thiếu nhân lực biết tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của TCXH trong lĩnh vực tuyên truyền pháp luật
Thứ hai là hoạt động tuyên truyền pháp luật vẫn chưa đến được với người dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Trong những năm qua, mặc dù các TCXH luôn coi trọng công tác tuyên truyền pháp luật cho hội viên và các tầng lớp nhân dân, tuy nhiên do đặc thù của địa bàn miền núi, vùng sâu do giao thông đi lại hết sức khó khăn, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nhận thức của người dân còn hạn chế và nhất là do ở những nơi này đội ngũ nhân lực làm công tác tuyên truyền pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc dẫn đến tình trạng hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế.
Thứ ba là hình thức tuyên truyền pháp luật chưa đa dạng, chưa phù hợp với từng đối tượng và nội dung tuyên truyền. Hình thức tuyên truyền đơn điệu, không có hình ảnh, tài liệu minh họa mà chủ yếu là hình thức nghe, đọc dễ gây nhàm chán cho người được tuyên truyền, từ đó làm giảm hiệu quả công tác
tuyên truyền pháp luật. Bên cạnh đó còn thiếu những hình thức tuyên truyền đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng sâu, vùng xa là nơi có trình độ dân trí rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước, do đó phải có những hình thức tuyên truyền cô đọng, dễ hiểu để họ dễ nhớ và thực hiện. Các hình thức tuyên truyền đối với đối tượng người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng chưa được quan tâm, mặc dù chương trình tuyên truyền pháp luật quy định trong Quyết định 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/03/2008 đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2012 phấn đấu đạt 95% đến 100% văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến các đối tượng này được tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp.
Thứ tư là tình trạng thiếu phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật. Trên thực tế phương tiện phục vụ cho công tác này của TCXH rất thiếu thốn, không đáp ứng được nhu cầu của công việc. Phần lớn các phương tiện đều đã cũ do sử dụng trong một thời gian dài mà không được thay thế, sửa chữa, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật của TCXH.
Thứ năm là trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của TCXH vẫn xảy ra tình trạng chỉ chú trọng tuyên truyền theo từng đợt, khi mới phát động phong trào dưới hình thức các tháng cao điểm, các chương trình tuyên truyền pháp luật mà chưa thực hiện việc tuyên truyền một cách thường kì, thường xuyên, liên tục.
2.4. Nguyên nhân.
2.4.1 Nguyên nhân của những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền
Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta luôn coi tuyên truyền pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu, coi đây là một trong những yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, là một trong những tiền đề quan trọng hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Từ nhận thức đúng đắn trên, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương về đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và TCXH, qua đó nhà nước thể chế hoá thành các quy định pháp luật, các đề án về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để thực hiện trong phạm vi cả nước với sự tham gia cuả các cấp, các ngành và các TCXH.
Các TCXH phát huy vai trò là nơi tập hợp, đoàn kết hội viên, thực hiện mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, thông qua hoạt động của tổ chức mình tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho hội viên và quần chúng nhân dân. Mỗi TCXH, tuỳ thuộc vào mục đích tập hợp, đặc điểm của hội viên mà chủ động lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, qua đó nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
Để có những kết quả đã nêu trên, không thể không kể đến vai trò của MTTQVN, là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, là cơ sở chính trị của quần chúng nhân dân, MTTQ đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc triển khai thực hiện các đề án tuyên truyền pháp luật của Chính phủ, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương đẩy mạnh hơn nữa các phong trào, tổ chức rút kinh nghiệm trên cơ sở các kết quả đã đạt được và đề ra phương hướng thực hiện trong từng giai đoạn. Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Trung ương MTTQVN và MTTQ các cấp, trong những năm qua hoạt động tuyên truyền pháp luật nói chung và hoạt động tuyên truyền pháp luật của các TCXH nói riêng đã đạt được những kết quả thiết
thực, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân, từng bước xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật trong mỗi người dân.
2.4.2 Nguyên nhân của những hạn chế trong công tác tuyên truyền pháp
luật.
Trước hết là do các quy định pháp luật về hoạt động tuyên truyền pháp luật của các TCXH vừa thiếu về số lượng vừa không đầy đủ về nội dung, do vậy pháp luật đã không thể tạo ra vai trò là hành lang pháp lý cho các TCXH thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Thứ hai là do trình độ dân trí ở nước ta vẫn còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, do vậy nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của pháp luật còn hạn chế, chưa thấy hết được tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc, tính cấp bách và tính lâu dài của việc tuân thủ pháp luật. Do đó cũng ảnh hường không nhỏ đến hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật, nhất là không ít cán bộ, đảng viên còn có biểu hiện thiếu tôn trọng pháp luật, không gương mẫu thực hiện pháp luật.
Thứ ba là do chưa nhận thức được tầm quan trọng của các đề án tuyên truyền pháp luật do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” nên các TCXH chưa cụ thể hoá việc tuyên truyền pháp luật vào nội dung các cuộc vận động, ở nhiều nơi các TCXH chỉ tập trung thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật trong thời gian đầu khi mới triển khai các đề án, phong trào, chưa có sự duy trì, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể còn thiếu đồng bộ, chưa sâu rộng, chưa thường xuyên, thiếu hướng dẫn cụ thể để giúp nhân dân nâng cao ý thức pháp luật.
Thứ tư là sự phối hợp giữa các TCXH và cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền pháp luật còn chưa thật sự được quan tâm đúng mức, chủ yếu là các TCXH dựa vào nội lực của mình để thực hiện hoạt động này mà chưa có sự trợ giúp của cơ quan nhà nước về phương tiện cho hoạt động tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ người làm công tác này trong các TCXH.
Thứ năm là nguồn kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền pháp luật của TCXH chưa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động này. Kinh phí hoạt động của TCXH chủ yếu dựa vào sự đóng góp của các thành viên, của các tổ chức, cá nhân và các hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận nên kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền pháp luật bị han chế, chỉ có một số TCXH là nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động của tổ chức.
Đây là những nguyên nhân làm cho công tác tuyên truyền pháp luật của TCXH chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn, các TCXH chưa phát huy được vai trò đối với nhà nước và xã hội trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới cần tìm ra giải pháp khắc phục những nguyên nhân này, để nâng cao hơn nữa vai trò của các TCXH trong hoạt động tuyên truyền pháp luật, tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân.