Để vận hành bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương nói chung UBND tỉnh nói riêng phải có đội ngũ cán bộ, công chức để thực thi nhiệm vụ, quyền hạn trong từng lĩnh vực, đây chính là những người trực tiếp hang ngày tiếp xúc với người dân. Bởi vậy hiệu quả hiệu quả hoạt động của bộ máy phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn cán bộ, công chức. Một trong những điều quan trọng đối với những người làm việc trong các cơ quan hành chính là sự hiểu biết công việc và thông thạo nghiệp vụ vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “ cán bộ là cái gốc của mọi công việc” “muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Để UBND tỉnh hoạt động có hiệu quả thì đồng nghĩa với việc phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là trong giai đoạn đất nước ta đang thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và trước yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính.
+ Cần hoàn thiện các văn bản pháp luật về cán bộ, công chức. Pháp lệnh cán bộ, công chức sau một thời gian ra đời đã tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng, quản lý cán bô, công chức. Trước yêu cầu mới, Luật cán bộ, công chức đã được ban hành; tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định
trách nhiệm của những người làm trong cơ quan hành chính nhà nước khi làm sai công vụ.
+ Mỗi tỉnh nên tiến hành điều tra, đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trên cơ sở đó có thể nắm bắt được trình độ, khả năng làm việc để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đồng thời đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cả về nội dung và phương thức cho phù hợp với tình hình mới; kết hợp nhiều hình thức đào tạo chính quy với đào tạo không chính quy, tạo điều kiện để cán bộ, công chức tự năng cao trình độ chuyên môn.
+ Xác định cơ cấu cán bộ, công chức hợp lý gắn với chức năng, nhiệm vụ trong các cơ quan hành chính. Thực hiện việc đổi mới cơ cấu, tổ chức thông qua việc luân chuyển, điều động tạo điều kiện cho cán bộ, công chức làm việc có hiệu quả hơn. Xem xét bổ nhiệm những người có năng lực, kinh nghiệm làm việc và phẩm chất đạo đức vào những vị trí quan trọng; thực hiện quy hoạch cán bộ để tạo nguồn nhằm tạo sự chủ động, tránh tình trạng bị động, hụt hẫng. Việc quy hoạch cán bộ phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo đánh giá cán bộ khách quan, toàn diện đồng thời cần mở rộng dân chủ để phát hiện nguồn, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín. Công tác quy hoạch cán bộ phải gắn với việc đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ; việc luân chuyển cán bộ cần thực hiện một cách linh hoạt để cán bộ được trưởng thành tốt hơn trong thực tiễn.
+ Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ cho từng chức danh trên cở sở phương hướng, nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương. Thực hiện cơ cấu lại biên chế đội ngũ cán bộ, công chức theo mục tiêu đổi mới về chất để thay thế mạnh những người thấp kém về năng lực, phẩm chất, không đáp ứng được yêu cầu thực thi công vụ với chất lượng cao của nền hành chính hiện đại.
+ Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng. Xây dựng quy chế làm việc gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện công khai hóa công vụ đặc biệt là trong các công việc có quan hệ trực tiếp với công dân. Nâng cao ý
thức trách nhiệm, phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, thực hiện khen thưởng, kỷ luật thích đáng.
+ Tùy thuộc vào khả năng của mỗi tỉnh mà có những quy định cụ thể về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, thu hút nhân tài phù hợp với điều kiện ngân sách. Chính phủ cần thực hiện cải cách tiền lương, nâng mức lương tối thiểu, điều chỉnh tiền lương tương ứng với nhịp độ tăng thu nhập trong xã hội, áp dụng các chế độ khuyến khích ngoài lương. Điều quan trọng trong các yếu tố tạo động lực hiện nay là phải có chính sách tiền lương và các chế độ đối xử đối với cán bộ, công chức hành chính nhà nước được thoả đáng, yên tâm làm việc trong thực thi công vụ, không nhận hối lộ, không muốn hối lộ, chú trọng góp sức làm tăng trưởng kinh tế; qua đó sẽ trở thành yếu tố thu hút được nhiều những người tài năng thực sự.
+ Đổi mới phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong công việc. Xây dựng quy chế phân cấp quản lý và tổ chức biên chế cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước; quy chế thi tuyển phải được thực hiện một cách công khai.
Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm xây dựng và sử dụng đội ngũ quan lại trong xã hội phong kiến Việt Nam trước đây. Việc tuyển chọn quan lại được dựa trên hai tiêu chuẩn nhất quán là đức và tài; việc đào tạo, tuyển chọn được thực hiện chủ yếu thông qua khoa cử; thực hiện điều chuyển quan lại nhằm phát huy năng lực của quan lại thông qua việc điều chuyển sang vị trí thích hợp hơn và tránh trường hợp quan lại lợi dụng thời gian trị nhiệm lâu tại một địa phương hoặc một vị trí nào đó có thể tạo thế lực lớn. Việc tuyển chọn, sử dụng quan lại dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497) là một ví dụ, thời kỳ này không có hiện tượng người được tuyển bổ làm quan mà không có trình độ học vấn tương xứng. Theo đó về thi cử gồm: thi hương, thi hội, thi đình. Ai thi đỗ ở kỳ thi nào thì được Bộ Lại xem xét và tiến hành tuyển bổ làm quan tương xứng. Bên cạnh đó Lê Thánh Tông còn lập ra các cơ quan kiểm tra, giám sát quan lại; đặt ra lệ khảo thi và khảo khóa.[ 27, tr 12]