Hoạt động của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân.

Một phần của tài liệu hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Trang 27 - 29)

Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003 đã có những thay đổi căn bản, tương đối toàn diện và mạnh mẽ với nhiều nội dung mới, tạo thành hành lang pháp lý cho việc đổi mới và tổ chức hoạt động của UBND nói chung, UBND cấp tỉnh nói riêng đó là việc thực hiện chủ trương từng bước phân cấp mạnh hơn cho các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là việc phân định khá cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm giữa UBND và cá nhân Chủ tịch UBND.

Hoạt động của Chủ tịch UBND tỉnh được xác định là hình thức hoạt động thường xuyên. Đây là một hình thức hoạt động mới của UBND so với quy định trong Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1989. Chủ tịch UBND đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của UBND cấp tỉnh, là người

lãnh đạo và điều hành công việc của Uỷ ban nhân dân, chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ của mình, cùng với tập thể UBND chịu trách nhiệm về hoạt động của UBND trước HĐND cùng cấp và trước cơ quan nhà nước cấp trên. So với trước đây nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch được bổ sung thêm và được quy định tại Điều 127 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003:

- Với vai trò là người đứng đầu, Chủ tịch UBND lãnh đạo công tác của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các thành viên của Uỷ ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thông qua việc đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp mình và UBND cấp dưới trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND và quyết định, chỉ thị của UBND cùng cấp;

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động: áp dụng các biện pháp nhằm cải tiến lề lối làm việc, quản lý và điều hành bộ máy hành chính hoạt động có hiệu quả; ngăn ngừa và đấu tranh các biểu hiện quan liêu, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, tham nhũng,… của cán bộ, công chức và trong bộ máy chính quyền địa phương.

- Triệu tập và chủ tọa các phiên họp của UBND. Trong phiên họp Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp điều hành để giải quyết, tháo gỡ công việc quản lý trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào năng lực cán bộ và thực tế ở địa phương mà quyết định phân công công tác cụ thể cho từng phó chủ tịch UBND tỉnh.

- Với vị trí là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp trên, Chủ tịch UBND tỉnh: phê chuẩn kết quả bầu cử các thành viên UBND cấp dưới trực tiếp, điều động, đình chỉ công tác, miễn nhiệm, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên UBND cấp dưới trực tiếp; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức nhà nước theo sự phân cấp quản lý.

- Để tạo sự chủ động của Chủ tịch UBND trong điều hành công việc, đảm bảo các quy định pháp luật được thực hiện một cách đúng đắn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp mình, văn bản trái pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; đình chỉ thi hành nghị quyết trái pháp luật của HĐND cấp dưới trực tiếp và đề nghị HĐND cấp mình bãi bỏ.

- Chủ tịch UBND chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống thiên tai, cháy nổ, dịch bệnh, an ninh trật tự và báo cáo Uỷ ban nhân dân trong phiên họp gần nhất. Đây là một quy định mới so với Luật tổ chức Hộ đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994. Bên cạnh đó Chủ tịch UBND tỉnh có thể được mời tham dự phiên họp của chính phủ khi bàn vấn đề có liên quan.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Chủ tịch UBND ra quyết định, chỉ thị để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Như vậy có thể thấy vai trò thủ trưởng của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được Hiến pháp 1992 và Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định khá nổi bật với tư cách là người lãnh đạo, điều hành hoạt động của UBND. Chính việc làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân không chỉ tạo cho người được giao nhiệm vụ linh hoạt, chủ động trong công việc mà còn làm cho họ có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các quyết định, hoạt động của mình, cũng có nghĩa là làm cho hoạt động của tổ chức, cơ quan tự chủ hơn, sáng tạo hơn. Việc xác định rõ ràng trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, đảm bảo để những công việc quan trọng vẫn phải được tập thể xem xét quyết định đồng thời làm cho người đứng đầu UBND tỉnh phát huy tính năng động.

Một phần của tài liệu hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Trang 27 - 29)