6. Bố cục của luận văn
2.1.2.1. Định hướng chung về dạy học tích hợp
Việc đổi mới chương trình Ngữ văn 11 theo quan điểm tích hợp đòi hỏi phải đổi mới về phương pháp dạy học. Không thể vận dụng phương pháp dạy học tích hợp khi tách rời ba phân môn Văn học - Tiếng Việt - Làm văn. Trước yêu cầu dạy ba phân môn như một thể thống nhất trong đó mỗi phân môn đều giữ một bản sắc riêng, đồng thời hoà nhập để hình thành tri thức và kĩ năng thống nhất đối với học sinh.
Vận dụng quan điểm tích hợp không chỉ xuất phát từ mục tiêu môn học mà còn xuất phát từ bản chất các yếu tố trong quá trình dạy học. Tích hợp vừa phản ánh được mối quan hệ biện chứng giữa các hiện tượng, đối tượng, sự việc vừa phải đủ điều kiện đảm bảo không ngừng nâng cao hiệu quả dạy học.
Dạy Làm văn nói chung và dạy học “ Thao tác lập luận so sánh” nói riêng theo hướng tích hợp cần chú ý một số quy định tổng quát sau:
- Dựa vào những đặc điểm chung của phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, người giáo viên đứng lớp phải biết thực hiện mọi yêu cầu một cách linh hoạt, sáng tạo và điều quan trọng nhất là phải hướng vào mục tiêu của phần làm văn, của bài làm văn, mục tiêu dạy học Ngữ văn nói chung để tìm ra yếu tố đồng quy giữa ba phần Văn- Tiếng Việt- Làm văn, để rồi tích hợp trong từng thời điểm, theo từng vấn đề. Khi dạy học “Thao tác lập luận so sánh” vừa phải chú ý dạy tri thức, kĩ năng lại vừa phải tìm ra và khai thác những yếu tố chung giữa ba phần của môn Ngữ văn để góp phần rèn luyện tri thức, kĩ năng của cả phần Văn học và phần Tiếng. Làm văn chính là sự tổng hợp của cả Văn và Tiếng, đồng thời còn đòi hỏi sự vận dụng tổng hợp vốn sống, vốn văn học, kĩ năng sử dụng ngôn ngữ trong quá trình tạo lập văn bản, khả năng hành dụng ngôn ngữ trong cuộc sống.
- Để thực hiện được định hướng dạy học nói trên cần phải biết tách nhỏ các yêu cầu cầu của dạy học Làm văn một cách khoa học để phối hợp tốt với Văn và Tiếng. Tuy nhiên, cần tránh dạy học phối hợp một cách máy móc. Khi dạy cho học sinh cần biết chắt lọc, tránh lặp lại, nên dạy những điều cần thiết để học sinh tránh phạm lỗi khi sử dụng.
- Quan điểm dạy học tích hợp phải được quán triệt trong mọi khâu của quá trình dạy học (kể cả khâu đánh giá - cần đánh giá cao những học sinh biết cách vận dụng kiến thức của phần này tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề khác trong môn Ngữ văn).
Với quan điểm về dạy học tích hợp, dạy học thao tác lập luận so sánh đảm bảo tính tích hợp Văn - Tiếng Việt - Làm văn, chương trình SGK đã tranh thủ tối đa ngữ liệu có trong phần đọc văn. Ví dụ: dạy bài thao tác lập luận so sánh có thể cho học sinh so sánh vẻ đẹp của Thuý Vân, Thuý Kiều, hay cho học sinh tìm hiểu sự giống nhau và khác nhau trong cách thể hiện niềm tự hào dân tộc qua Nam Quốc Sơn Hà của Lí thường Kiệt và đoạn văn chính luận đầu bài Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi.
Dạy học thao tác lập luận so sánh theo hướng tích hợp cũng có thể biểu hiện ở việc ra các bài tập các đề làm văn, lấy nội dung được học trong phần Văn làm đối tượng cho học sinh sử dụng thao tác lập luận so sánh. Ví dụ: So sánh ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương và ngôn ngữ thơ Bà Huyện Thanh Quan qua hai bài thơ “Tự tình”( Bài 1) và “Chiều hôm nhớ nhà”.
Dạy học thao tác lập luận so sánh theo hướng tích hợp còn được thể hiện ngay trong cách biên soạn sách Làm văn: dạy học thao tác lập luận so sánh không tách riêng độc lập mà gắn với thao tác lập luận trước đó: thao tác lập luận phân tích, sau đó lại có bài vận dụng kết hợp thao tác lập luận phân tích và so sánh.
Dạy học thao tác lập luận so sánh theo hướng tích hợp yêu cầu người giáo viên phải có cái nhìn bao quát về tiết dạy trong chương trình Ngữ văn để xác định mục đích tích hợp, nội dung tích hợp và phương pháp tích hợp.