Pháp lệnh dân số được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 9/1/2003 số 06/2003/PL-UBTVQH11, là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực dân số, là những quy định khung, định hướng để điều chỉnh toàn diện vấn đề dân số, bao gồm quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, phân bố dân cư, các biện pháp thực hiện công tác dân số, quản lý nhà nước về dân số. Pháp lệnh dân số được ban hành nhằm quán triệt quan điểm của Đảng tại NQTW4 (Khoá VII) về chính sách DS - KHHGĐ và thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX.
Pháp lệnh dân số được xây dựng phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập, trong đó có Chương trình hành động quốc tế về DSPT mà nội dung cần đặc biệt chú ý là quyền con người, quyền sinh sản và quyền phát triển toàn diện. Pháp lệnh dân số đặt con người vào vị trí trung tâm là động lực của sự phát triển. PLDS bảo đảm quyền chủ động, tự nguyện của mỗi công dân trong việc phát triển toàn diện bản thân phù hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước. Pháp lệnh
dân số bao gồm phần mở đầu, 7 chương và 40 điều. Trong nội dung PLDS có một số quy định cụ thể như sau:
* Quy định nguyên tắc của công tác dân số.
Nguyên tắc của công tác dân số là: (1) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội; (2) Bảo đảm việc chủ động, tự nguyện, bình đẳng của mỗi cá nhân, gia đình trong kiểm soát sinh sản, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, lựa chọn nơi cư trú và thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số; (3) Kết hợp giữa quyền và lợi ích của cá nhân, gia đình với lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội, thực hiện quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững (Điều 2 PLDS).
Đây là 3 nguyên tắc nhằm bảo đảm sự chủ động của cả đối tượng thi hành và chủ thể tham gia công tác tổ chức thực hiện Pháp lệnh và chính sách dân số. PLDS cũng đã quán triệt đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp, tạo điều kiện để giải quyết vấn đề dân số gắn với phát triển.
* Quy định về thực hiện kế hoạch hoá gia đình.
PLDS quy định “Kế hoạch hoá gia đình là nỗ lực của mỗi gia đình, của nhà nước, xã hội để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng chủ động, tự nguyện quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh nhằm bảo vệ sức khoẻ, nuôi dạy con có trách nhiệm, phù hợp với chuẩn mực xã hội và điều kiện sống của gia đình”(Khoản 9, điều 3 PLDS). Xét về bản chất, KHHGĐ không phải là mục đích tự thân mà là kết quả vận động của gia đình, nhà nước, xã hội để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng có đủ kiến thức, sự hiểu biết và quyết định một cách có trách nhiệm khi thực hiện quyền sinh sản. Vì vậy, PLDS quy định “Kế hoạch hoá gia đình là biện pháp chủ yếu để điều chỉnh mức sinh góp phần bảo đảm cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”(Khoản 1, điều 9).
Điều 7 - PLDS quy định nghiêm cấm các hành vi như: “Cản trở, cưỡng bức việc thực hiện KHHGĐ; Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp phương tiện tránh thai giả, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, quá hạn sử dụng, chưa được phép lưu hành; Di cư và cư trú trái pháp luật; Tuyên
truyền phổ biến hoặc đưa ra những thông tin có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có ảnh hưởng xấu đến công tác dân số và đời sống xã hội; Nhân bản vô tính người”.
Quy định này thể hiện tính lôgíc, nhất quán của chính sách dân số. Việc thực hiện KHHGĐ chủ động, tự nguyện để mỗi cặp vợ chồng, cá nhân quyết định một cách có trách nhiệm về số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh nhằm bảo vệ sức khoẻ, nuôi dạy con có trách nhiệm, phù hợp với chuẩn mực xã hội và điều kiện sống của gia đình. Đồng thời, để bảo đảm quyền của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc lựa chọn, sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp với điều kiện kinh tế, sức khoẻ, tâm lý và các điều kiện khác, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trong việc thực hiện KHHGĐ. Đó là yêu cầu, là biện pháp trong việc thực hiện KHHGĐ, không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được cản trở, cưỡng bức việc thực hiện KHHGĐ. Bất cứ hành vi nào gây cản trở, cưỡng bức việc thực hiện KHHGĐ đều bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật.
Khoản 2, điều 9 PLDS cũng quy định các biện pháp của KHHGĐ bao gồm: Tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ bảo đảm để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng chủ động, tự nguyện thực hiện KHHGĐ; Cung cấp các dịch vụ KHHGĐ bảo đảm chất lượng, thuận tiện, an toàn và đến tận người dân; Khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần, thực hiện các chính sách bảo hiểm để tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện KHHGĐ sâu rộng trong nhân dân”. Trong quy định này mỗi cá cặp vợ chồng, cá nhân chủ động, tự nguyện thực hiện quyền, nghĩa vụ về KHHGĐ phù hợp với chuẩn mực xã hội và điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân, gia đình thì phải thực hiện đồng bộ ba biện pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn, cung cấp dịch vụ và khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần.
* Quy định về chất lượng dân số.
PLDS quy định “Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số”(Khoản 6, điều 3 PLDS); “Nâng cao chất lượng dân số là chính sách cơ bản của nhà nước trong sự nghiệp phát triển đất nước”(Khoản 1, điều 20).
Quy định này khẳng định quan điểm coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Do vậy, việc nâng cao chất lượng dân số là mục đích cơ bản của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với cách tiếp cận có tính hệ thống, nhân văn, coi con người là trung tâm, là mục đích tối thượng của sự phát triển đã mở rộng các cơ hội lựa chọn và nâng cao năng lực lựa chọn của mỗi người nhằm hướng tới một cuộc sống phát triển bền vững. Trong đó việc tăng thu nhập, được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn, có chỗ ở tốt hơn, có việc làm phù hợp, tham gia đầy đủ tích cực hơn vào các hoạt động xã hội, cộng đồng…chính là sự thể hiện quyền được lựa chọn của các cá nhân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Điều 21 PLDS quy định các biện pháp nâng cao chất lượng dân số, cụ thể là: “Bảo đảm quyền cơ bản của con người; quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng về thể chất, trí tuệ, tinh thần; hỗ trợ nâng cao những chỉ số cơ bản về chiều cao, cân nặng, sức bền; tăng tuổi thọ bình quân; nâng cao trình độ học vấn và tăng thu nhập bình quân đầu người; Tuyên truyền, tư vấn và giúp đỡ nhân dân hiểu và chủ động, tự nguyện thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số; Đa dạng hoá các loại hình cung cấp hàng hoá và dịch vụ công cộng, đặc biệt về giáo dục, y tế để cải thiện chất lượng sống và nâng cao chất lượng dân số”. Như vậy, quy định các biện pháp nâng cao chất lượng dân số nhằm bảo đảm yêu cầu mở rộng cơ hội lựa chọn của con người, tạo điều kiện cho mỗi người thực hiện các quyền cơ bản, quyền phát triển đầy đủ, được tiếp cận với dịch vụ y tế, giáo dục, phát triển năng khiếu, hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí.
Đây là những quy định hết sức tiến bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi người, của cả cộng đồng trong thời đại mới - văn minh, phù hợp với cả những quy định quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.
* Quy định quyền và nghĩa vụ của công dân.
PLDS quy định các quyền của công dân về công tác dân số nhằm bảo đảm sự chủ động, tự nguyện của mỗi công dân, bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu một cách bền vững. Các quyền của công dân bao gồm: Quyền được cung cấp thông tin về dân số; được cung cấp các dịch vụ dân số có chất lượng, thuận tiện, an toàn và được giữ bí mật theo quy định của pháp luật; Quyền lựa chọn các biện pháp chăm sóc sức khoẻ sinh sản,
KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số; Quyền lựa chọn nơi cư trú phù hợp với quy định của pháp luật (Khoản 1, điều 4 PLDS).
Quyền sinh sản được quy định cụ thể tại điều 10, khoản 1, điểm a, PLDS quy định quyền “quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng” [67, tr.72]. Quyền sinh sản là quyền quyết định tự nguyện và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Quyền sinh sản phù hợp với các quyền cơ bản của con người được chấp nhận trong luật pháp quốc gia, trong các văn bản nhân quyền quốc tế đã được thông qua tại Liên Hiệp quốc. Điều này cho thấy, mỗi cặp vợ chồng và cá nhân thực hiện quyền sinh sản một cách có trách nhiệm, phù hợp với những nguyên tắc và chuẩn mực của công tác dân số.
Đây cũng là điểm quy định hết sức tiến bộ trong PLDS. Tuy nhiên, điểm này nếu không đạt trong tổng thể các quy định về quyền và nghĩa vụ sẽ dễ đưa đến những nhận thức sai lệch về việc thực hiện quyền sinh sản trên thực tế. ở đây, quyền được cung cấp thông tin về dân số; được cung cấp các dịch vụ dân số có chất lượng, thuận tiện, an toàn và được giữ bí mật theo quy định của pháp luật được coi là các quyền điều kiện để thực hiện các quyền cơ bản hướng đích. Đó là quyền sinh sản, quyền lựa chọn các biện pháp chăm sóc SKSS, KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số và quyền lựa chọn nơi cư trú phù hợp với quy định của pháp luật.
Thực tế đã có không ít người hiểu chưa đầy đủ về những quy định về quyền và nghĩa vụ công dân trong PLDS. Một số người chỉ nhấn mạnh đến quy định quyền, không gắn quyền với nghĩa vụ. Đây là lý do khiến thời gian qua một số cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục sinh con thứ ba. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên lại có xu hướng cao ở một số tỉnh, thành phố.
Cần phải khẳng định rằng, PLDS đã quy định các nghĩa vụ của công dân về sinh sản nhằm bảo đảm lợi ích của cá nhân, gia đình, nhà nước, cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Các nghĩa vụ công dân bao gồm: “Thực hiện KHHGĐ, xây dựng quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững; Thực hiện các biện pháp phù
hợp để nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của bản thân và các thành viên trong gia đình; Tôn trọng lợi ích của nhà nước, xã hội, cộng đồng trong việc điều chỉnh quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư, nâng cao chất lượng dân số; Thực hiện các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến công tác dân số”(Khoản 2, điều 4). Quy định công dân có nghĩa vụ thực hiện việc kiểm soát sinh sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, các thành viên gia đình giúp người dân hiểu và tự nguyện thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Trên đây là những nội dung cơ bản chính yếu nhất của PLDS - văn bản có tính pháp lý cao nhất của Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về dân số. Đây cũng là một văn bản đã tích hợp được những quy chuẩn về giá trị của cả quốc tế lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, văn bản này cũng còn có điều khoản chưa gắn bó chặt chẽ giữa quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện chức năng sinh sản của mọi người, của mỗi cặp vợ chồng. Do vậy, cả tuyên truyền giải thích lẫn hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhiều lúc chưa nhất quán. Việc thực hiện PLDS còn nhiều vấn đề phải bàn bạc, điều chỉnh. Chính vì vậy, nghiên cứu về nhận thức, thái độ và hành động của người dân, nhất là của CBLĐQL các cấp với PLDS là điều đang rất cần.
Chính trong thông báo của Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phiên họp thứ 38 ngày 27/3/2006 để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 đã ghi rõ: “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của PLDS; nhất trí cho rằng không nên vội sửa đổi PLDS với nội dung như quy định trong tờ trình của Chính phủ (Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ thực hiện gia đình có một hoặc hai con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững) mà cần tổng kết về việc thực hiện Pháp lệnh này để nâng lên thành Luật dân số”. Đây chính là cơ sở để luận văn đi sâu nghiên cứu thực trạng vấn đề này ở tỉnh Yên Bái, góp thêm thông tin, thực tiễn để góp phần giúp các nhà làm luật sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh PLDS, làm cho PLDS được thực thi có hiệu quả nhất.
Chương 2
Thực trạng nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với pháp lệnh dân số