Xu thế toàn cầu hóa là xu thế tất yếu hiện nay trên thế giới, nó đặt ra cho mỗi quốc gia dù phát triển hay đang phát triển những cơ hội lẫn những thách thức cần phải nhanh chóng vượt qua. Toàn cầu hóa kinh tế làm cho mỗi quốc gia phụ thuộc lẫn nhau về vốn, kỹ thuật công nghệ, nguyên liệu, thị trường…Việt Nam với các nước Bắc Âu cũng không nằm ngoài quy luật chung đó, Việt Nam với các nước Bắc Âu đều đã tham gia vào các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới để có thể hội nhập vào xu thế chung toàn cầu.
Hội nhập kinh tế thế giới cũng làm cho quan hệ giữa Việt Nam với các nước Bắc Âu trước những khó khăn, thử thách lớn như:
So với các nước khác trong ASEAN, xuất phát điểm của Việt Nam còn thấp, nguy cơ tụt hậu khá xa về kinh tế (nhất là trình độ công nghệ, thu nhập bình quân đầu người) vì vậy khi tham gia hội nhập kinh tế phải cạnh tranh với các nước có tiềm lực mạnh trong khu vực và thế giới là một khó khăn, thử thách lớn cho Việt Nam. Mặt khác, do chưa có sự đồng bộ trong khung pháp lý trong nước và sự nhất thể luật pháp của Việt Nam với những thông lệ quốc tế đã gây không ít khó khăn cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Bắc Âu.
Nhìn chung, các nước trong khu vực ASEAN tương đối giống nhau về cơ cấu kinh tế, thương mại đều là những nước đang phát triển với lực lượng nhân công dồi dào và cùng nhau đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản nhiệt đới, đây là một thử thách lớn đòi hỏi Việt Nam phải có nỗ lực và quyết tâm cao trong việc giữ gìn thị phần cho hàng hóa Việt Nam ở trong nước lẫn ngoài nước.
Để tăng nhanh tốc độ phát triển kinh tếở khu vực, các nước trong ASEAN đều cạnh tranh với nhau để thu hút nguồn vốn FDI nhưng so với các nước khác trong ASEAN khả năng tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật công nghệ của Việt Nam còn yếu cho nên khi tham gia hội nhập kinh tế khu vực Việt Nam rất dễ bị thua thiệt, bị lấn áp ngay chính tại khu vực Đông Nam Á.
Tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới có nghĩa là Việt Nam phải chấp nhận những tác động có thể xảy ra trong hệ thống kinh tế toàn cầu, biến động của giá cả quốc tế, lãi suất ngân hàng, tác động của cung – cầu hàng hóa quốc tế, vốn đầu tư, nhu cầu đa dạng cho các thị trường nước ngoài…Trong những trường hợp này, nếu Việt Nam không có một hoạch định chiến lược kinh tế hợp lý cũng như năng lực quản lý kinh tế vĩ mô yếu kém, hệ thống ngân hàng lạc hậu, nạn tham nhũng và quan liêu hoành hành…thì nền kinh tế nước ta không tránh khỏi sự khủng hoảng chung của thế giới cho nên đòi hỏi kinh tế Việt Nam
phải nhanh chóng phát triển nhằm đủ khả năng chống chọi với những tác động này.
Ngoài ra, để nhanh chóng hội nhập kinh tế thế giới Việt Nam cần phải có một đội ngũ nhân lực có trình độ và giỏi ngoại ngữ để có thể giao tiếp và làm việc trực tiếp với các đối tác Bắc Âu, đây là một cản trở rất lớn cho cả hai bên. Vì trình độ kỹ thuật công nghệ vẫn còn lạc hậu, năng lực cạnh tranh còn thấp cho nên khi hội nhập Việt Nam chưa có điều kiện thích nghi nhanh chóng với những tập quán kinh doanh, trình độ quản lý chuyên nghiệp của khu vực và thế giới.