II. CÁC GIẢI PHÁP MỞ RỘNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI LÀNG NGHỀ TẠI NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG HÀ TÂY
2. Các giải pháp gián tiếp
* Mở rộng dịch vụ tư vấn
Hiện nay, trình độ tổ chức quản lý kinh doanh ở các làng nghề còn hạn chế, nhiều người có nhu cầu vay vốn mà không biết phải làm đơn, lập các dự án, báo cáo thu nhập, báo cáo tài chính như thế nào. Quá trình hình thành và phát triển các làng nghề còn mang tính tự phát nên không có cơ quan nào đứng ra giúp đỡ họ trong vấn đề này. Do đó, Ngân hàng nên mở rộng dịch vụ tư vấn đối với các khách hàng ở làng nghề. Ngân hàng không chỉ tư vấn về tín dụng mà còn tư vấn về công nghệ, kỹ thuật, các nguồn cung cấp nguyên liệu, xuất nhập khẩu... nhằm đảm bảo cho làng nghề vừa lập được dự án khả thi để được vay vốn, vừa tổ chức sản xuất kinh doanh tốt, sử dụng vốn vay có hiệu quả nhằm
tránh được rủi ro cho Ngân hàng. Có thể áp dụng các hình thức tư vấn cho từng đối tượng:
- Đối với các khách hàng vay vốn lần đầu: Ngân hàng nên lập sẵn những sơ đồ, mẫu biểu về quy trình tiến hành, các thủ tục, điều kiện tín dụng cần thiết để phát cho khách hàng tham khảo. Nếu họ chưa đủ các điều kiện cần thiết như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng sản phẩm... thì có thể tư vấn cho họ nên làm gì, đến cơ quan nào để được giải quyết, Ngân hàng cũng nên xây dựng những ví dụ về các dự án khả thi, các báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, cách thể hiện nhu cầu vay vốn... Các ví dụ này nên trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu và sẵn sàng cho khách hàng mượn khi cần thiết. Điều quan trọng là trong quá trình tư vấn, cán bộ tín dụng phải có thái độ và tác phong vui vẻ, cởi mở, nhiệt tình để khách hàng cảm thấy thoải mái vì được phục vụ. Có thể có những khách hàng hiện chưa đủ điều kiện để cho vay nhưng nhờ thái độ phục vụ tốt của Ngân hàng mà khi đủ điều kiện vay vốn, họ sẽ quay lại Ngân hàng.
- Với những khách hàng đã vay nhiều lần: những đối tượng này thường làm ăn phát đạt, nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh lớn. Ngân hàng nên chú trọng tư vấn cách tổ chức kinh doanh và quản lý sao cho có hiệu quả. Phạm vi tư vấn nên mở rộng ra các vấn đề mà họ đang quan tâm như: thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, nguồn nguyên liệu, thị hiếu... Với những cơ sở đã làm ăn hiệu quả, vốn tự có tương đối lớn, Ngân hàng có thể hướng dẫn họ cách để được vay vốn trung dài hạn, vay với mức vay lớn hơn...
- Với những khách hàng sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, Ngân hàng có thể tư vấn cho họ những thông tin cần thiết về tiêu chuẩn hàng hoá (chất lượng, tính xã hội của sản phẩm), các hình thức thanh toán trong quan hệ xuất nhập khẩu, thông tin về thị trường quốc tế, những quy định của Nhà nước, những thủ tục, giấy tờ cần thiết...
* Cho vay đối với các đơn vị liên quan đến quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
nghề phải phát triển. Các làng nghề muốn phát triển thì phải có nguồn nguyên vật liệu ổn định để sản xuất và quan trọng hơn là sản phẩm làm ra phải tiêu thụ được. Do vậy, để mở rộng tín dụng đối với làng nghề thì Ngân hàng nên quan tâm đến hoạt động cho vay đối với các đơn vị liên quan đến quá trình sản xuất, thu mua sản phẩm làng nghề. Thực hiện nghiệp vụ này, Ngân hàng đã gián tiếp thúc đẩy quá trình sản xuất các sản phẩm làng nghề thông qua việc tài trợ vốn cho những cơ sở cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Quá trình sản xuất ở làng nghề sẽ được tiến hành liên tục, sản phẩm làm ra được tiêu thụ ngay. Làng nghề càng phát triển thì nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh càng lớn, từ đó sẽ phát sinh nhu cầu về vốn và hoạt động tín dụng của Ngân hàng qua đó cũng sẽ được mở rộng.
* Phát triển hình thức du lịch làng nghề
Bên cạnh tiềm năng phát triển làng nghề, có thể nói du lịch cũng là một trong những thế mạnh của tỉnh Hà Tây. Với những điểm du lịch nổi tiếng như: Ao Vua, Đồng Mô, Ba Vì... và hàng trăm đền chùa, di tích lịch sử, hàng năm tỉnh đã đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan. Bản thân các làng nghề thủ công truyền thống cũng có thể là một trong những điểm đến của khách du lịch. Một số làng nghề đã phát triển được hình thức này, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở khâu trưng bày và bán các sản phẩm mà chủ yếu là do các hộ tự đứng ra mở cửa hàng.
Du lịch làng nghề là một hình thức du lịch văn hoá có tiềm năng phát triển. Có thể tận dụng ngay các tuyến du lịch hiện nay của tỉnh, kết hợp việc đưa du khách đi thăm quan đền chùa, miếu mạo với thăm các làng nghề. Khách du lịch chắc chắn sẽ rất thích thú khi được tận mắt nhìn thấy những người thợ thủ công làm ra các sản phẩm truyền thống của dân tộc, nhất là đối với khách du lịch là người nước ngoài vốn quen với máy móc, điện tử. Và một khi đã đến thăm làng nghề, họ sẽ mua các sản phẩm về làm quà. Đây cũng là một cách tiêu thụ sản phẩm và nếu du khách là người nước ngoài, đây còn là hình thức xuất khẩu tại chỗ. Khi khách hàng là những thương nhân, những nhà kinh doanh, thông qua việc thăm thú, tìm hiểu về quá trình sản xuất, về sản phẩm, rất có thể
họ sẽ trở thành những khách hàng lớn của các cơ sở và những hợp đồng sau đó sẽ được ký kết. Nếu khách hàng là những nhà đầu tư, là Việt kiều hoặc những người nước ngoài có ý định đầu tư vào Việt Nam thì có thể làng nghề sẽ nhận được những khoản đầu tư cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh, cải tạo môi trường, nâng cấp cơ sở hạ tầng...
Tuy nhiên để có thể phát triển được hình thức này, các làng nghề cần phải được hỗ trợ từ bên ngoài của UBND tỉnh về việc quy hoạch các cơ sở sản suất, về các phương án xây dựng làng du lịch, tổ chức các tuyến du lịch qua các làng nghề...
* Nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức tổng hợp về làng nghề của các cán bộ tín dụng
Việc ra các quyết định cho vay là một yếu tố mang tính chủ quan, phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá, nhận thức của cán bộ tín dụng. Do đó, để có thể mở rộng tín dụng đối với làng nghề cả về quy mô lẫn chất lượng thì nhân tố con người đóng vai trò hết sức quan trọng.
Cán bộ tín dụng cần phải có trình độ đủ chuyên sâu về nghiệp vụ tín dụng để hiểu được bản chất của các hình thức cho vay, phương thức cho vay, lãi suất và các nhân tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định tín dụng. Nhờ đó hình thức cho vay và lãi suất mới có thể được lựa chọn đúng, phù hợp với đặc điểm của khách hàng. Bên cạnh đó, các kiến thức về tài chính, kế toán... cũng giúp cho người thẩm định phát hiện những điểm đáng ngờ trong nguồn vốn và tài sản, thể hiện trong các báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính của khách hàng.
Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, cán bộ tín dụng phụ trách việc cho vay đối với các làng nghề còn phải có những hiểu biết về nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất các sản phẩm, thị hiếu, bản thân các sản phẩm truyền thống, những quy định của chính quyền về đất đai, nhà ở, các văn bản pháp luật... Tất cả những yếu tố này đều rất cần thiết cho việc thẩm định các dự án hoặc ra quyết định cho vay đối với làng nghề. Chính vì vậy, nâng cao trình độ của cán bộ tín dụng thông qua việc đào tạo và đào tạo lại là hết sức cần thiết. Ngoài việc đi học ở các trường lớp, trung tâm đào tạo, cán bộ tín dụng cần phải
tự mình bổ xung các kiến thức cần thiết về làng nghề, thu thập những tài liệu nghiên cứu về làng nghề của các nhà chuyên môn, nhà khoa học, các sách báo, tạp chí... nói về thị trường tiêu thụ, nguyên liệu, công nghệ, lao động... ở làng nghề. Ngân hàng cũng có thể cử cán bộ tín dụng đi tham dự các cuộc hội thảo, các chương trình hướng dẫn chuyên đề về làng nghề. Nhờ đó, cán bộ tín dụng thường xuyên cập nhật được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, kết hợp được cả mặt lý luận và thưc tiễn về làng nghề.
Qua đó, cán bộ tín dụng sẽ nâng cao được trình độ chuyên môn, có các quyết định tín dụng đúng đắn dựa trên những nhận định về tính khả thi của dự án hơn là trên giá trị của tài sản đảm bảo.
Trên đây là những giải pháp nhằm mở rộng hoạt động tín dụng đối với làng nghề tại NHCT Hà Tây. Tuy nhiên muốn thực hiện chúng một cách hiệu quả thì cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng như UBND tỉnh để Ngân hàng có được môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các làng nghề.
III. KIẾN NGHỊ