Mở rộng về đối tượng

Một phần của tài liệu Giải pháp mở rộng hoạt động tín dụng đối với làng nghề tại Ngân hàng Công thương Hà Tây (Trang 56 - 61)

II. CÁC GIẢI PHÁP MỞ RỘNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI LÀNG NGHỀ TẠI NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG HÀ TÂY

1. Các giải pháp trực tiếp

1.2. Mở rộng về đối tượng

Đối tượng khách hàng của Ngân hàng từ trước đến nay chỉ tập trung ở một số làng nghề nhất định, còn rất nhiều địa bàn có tiềm năng mà Ngân hàng chưa tiếp cận được. Cho đến nay, hoạt động tín dụng đối với làng nghề của Ngân hàng hoàn toàn mang tính thụ động, tức là chỉ có khách hàng có nhu cầu

vay vốn tìm đến Ngân hàng chứ Ngân hàng chưa chủ động đi sâu tìm hiểu để tìm kiếm khách hàng. Do đó giữa Ngân hàng và các làng nghề còn có một khoảng cách, các hộ và cơ sở ở làng nghề thiếu hiểu biết thông tin về Ngân hàng, điều này làm cản trở việc mở rộng tín dụng đối với làng nghề. Do đó, Ngân hàng cần phải mở rộng địa bàn hoạt động, tăng số hộ và cơ sở được vay vốn, có thể áp dụng các biện pháp sau:

* Áp dụng cơ chế lãi suất linh hoạt

Thực tế đã chỉ ra rằng lãi suất là nhân tố rất quan trọng để thu hút khách hàng ở làng nghề. Trên địa bàn tỉnh hiện nay không chỉ có NHCT Hà Tây cho vay làng nghề mà còn có cả Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng đầu tư, các quỹ tín dụng nhân dân... cũng cho vay làng nghề. Do đó, Ngân hàng chắc chắn phải đối mặt với cạnh tranh về lãi suất. Trên thực tế, mỗi món vay hàm chứa một mức độ rủi ro khác nhau, Ngân hàng không nên áp dụng một mức lãi suất cứng nhắc cho tất cả các đối tượng mà phải áp dụng nhiều mức lãi suất khác nhau dựa trên đánh giá về mức độ rủi ro này. Hiện nay, Ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất chung, không phân biệt đối tượng và thời hạn vay nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ tín dụng có thể đưa ra các mức lãi suất tuỳ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh, chi phí vốn và mức độ bảo đảm về tín dụng chứ không nhất thiết phụ thuộc vào thời gian vay vốn. Tuy nhiên, đa số các món vay làng nghề lại nhỏ lẻ và có những đặc trưng riêng làm cho chi phí điều hành một khoản vay cao, do đó nếu áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho làng nghề thì Ngân hàng lại không có lãi. Do vậy, Ngân hàng cần tích cực tìm các nguồn vốn rẻ, dài hạn hơn để tài trợ cho nhu cầu của các làng nghề. Có nhiều cách để Ngân hàng có thể áp dụng cơ chế lãi suất linh hoạt:

- Dựa trên phân loại về khách hàng vay vốn: với các làng nghề phát triển có thể cho vay với lãi suất thấp hơn quy định chung do hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng lớn và ổn định. Với các làng nghề truyền thống cần được bảo tồn có thể cho vay với mức lãi suất ưu đãi hơn nhưng phải dựa trên cơ sở bù đắp được chi phí hoặc Ngân hàng cũng có thể yêu cầu Nhà nước cho được hưởng chế độ cấp bù lãi suất khi cho vay những làng

nghề này. Còn đối với các làng nghề mai một và các làng nghề mới hình thành: lãi suất có thể thấp hơn hoặc bằng mức lãi suất chung ( 0,85%) do đầu vào và đầu ra của sản phẩm còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ.

- Dựa trên nguồn huy động: nếu nguồn để cho vay là từ ngân sách Nhà nước, của các chương trình tín dụng chỉ định, Ngân hàng có thể cho vay với lãi suất ưu đãi theo yếu cầu của bên cung cấp vốn hoặc giảm lãi suất cho vay tuỳ theo phương án, dự án sản xuất kinh doanh và theo thoả thuận của khách hàng do không phải mất chi phí huy động. Nếu nguồn là các khoản uỷ thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước: Cho vay đúng đối tượng, theo đúng mức lãi suất được uỷ thác; nếu mức lãi suất này không thấp hơn mức lãi suất hiện hành, Ngân hàng có thể đề nghị giảm lãi suất đối với các hộ và cơ sở sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có uy tín, sản phẩm được thị trường ưa thích hoặc nằm trong danh mục khuyến khích phát triển của Nhà nước. Nếu là nguồn vốn huy động của Ngân hàng, do phải tốn chi phí huy động nên khó có thể giảm được lãi suất cho vay. Trên thực tế, Ngân hàng có thể giảm mức lãi suất này xuống thấp nhưng lại thắt chặt hơn về điều kiện tín dụng và tài sản đảm bảo để giảm chi phí điều hành và đề phòng rủi ro. Nhìn chung, đối với nguồn vốn này, Ngân hàng nên căn cứ vào các hồ sơ vay vốn cụ thể, trên cơ sở tính toán về các luồng tiền và năng lực của khách hàng để áp dụng mức lãi suất phù hợp. Ngoài ra, đối với khách hàng ở các làng nghề, Ngân hàng nên chú ý đến tư cách của khách hàng vì họ thường là những người có tư cách tín dụng tốt để có mức lãi suất thích đáng hơn.

* Mở chiến dịch tiếp cận làng nghề

Mục đích của việc làm này là nhằm cung cấp thông tin về hoạt động tín dụng của Ngân hàng cho các hộ và cơ sở ở làng nghề, đồng thời giúp cho các cán bộ tín dụng của Ngân hàng hiểu biết thêm về hoạt động và nhu cầu vay vốn của làng nghề. Bởi vì trên thực tế có những trường hợp do thiếu thông tin về Ngân hàng dẫn tới việc khách hàng cho rằng Ngân hàng có những đòi hỏi quá cao, thủ tục tín dụng rườm rà, gây phiền nhiễu cho khách hàng tạo nên tâm lý

ngại tiếp xúc với tín dụng Ngân hàng, dẫn tới số người tự tìm đến Ngân hàng không nhiều. Do đó Ngân hàng nên mở một chiến dịch tiếp cận với làng nghề. Theo đó, Ngân hàng nên chọn ra những làng nghề đang phát triển mạnh hoặc làng nghề truyền thống cần được bảo tồn nhưng ít hoặc chưa có quan hệ tín dụng với Ngân hàng để cử cán bộ tín dụng xuống tổ chức tiếp xúc với các hộ và cơ sở sản xuất. Qua đó, cán bộ tín dụng sẽ trình bày về chính sách tín dụng của Ngân hàng đối với làng nghề, phổ biến các điều kiện, thủ tục cần thiết để vay vốn, giải đáp những thắc mắc của bà con đồng thời thu thập thêm thông tin về quy trình sản xuất, các đặc điểm về lao động, công nghệ, thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm... và những kiến nghị của bà con về quy trình, thủ tục và điều kiện tín dụng... của Ngân hàng. Dựa vào những thông tin thu thập được, Ngân hàng có thể xây dựng được một chiến lược tín dụng thiết thực đối với làng nghề. Đồng thời, thông qua việc tự giới thiệu về hoạt động của mình, Ngân hàng chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm chú ý của khách hàng có nhu cầu vay vốn. Qua đó, sẽ mở rộng được đối tượng khách hàng ở các làng nghề.

* Cải tiến quy trình, thủ tục tín dụng

Quy trình, thủ tục tín dụng là một trong những yếu tố cần thiết để đảm bảo an toàn cho các khoản tín dụng. Tuy nhiên việc ban hành các quy trình, thủ tục tín dụng quá rườm rà sẽ gây tâm lý ngại cho khách hàng, nhất là với những hộ sản xuất ở làng nghề không hiểu biết nhiều về hoạt động Ngân hàng hoặc mới đến vay lần đầu tiên.

- Trong khâu thẩm định, cán bộ tín dụng nên xem xét đến đặc điểm của làng nghề để đo lường mức độ khả thi của dự án:

+ Đối với các làng nghề mới: tính khả thi của dự án sẽ phụ thuộc vào khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Sản phẩm làm ra có bán được, có doanh thu thì Ngân hàng mới thu được nợ đúng hạn. Do vậy khi thẩm định thì nên đặc biệt chú ý đến yếu tố mẫu mã, chất liệu, mùi vị của sản phẩm xem có phù hợp với thị hiếu hay không.

+ Đối với các làng nghề truyền thống: cán bộ tín dụng nên chú ý đến trình độ tay nghề của người thợ tham gia sản xuất bởi vì chất lượng, giá trị của sản

phẩm truyền thống phụ thuộc rất nhiều vào sự tài hoa, kỹ thuật và kinh nghiệm của người thợ. Cơ sở sản xuất nào có được nghệ nhân hoặc thợ tay nghề cao thì cơ sở ấy có khả năng cạnh tranh lớn hơn.

- Về điều kiện tín dụng, Ngân hàng không nên quá coi trọng vấn đề tài sản đảm bảo vì trên thực tế, khách hàng vay vốn ở làng nghề thường là những người có tư cách tín dụng tốt. Do đó với khu vực làng nghề, Ngân hàng nên tăng mức cho vay không có tài sản đảm bảo đối với các dự án sản xuất kinh doanh có tính khả thi cao lên 20 triệu đồng; còn với các hộ, cơ sở làm ăn tốt hoặc đã có quan hệ tín dụng lâu dài, Ngân hàng am hiểu về tình hình sản xuất kinh doanh của họ thì có thể cho vay mà không cần tài sản đảm bảo. Việc cho vay có thể hoàn toàn dựa trên uy tín của khách hàng hoặc thông qua bảo lãnh của UBND huyện, xã, hiệp hội làng nghề... Trong trường hợp đất đai của khách hàng chưa đăng ký quyền sử dụng đất, Ngân hàng có thể chấp nhận giấy giao đất có chứng nhận của UBND xã, huyện về đất không có tranh chấp. Ngân hàng cũng có thể lấy hợp đồng gia công, hợp đồng tiêu thụ trong đó có xác nhận bảo đảm thanh toán làm tài sản thế chấp vì tiêu thụ hàng thủ công thường là khâu khó khăn nhất nên nếu đã được đảm bảo về khâu này thì nhiều món vay hoàn toàn đủ tính khả thi để cho vay. Tuy nhiên trong trường hợp này các cán bộ tín dụng phải nắm chắc năng lực của người vay đáp ứng được hợp đồng gia công, tư cách và tình trạng tài chính của người đứng ra bảo đảm thanh toán.

- Về vấn đề thủ tục, các hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản có thể không cần có dấu của cơ quan công chứng vì thủ tục công chứng thường mất rất nhiều thời gian mà sản xuất ở làng nghề lại có tính thời vụ đòi hỏi các chủ hộ, cơ sở phải nắm bắt đơn đặt hàng nhanh, cung cấp hàng đúng thời hạn; nếu chậm trễ có thể không tiêu thụ được hàng. Do vậy, vốn phải được cung cấp nhanh để đưa vào sản xuất, kịp thời hoàn thành khối lượng sản phẩm theo yêu cầu. Thủ tục tín dụng vì thế nên đơn giản, gọn nhẹ, tránh gây chậm trễ cho khách hàng. Mặt khác theo ý kiến của các cán bộ tín dụng thì không có sự liên quan ý nghĩa nào giữa việc có hay không có thủ tục công chứng trong hồ sơ cho vay với nợ quá hạn đối với làng nghề.

Một phần của tài liệu Giải pháp mở rộng hoạt động tín dụng đối với làng nghề tại Ngân hàng Công thương Hà Tây (Trang 56 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w