Có thể thấy rằng trong bối cảnh hội nhập với nền kinh tế toàn cầu như hiện nay thì việc ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra và duy trì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng. Để khuyến khích các DNNVV thay đổi công nghệ, máy móc thiết bị đã lạc hậu bằng các công nghệ mới có khả năng hạ giá thành sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh, chúng tôi đề nghị cần thực hiện các biện pháp chủ yếu sau đây:
- Tổ chức, bố trí và sử dụng có hiệu quả lực lượng cán bộ khoa học công nghệ. Các cơ quan nghiên cứu khoa học cần được sắp xếp và bố trí hợp lý theo nguyên tắc gắn chặt khoa học công nghệ với sản xuất và đời sống. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích các công trình nghiên cứu ứng dụng để hấp thụ và nội địa hóa công nghệ và tri thức tiên tiến trên thế giới trở thành công nghệ của nội địa, có thể ứng dụng được vào điều kiện thực tế của các doanh nghiệp trong nước.
- Đẩy mạnh phát triển các khu công nghệ cao. Khu công nghệ cao là sự kết hợp giữa khoa học công nghệ với sản xuất để nhanh chóng biến các ý tưởng khoa học thành sản phẩm mới, công nghệ mới có thể thương mại hóa được. Nhà nước và các tỉnh thành cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho những hoạt động tổ chức nghiên cứu tạo công nghệ mới để chuyển giao cho sản xuất và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các khu công nghệ cao phải đóng vai trò như là cửa khẩu công nghệ, là đầu tàu khoa học và công nghệ, là nơi sẽ thực hiện những ý tưởng sáng tạo của các nhà sáng chế và đi tiên phong trong việc nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm công nghệ cao. Các khu công nghệ cao phải là nơi thu hút các công ty công nghệ cao của nước ngoài đầu tư chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, hình thành các "vườn ươm" công nghệ. Tại đây phải bảo đảm có đủ điều
kiện thuận lợi cho những hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ, các dịch vụ tư vấn, thông tin, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, thương mại … để hoàn thiện, đổi mới và chuyển giao công nghệ, cải tiến và đổi mới sản phẩm. Các khu công nghệ cao này sẽ trở thành trung tâm hỗ trợ quá trình đổi mới và sáng tạo công nghệ của các doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng.
- Kết hợp với việc phát triển các khu công nghệ cao có thể hình thành các làng khoa học hay công viên khoa học. Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) được tiến hành tập trung trong các làng hay công viên khoa học này với sự hỗ trợ đắc lực của các trường đại học và các viện nghiên cứu. Với hình thức tổ chức này thì dòng vốn đầu tư vào nghiên cứu phát triển sẽ khá tập trung, thu hút được nguồn nhân lực trong cả trong và ngoài nước, các nghiên cứu không bị chồng chéo và các kết quả nghiên cứu được sử dụng hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp nói chung và các DNNVV nói riêng đều có thể tiếp cận với các dịch vụ trong công viên và đặt hàng nghiên cứu để thay đổi, cải tiến công nghệ cho doanh nghiệp.
- Tăng cường tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ khoa học công nghệ để các DNNVV có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp xúc với các công nghệ mới, qua đó họ có thể lựa chọn được các công nghệ mới phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng tài chính của mình. Song song với việc tổ chức các triển lãm, hội chợ này thì Nhà nước có thể có các chính sách khuyến khích các DNNV như miễn giảm thuế nhập khẩu công nghệ, hỗ trợ tín dụng một phần nào đó trên giá trị máy móc thiết bị để kích thích các doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi công nghệ cũ đã lạc hậu bằng các công nghệ mới có nhiều ưu điểm hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV.
- Xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ việc chuyển giao, tiếp thu và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp.