Bình Dương, một tỉnh miền Đông Nam bộ không có cảng, không có sân bay, không có cửa khẩu, lại không phải là một tỉnh trung tâm của đất nước, đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực thu hút vốn FDI.
Bảng 1.1: Tình hình thu hút vốn FDI vào Bình Dương
(ĐVT: dự án; triệu USD)
Năm Dự án Số vốn (triệu USD)
2001 116 292.37 2002 155 403.34 2003 149 340.2 2004 147 398.21 2005 186 840.48 Tổng 753 2274.6
(Nguồn: Website tỉnh Bình Dương), [52]
Nơi đây là một điển hình về phát triển không dựa vào những lợi thế “tĩnh” nêu trên. Bình Dương đã tự xây dựng cho mình những lợi thế “động” rất riêng và rất phù hợp với tiến trình phát triển và hội nhập của địa phương.
- Nổi bật trong quá trình xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư của Bình Dương đó chính là việc “trải chiếu hoa”, “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, đón rước nhân tài [25]. “Chính quyền tỉnh Bình Dương có thái độ thực sự trọng thị trong chính sách thu hút đầu tư. Tôi cảm nhận tỉnh rất khát khao mời gọi các nhà đầu tư” [43,40]. Nhờ có sự nhất trí và ủng hộ xuyên suốt từ trên xuống dưới nên rất nhiều các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước kéo về giúp sức cho Bình Dương. Lãnh đạo tỉnh hàng tháng đều có chương trình cùng cán bộ đầu ngành của tỉnh xuống các
- Việc từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng là một bài học đáng được quan tâm của tỉnh. Là một tỉnh nhỏ, năng lực tài chính có hạn nên Bình Dương tính chuyện “ăn chắc mặc bền”, không dùng tiền ngân sách hay vay tiền ngân hàng để làm cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Trọng trách huy động vốn được toàn quyền giao cho chủ đầu tư, vận động các doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư vào các khu công nghiệp bỏ tiền ra lo cơ sở hạ tầng ngay tại nơi mình đầu tư, và làm theo kiểu cuốn chiếu, để các nhà đầu tư “vui lòng tự lo”. Việc đền bù, giải tỏa nhà dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, khu công nghiệp được người dân ủng hộ vì tâm nguyện của nhà lãnh đạo và người dân gặp nhau và cùng muốn Bình Dương phát triển.
- Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, cơ chế “một dấu, một cửa” được Bình Dương quán triệt sâu sắc. Dự án trong khu công nghiệp thì do Ban quản lý Khu công nghiệp, dự án ngoài khu công nghiệp thì do Sở Kế hoạch – Đầu tư đảm trách. Hai cơ quan này là “công bộc” cho đến khi giấy phép được cấp [43,40]. Nếu không may bị “tắc” do không thuộc thẩm quyền của tỉnh thì các nhà lãnh đạo của tỉnh cùng nhà đầu tư đi ra Hà Nội cùng “gõ” cửa các cơ quan chức năng… Hay là việc trong lúc nhiều địa phương khác đua nhau giảm giá thuê đất để thu hút đầu tư thì Bình Dương không giảm mà lại sử dụng phương thức hỗ trợ nhà đầu tư giúp họ yên tâm làm ăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm cần tiếp tục phát huy như trên, vẫn còn nhiều tồn tại mà Bình Dương đang phải đối mặt cần được tháo gỡ dần trong quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư thu hút vốn FDI của mình.
- Quá trình đầu tư phát triển do nóng vội, thiếu một quy hoạch mang tính ”tầm nhìn xa” dẫn đến một số những bất cập về sinh thái môi trường, mất cân đối giữa đầu tư phát triển công nghiệp với xây dựng cơ sở hạ tầng … nên xử lý hết sức khó khăn, nhất là việc phục hồi môi trường
- Sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, dẫn đến cơ cấu ngành nghề như gốm sứ, sơn mài, chế biến gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ … phát triển quá mức cần thiết, vượt khả năng cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
- Tốc độ phát triển nhanh của sản xuất công nghiệp đã tạo ra “cơn sốt” về lao động kể cả số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là số lao động có tay nghề trình độ cao. Hơn 200 nghìn lao động công nghiệp và gần 100 nghìn lao động các ngành nghề ít được đào tạo, phần lớn là lao động từ các địa phương khác đổ về; lao động địa phương chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng số lao động các KCN là một trở ngại lớn cho việc giải quyết nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại và khó khăn cho việc đào tạo nghề…[26] Do vậy, bên cạnh việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Dương cần khắc phục một số tồn tại nêu trên, nhanh chóng đổi mới quy hoạch, đảm bảo sự hài hòa trong quá trình công nghiệp hóa của địa phương.