giáo Ấn Độ
Điểm qua một lượt các tượng, phù điêu Champa, thật không khó để chúng ta nhận ra rằng, điêu khắc Champa đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm bởi tôn giáo Ấn Độ. Hầu hết các vị thần Hinđu giáo xuất hiện trong thần thoại Ấn Độ qua các giai đoạn lịch sử khác nhau đều đã được các nghệ nhân Chăm thể hiện trong điêu khắc. Không chỉ là tên gọi, các nhân vật còn được khắc họa kèm theo những nét đặc trưng ( con vật cưỡi, các vật biểu trưng, những đặc điểm chủ yếu về nhân dạng, những điển tích lớn có liên quan…) như đã được mô tả trong thần tích. Chẳng hạn, thần Indra – vị thần cổ xưa nhất của Ấn Độ - được người Chăm tạc trong tư thế ngồi theo kiểu Ấn Độ, tay cầm lưỡi tầm sét ; thần mặt trời Surya được tạc cùng hình ảnh con ngựa đang phi nước đại, ; thần tài lộc Kubera được thể hiện với dáng
người mập mạp, cưỡi lên lưng một dạ xoa nam khá dữ tợn ; thần chết Yama được thể hiện với một con trâu trước bệ thờ và dây thòng lọng trong tay…
Ở Champa, tuy đạo Phật có vẻ như bị lấn át rất nhiều bởi đạo Hinđu và tác phẩm điêu khắc mang nội dung tôn giáo này không còn nhiều nữa, thế nhưng, qua các tượng, phù điêu Phật, Bồ tát, La hán, Hộ pháp, sư sãi… chúng ta vẫn có thể hình dung ra cả một thế giới Phật giáo phong phú, đa dạng. Đặc biệt, từ những hình ảnh chạm khắc tuyệt đẹp trên đài thờ Đồng Dương, ta có thể biết được những điển tích liên quan đến cuộc đời Đức Phật, từ khi Ngài sinh ra cho đến khi tìm được chân lý giải thoát con người.
Một đặc điểm nổi bật trong tư tưởng người Ấn là tính dung hòa. Người Ấn luôn có xu hướng hợp nhất mọi tôn giáo, mọi tư tưởng triết học tồn tại trên đất nước mình thành một khối, “…khi đối mặt với mọi tập tục, tín ngưỡng thì mỗi một tính đa dạng của các tập tục và tín ngưỡng này đều được tiếp nhận một cách trân trọng, thậm chí, còn được hoan nghênh” (Nêru) [76, tr. 137]. Bắt nguồn từ tư tưởng đó, một quan niệm tôn giáo đã được hình thành và được nhiều người dân Ấn chấp nhận, đó là : Phật Thích Ca là hóa thân thứ chín của Vishnu. Có lẽ, trong lòng người dân Champa cũng đã có sẵn sự khoan dung. Thế nên, có nhiều bằng chứng cho thấy, người Chăm đã chấp nhận sự hòa hợp giữa Phật giáo và Hinđu giáo. Trong điêu khắc, dấu hiệu của sự hòa hợp này được thể hiện ở hình tượng Đức Phật có đeo sợi dây thiêng đính huy hiệu Bà la môn giáo, hay là, Đức Phật ngồi trên những cuộn rắn Nagar.
Khác với Phật giáo, suốt một thời gian rất dài trong lịch sử, Hinđu giáo được xem là tôn giáo chính thống của Champa. Chính vì thế, những tác phẩm điêu khắc Champa mang chủ đề Hinđu giáo còn lại rất nhiều. Tuy không thể làm sống lại cả kho tàng thần thoại Ấn Độ phong phú, muôn sắc, muôn màu, thế nhưng, nó cũng đủ để vẽ nên một không gian đậm chất Hinđu với vô số những vị thần và những điển tích liên quan đến họ.
Trước hết, phải kể đến Brahma, Vishnu, Siva, ba vị thần chủ của Hinđu giáo.
Brahma, vị thần sáng tạo, thường được mô tả trong thần thoại Ấn Độ như là một vị thần có bốn đầu (tượng trưng cho bốn pho kinh Vêđa). Thần có bốn tay, mang các vật biểu trưng
như chiếc bình, tràng hạt, bộ kinh Veda, phương trượng. Theo thần tích, Brahma được sinh ra từ một quả trứng vàng trôi trên biển vũ trụ hay từ một đóa sen mọc trên rốn thần Vishnu.
Bức phù điêu “đản sinh Brahma” trên mi cửa Mỹ Sơn E1 được thể hiện khá trung thành với những điều thần thoại Ấn Độ đã nêu. Trong tranh, thần Visnu đang nằm dài trên lưng con rắn Shesha bảy đầu trôi bồng bềnh trên biển vũ trụ. Từ rốn thần mọc lên một hoa sen. Trên hoa sen, thần Brahma ba mặt (có lẽ là bốn mặt nhưng mặt thứ tư không thể hiện được) đang ngồi xếp bằng thiền định, tay phải cầm tràng hạt, tay trái cầm chiếc bình.
Ngoài bức phù điêu trên, người ta còn tìm được trong kho tàng điêu khắc Champa khoảng mươi bức tượng về vị thần này. Trong các tác phẩm đó, Brahma thường được thể hiện với hình ảnh vị thần ba mặt, ngồi tọa thiền, có bốn tay (hoặc hai tay), cầm các vật biểu trưng như trong thần thoại Ấn Độ.
Bên cạnh Brahma - vị thần sáng tạo, Visnu được các tín đồ Hinđu giáo tôn sùng như một vị thần bảo tồn. Thần có bốn tay, cầm vỏ ốc Sanka, tù và, chiếc đĩa (chiếc vòng), gậy, đóa hoa sen (hay cánh cung, thanh kiếm). Theo thần tích Ấn Độ, trong buổi khai thiên lập địa, thần Vishnu nằm trên lưng con rắn Shesa trôi giữa biển vũ trụ, từ rốn thần mọc lên một đóa sen, trên hoa sen là thần sáng tạo Brahma. Thần Vishnu thường xuất hiện cùng vật cưỡi của thần là nhân điểu Garuđa. Vishnu ngự trên đỉnh Kailasa. Có khi, thần ngồi tĩnh tại trên những cuộn rắn Nagar, trên đầu có tán rắn xòe rộng. Thần luôn mang trong người phẩm chất từ bi, nhân ái. Bất cứ khi nào con người bị đe dọa, thần sẽ giáng hạ xuống trần gian. Khi xuống trần, thần thường xuất hiện trong hình dáng con người. Trong vô số những lần giáng hạ của thần, lần thứ hai (hóa thân con lợn rừng Varaha) lần thứ bảy (hoàng tử Rama), lần thứ tám (Krisna), lần thứ chín (Đức Phật) là bốn lần được nhắc đến nhiều nhất.
Trong kho tàng điêu khắc Champa, ta có thể tìm thấy nhiều tượng, phù điêu Vishnu ở Mỹ Sơn, Phong Lệ, Khương Mỹ (Quảng Nam), Phú Thọ (Quảng Ngãi). Trong các bức phù điêu ấy, Vishnu được thể hiện chủ yếu trong hai tư thế : nằm trên lưng con rắn Shesha trôi giữa biển Ananta, bên cạnh có nhân điểu Garuđa hoặc ngồi trên thân rắn, có tán rắn che đầu. Vishnu của Champa cũng có bốn tay, cầm các vật biểu trưng như trong thần thoại Ấn Độ.
Các hóa thân và những câu chuyện nơi trần thế của Vishnu cũng được các nghệ nhân Champa thể hiện. Trong bức phù điêu ký hiệu 45.2, 45.3 tìm thấy ở Trà Kiệu, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của hoàng tử Rama, Laskmana và Hanuman – thần khỉ. Ngoài ra, chúng ta còn có thể tìm thấy các bức phù điêu thể hiện Sita, quỷ vương Ravana lay động núi Kailasa, thần khỉ Hanuman chiến đấu với quỷ. Tất cả những phù điêu ấy hợp thành một câu chuyện về hoàng tử Rama và chiến công của chàng cùng thần khỉ. Điều này cho thấy, người Chăm chẳng những thông hiểu Hinđu giáo và thần thoại Ấn Độ mà còn nắm rõ cả nội dung của trường ca Ramayana.
Krisna, hóa thân thứ tám của Visnu cũng được thể hiện trong điêu khắc Champa. Đài thờ “hoạt cảnh” Trà Kiệu chính là một đoạn truyện bằng hình về Krisna trích trong Bhagavata – purana. Ngoài ra, phù điêu Krisna còn được tìm thấy tại tháp Khương Mỹ. Bức phù điêu này mô tả Krisna đang trong tư thế hai chân khuỳnh, tay trái chống lên đùi, tay phải đang nâng ngọn núi Govadhana.
Trong ba vị thần chủ của đạo Hinđu, Siva là vị thần được người Champa tôn sùng nhất. Theo thần thoại Ấn Độ, Siva vừa là thần Hủy diệt vừa là thần Bảo tồn, Sáng tạo. Thần có sức mạnh to lớn vượt lên trên mọi vị thần. Siva là vị thần đã khuấy biển sữa, luyện thuốc trường sinh để tăng sức mạnh cho các chư thần. Ông cũng là chiến sĩ diệt quỷ, ban cho loài người sự bình yên, sức khỏe và tuổi thọ. Siva còn là vua của các vũ khúc. Những điệu múa của thần làm mê hoặc các vị thần khác và cả những loài quỷ dữ hung hăng. Điệu múa của thần tượng trưng cho sự chuyển động của vũ trụ. Với điệu Tandava dữ dội, thần hủy diệt vũ trụ, tiếp đó, bằng những động tác múa ẩn chứa đầy quyền lực, thần lại tạo ra một vũ trụ mới, tốt đẹp hơn.
Là vị thần pháp lực vô biên, Siva thường được mô tả trong thần thoại như là vị thần có nhiều đầu, nhiều tay, giữa trán có con mắt thứ ba “nhìn thấu suốt vũ trụ”. Có khi, hình ảnh Siva được đồng nhất với chiếc linga rực cháy. Linga chính là biểu tượng của nguyên lý sinh sản, biểu tượng cho năng lực sáng tạo của Siva.
“ Văn hóa Chàm xác nhận là : ở đâu có màu sắc tôn giáo thì ở đó có bóng dáng Siva” [5, tr. 9]. Nói một cách ngắn gọn, ở Champa, thần Siva được tôn thờ nhiều nhất. Có lẽ,
người Champa đã tìm thấy ở Siva những năng lực phù hợp với khát vọng sống của mình. Nhiều người cho rằng, việc tôn Siva làm thần chủ chính là điểm khác biệt giữa Champa và Ấn Độ. Thật ra, đạo Hinđu ở Ấn Độ không phải chỉ có một khuôn mẫu chung duy nhất là thờ cả ba vị thần chủ. Tìm hiểu kỹ lịch sử Hinđu giáo của Ấn Độ, ta thấy, mặc dù Brahma được suy tôn như vị thần sáng tạo nhưng vai trò của thần khá mờ nhạt, trong khi đó, vai trò của Vishnu, đặc biệt là Siva được tăng lên đáng kể. Kết quả của hiện tượng đó là sự xuất hiện các giáo phái mới : giáo phái Siva, giáo phái Vishnu. Về sau, cùng với đạo Hinđu, giáo phái Siva, Vishnu có điều kiện lan rộng xuống phía Nam, ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á. Như vậy, việc thờ thần chủ Siva không phải là một sự “sáng tạo” của người Champa như nhiều người đã nghĩ. Có chăng, người Chăm đã lựa chọn trong khá nhiều những giáo phái ở Ấn Độ một giáo phái phù hợp, có thể chuyển tải được những tâm tư, tình cảm của mình.
Trong kho tàng điêu khắc Champa, tác phẩm về Siva được tìm thấy rất nhiều ở Mỹ Sơn, Phong Lệ, Trà Kiệu, Chánh Lộ, tháp Mắm…. Đa số các tác phẩm đều thể hiện hình ảnh vị chúa tể vũ trụ đang đắm mình trong điệu múa. Tay thần cầm những vật biểu trưng như đinh ba, gậy treo đầu lâu có ba con rắn quấn quanh, chiếc trống nhỏ, kiếm, cung....Bên dưới Siva là các nhạc công đang tấu nhạc say sưa, những nhà hiền triết đang chiêm ngưỡng điệu múa hay thủy quái makara đang dâng hoa sen. Không còn nghi ngờ gì nữa, Siva đang múa những giai điệu đầy quyền năng để sáng tạo vũ trụ. Trong thần tích Hinđu, Siva có ba điệu múa nổi tiếng : điệu múa vũ trụ, điệu múa Tandava ở nơi hoả táng và điệu múa lúc ban chiều trên đỉnh Kailasa, trong đó, điệu múa vũ trụ là được đề cập đến nhiều nhất. Với điệu múa này, Siva thể hiện cả năm hoạt tính (sáng tạo, bảo tồn, phá hủy, loại trừ tối tăm, ngu dốt và sự ban ân huệ) của thần. Theo kinh Un-mai-vi-lak Kam và kinh Si-dam-ba-ra Mum-ma-ni- co-vai, nguyên mẫu của điệu múa Siva thể hiện năm hoạt tính của thần là :
...sự sáng tạo đẻ ra từ cái trống...sự hủy diệt từ ngọn lửa...cái chân nhấc lên giải thoát chúng ta...
...vị thần tay cầm cái trống thiêng của mình đã làm ra và xếp đặt trời đất, các loài vật và muôn vạn linh hồn...Bàn tay giơ lên của thần che chở cả trật tự hữu thức
của sự sáng tạo. Chân đặt trên đất của thần là chỗ trú ngụ cho những linh hồn mệt mỏi. Chính cái chân nhấc lên đó mang cho ai gần gũi thần một hạnh phúc vĩnh hằng” [5,tr.24].
Trong kho tàng điêu khắc của người Ấn, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều tác phẩm thể hiện đề tài Siva Nataraja, trong đó, đẹp nhất là bức tượng đồng thể hiện Siva đang múa trong quả cầu lửa. Siva Nataraja bằng đá của Champa, nếu so với tác phẩm Siva múa trong quả cầu lửa bằng đồng thau của Ấn Độ, dĩ nhiên là không khoáng đạt và biểu cảm bằng. Tuy nhiên, tác phẩm của Champa không phải là không độc đáo. Quan trọng hơn, Siva Nataraja của Champa cũng thể hiện được năm hoạt tính của vị chúa tể vũ trụ. Có điều, người Chăm thể hiện năm hoạt tính của Siva qua điệu múa có hơi khác so với nguyên mẫu của Ấn Độ. Trong các bức chạm khắc điệu múa Siva của Champa, chúng ta ít thấy sự xuất hiện của chiếc trống và ngọn lửa. Thế nhưng, qua những cánh tay vung lên xoay tít, ta có thể cảm nhận được tất cả : sự luân chuyển của vũ trụ, sự hủy diệt và cả sự sản sinh. Một cánh tay chính của Siva luôn giơ lên như che chở những gì thần đã tạo ra. Đặc biệt, Siva luôn múa trong tư thế một chân chạm đất, một chân nhấc lên. Đó là biểu hiện của sự giải thoát và ban ân cho chúng sinh đau khổ.
Có khi, chúng ta bắt gặp trong kho tàng điêu khắc Chăm hình ảnh Siva đang quay cuồng trong điệu múa, mười tay cầm chắc một sợi dây. Hình ảnh này gợi nhớ đến điển tích Siva khuấy biển sữa trong thần thoại Ấn Độ. Cũng theo thần thoại Ấn Độ, có một thời kỳ Siva hóa thân thành người đi khất thực. Sự kiện này cũng được người Champa phản ánh qua bức tượng đứng “Siva ăn mày” tìm thấy ở Mỹ Sơn. Trong bức tượng này, Siva không có phong thái dữ dội, cũng không có nhiều đầu, nhiều tay, tuy nhiên, người nghệ nhân Chăm tinh tế cũng không quên điểm thêm một hình trăng lưỡi liềm ở giữa trán Siva - biểu trưng cho quyền năng tối thượng.
Linga, một hình tượng độc đáo của Siva, cũng được Champa thể hiện. Trong kho tàng điêu khắc của mình, các nghệ nhân Chăm đã dành một “khoảng không” khá rộng rãi để thể hiện các linga. Có nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng thờ nhiều ngẫu tượng linga ở Champa là do tạc ngẫu tượng đơn giản hơn nhiều so với tạc tượng mà vẫn giữ
được quan niệm tôn giáo. Cũng có thể, Champa đã chịu ảnh hưởng của quan niệm triết học tôn giáo Ấn Độ, cho rằng hình ảnh trừu tượng sẽ thể hiện tốt hơn năng lực siêu nhiên và sự vô hình của các vị thần thánh. Quan trọng hơn, theo quan niệm cổ xưa của người Ấn, linga vừa là đại diện cho Siva vừa là biểu tượng của nguyên lý sinh sản, bảo tồn giống nòi. Hẳn là người Champa, với lòng sùng kính Siva và khao khát sự sinh sôi đã thấy linga là một vật biểu trưng đơn giản nhưng hoàn hảo để thể hiện niềm tin tôn giáo và khát vọng của họ.
Ngoài Brahma, Vishnu, Siva, người Chăm còn thể hiện nhiều vị thần khác gắn liền với những vật biểu trưng và những điển tích liên quan với họ. Chẳng hạn, Ganesa, vị thần mình người đầu voi rất được yêu mến ở Ấn Độ, đã được Champa thể hiện với nhiều tác phẩm. Trong các tác phẩm ấy, Ganesa thường có bốn tay, cầm chén cạn, củ cải hay chùm lá (thực phẩm mà loài voi rất thích). Đặc biệt, Ganesa chỉ có một ngà, chiếc ngà còn lại được thể hiện dường như bị gãy. Hình ảnh này gợi lại một điển tích trong thần thoại Ấn Độ, cho rằng Ganesa đã bị gãy một ngà trong khi giao chiến với Parashurama.
Theo quan niệm của người Ấn Độ, nguyên lý nữ tính (shakti) là lực lượng chủ yếu trong vũ trụ, chỉ có nó mới có đủ năng lực biến đổi sức mạnh tiềm tàng nam tính thành hành động. Chính vì vậy, các thần linh Hinđu như Brahma, Vishnu, Siva … đều có thuộc tính nữ, thể hiện ra bên ngoài bằng các vị phu nhân của thần. Có lẽ, Champa đã nhận thấy quan niệm về “nguyên lý nữ tính” của Ấn Độ có những điểm phù hợp với truyền thống tôn thờ “nữ thần mẹ” của mình. Thế nên, họ đã dễ dàng tiếp thu quan niệm này. Và, bên cạnh các vị thần Brahma, Vishnu, Siva, người Chăm đã tạo tác nên rất nhiều tác phẩm thể hiện hình tượng vợ của các thần (Saravati, Laskmi, Uma...).
Khi tìm hiểu những hình tượng nữ Champa, ấn tượng đầu tiên của chúng ta về những hình tượng ấy là sự gợi cảm ! Các nữ thần thường cởi trần, phô bày bộ ngực tròn, eo thon, hông rộng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khi thể hiện hình tượng nữ, các nghệ nhân Champa chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực bản địa, thể hiện khát khao vạn vật sinh sôi nảy nở. Điều này hoàn toàn có thể. Nhưng, ở một đất nước chịu ảnh hưởng đậm nét của