thống Ấn Độ
Cùng với sự xuất hiện của Phật giáo và Hinđu giáo ở Ấn Độ, hàng loạt các công trình kiến trúc nhằm phục vụ cho việc thờ cúng các vị thần của hai tôn giáo ấy cũng ra đời ở quốc gia này.
Các công trình kiến trúc Phật giáo được xây dựng khá nhiều. Kiến trúc đơn giản nhất là những chiếc thạch trụ. Chiếc cột đá đầu tiên được vua Asoka dựng lên ở Sarnath. Đây là nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên. Bề mặt cột nhẵn trơn, trên đỉnh cột tạc bốn con sư tử oai vệ trông ra bốn hướng. Bên dưới sư tử, bốn bánh xe được chạm xen kẽ với bốn con vật : voi, ngựa, bò, sư tử. Với những họa tiết điêu khắc như thế, chiếc cột không chỉ thể hiện sự ghi ơn công thuyết pháp của Đức Phật mà còn tôn vinh Ngài “với tư cách là một Đấng cai trị thế giới đã giác ngộ” (tr.48-49).
Ngoài những chiếc cột đá, vua Asoka còn cho dựng nhiều bảo tháp để thờ xá lị Phật. Đến thời Shunga (thế kỷ I – IV), những bảo tháp này mới trở nên thịnh hành. Hình dáng nguyên thủy của bảo tháp là một chỏm hình bán cầu, bên trên là một vọng lâu, trên cùng là một cột đá tượng trưng cho cái trục thế giới có gắn ba phiến đá hình đĩa. Quanh bảo tháp có hàng rào bao bọc, tại bốn hướng có bốn cửa ra vào. Cổng được chạm nhiều hoa văn, phù điêu kể lại sự tích và cuộc đời Đức Phật. Về sau, bảo tháp có xu hướng cao lên dần, cuối cùng, chúng trở nên thon gọn.
Khác với sự giản đơn của các thạch trụ và bảo tháp, chùa hang là một kiểu kiến trúc Phật giáo rất phức tạp. Với ý chí, quyết tâm được thúc đẩy bằng một đức tin mãnh liệt, người ta đã khoét sâu vào vách núi để tạo nên những công trình. Chùa hang gồm có tịnh xá (nơi các tín đồ sống, thiền định, nghỉ ngơi) và điện thờ (căn phòng rộng chứa bàn thờ Phật).
Cùng với sự phát triển của đạo Hinđu, các kiến trúc Hinđu giáo cũng mọc lên như nấm trên khắp lãnh thổ Ấn Độ. Đó là những đền tháp được đục từ đá nguyên khối và xây dựng lộ thiên, thể hiện hình ảnh vũ trụ thu nhỏ và biểu đạt những quan niệm tôn giáo sâu xa của Ấn Độ. Tính biểu trưng của các đền tháp là không thay đổi, có điều, bố cục, kiểu dáng tháp lại không giống nhau giữa miền Bắc và miền Nam.
Đền tháp Bắc Ấn thường tọa lạc trên một nền đất cao hình chữ nhật hoặc hình vuông, bao gồm bốn cấu trúc chính : chính điện (nơi đặt tượng thờ), gian nhà nối với chính điện (nơi các tín đồ sửa soạn đồ tế lễ), đại đường (nơi tín đồ hành lễ) và cổng lớn. Bên trên chính điện là một tháp cao, nhọn, xây theo kỹ thuật giật cấp thon dần lên trên. Cũng có khi, tháp có bình đồ hình múi, thu nhỏ dần lên đỉnh.
Khác với Bắc Ấn, đền tháp Nam Ấn được xây dựng thành một quần thể trải rộng. Tháp chính nằm ở trung tâm, là loại tháp tầng, mái hình chóp nhọn . Góc của các tầng tháp, mái tháp được trang trí những tháp nhỏ – mô hình của tháp thờ.
Tóm lại, các kiến trúc tôn giáo Ấn Độ thường được xây dựng thành một tổng thể, gồm có nhiều phần, trong đó, tháp thờ nằm ở trung tâm và là bộ phận kiến trúc cao nhất. Kiểu dáng đền tháp phổ biến nhất ở Ấn Độ là loại tháp tầng, mái hình kim tự tháp. Các đền tháp thường được xây dựng theo kỹ thuật vòm giật cấp, kỹ thuật kết hợp giữa các trụ ốp dọc và
các lanh tô nằm ngang. Đặc biệt, bề mặt tường tháp Ấn Độ luôn dày đặc những hình chạm khắc. Những đặc điểm vừa nêu khiến cho các đền tháp Ấn Độ toát lên vẻ đẹp vừa bề thế vừa kỳ vĩ. Đó chính là những kiệt tác của loài người.
Cũng như Ấn Độ, ở Champa, sự có mặt của Phật giáo và Hinđu giáo đã dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt công trình. Trước hết, đó là những kiến trúc Phật giáo. Tuy người Chăm không khoét núi để tạo thành những phức hợp chùa hang tuyệt mỹ như Atjanta của Ấn Độ, thế nhưng, họ cũng đã tạo ra những ngôi chùa trong các hang động tự nhiên đẹp như tranh (Phong Nha, Lạc Sơn…). Ngoài ra, người Chăm còn xây dựng những đền miếu thờ Phật lộ thiên. Ngày nay, các nhà nghiên cứu đã tìm được một số vết tích của kiến trúc Phật giáo ở Quảng Bình, Quảng Nam, Huế. Tuy nhiên, dựa vào thời gian tồn tại, tầm quan trọng của tôn giáo này, chúng ta tin rằng, trên lãnh thổ Champa còn có nhiều công trình khác nữa. Thế nhưng, có lẽ, các công trình này đã bị chiến tranh và thời gian vùi lấp, hoặc cũng có thể, cùng với sự phát triển của Hinđu giáo, các kiến trúc Phật giáo của Champa đã được tu sửa để đảm nhận một chức năng mới : thờ các vị thần Hinđu. Khả năng thứ hai này không phải là không thể xảy ra. Bởi lẽ, khi tìm hiểu các kiến trúc đền – tháp Champa, ta thấy, ở một số đền – tháp có sự xuất hiện của những chiếc cột bát giác, vốn là một chi tiết kiến trúc rất thường gặp ở các công trình kiến trúc thờ Phật ở Ấn Độ. Đầu các cột ốp góc tường của một vài ngôi tháp nhô ra những hình trang trí thể hiện các thiên nữ. Kiểu trang trí này gợi nhớ đến các hình tượng yaksi trên stupa Sanchi. Đặc biệt, tại những ngôi tháp này, người ta đã tìm được một số hiện vật điêu khắc Phật giáo ( tượng Phật, Bồ tát, Hộ pháp...) bên cạnh những hiện vật điêu khắc Hinđu. Quần thể kiến trúc lớn và quan trọng nhất của Champa được cho là tòa tu viện Phật giáo Đồng Dương ở Quảng Nam. Đáng tiếc là hiện nay, cụm kiến trúc này cũng đã hoang tàn, đổ nát.
Những kiến trúc đền tháp còn lại của Champa hầu hết đều là những kiến trúc Hinđu giáo. Dựa trên một số dấu vết còn lưu lại, ta biết, các kiến trúc tôn giáo Champa buổi đầu được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, về sau mới chuyển sang vật liệu bền. Khi chuyển sang sử dụng vật liệu bền, đá - chứ không phải gạch - là chất liệu đầu tiên mà người Chăm chọn lựa. Theo các tài liệu khảo cổ, một ngôi đền bằng đá lớn nhất Mỹ Sơn đã được xây dựng
trên nền kiến trúc gỗ đã bị cháy vào thế kỷ IV. Văn bia cho biết, ngôi đền này đã được trùng tu lần cuối vào năm 1234. Đáng tiếc, hiện nay nó đã sụp đổ, chỉ còn trơ lại bộ móng kiên cố và khá cao. Có thể, đây là một thử nghiệm về mặt chất liệu kiến trúc theo nguyên mẫu Ấn Độ của Champa. Thế nhưng, những diễn biến về sau cho thấy, việc xây dựng đền - tháp bằng đá đã không được người Champa tiếp nhận. Điều này cũng không có gì khó hiểu. Bởi lẽ, việc khoét núi, đục đá nguyên khối để tạo thành các đền - tháp đồ sộ, lộng lẫy như Ấn Độ không phải chỉ cần một thời gian ngắn với công sức của vài ba người là đủ; trong khi đó, lãnh thổ Champa chỉ là một vùng đất hẹp, lại bị núi non chia thành những mảnh nhỏ, dân cư Chăm thưa thớt, cả vương quốc “thời thịnh nhất cũng chỉ trên dưới 300.000 dân” [69, tr. 56}. Với điều kiện tự nhiên và dân cư như thế, lại thường xảy ra chiến tranh, làm thế nào Champa có thể rập khuôn theo Ấn Độ : đục đá để tạo thành những ngôi đền ? Chính vì thế, không giống như Ấn Độ, kiến trúc Champa đã không xuất hiện những công trình đá hoành tráng, tạo cho người xem cảm giác kiên cố, vững vàn. Mặc dù vậy, điều này cũng không hẳn là đáng tiếc! Với đức tin mãnh liệt và tư duy sáng tạo, nghệ nhân Champa đã tạo ra một chất liệu mới, cũng kiên cố như đá, nhưng rất độc đáo, đó là gạch nung.
Tuy không sử dụng chất liệu đá nhưng Champa vẫn xây tháp theo kỹ thuật truyền thống của kiến trúc tôn giáo Ấn Độ : kỹ thuật vòm giật cấp và kỹ thuật kết hợp giữa các trụ áp tường theo chiều dọc và các lanh tô bằng đá (hay bằng gạch) theo chiều ngang. Để diễn đạt hình ảnh vũ trụ thu nhỏ, đền tháp Champa thường được xây dựng thành một tổng thể bao gồm một ngôi đền chính kết hợp với những công trình phụ (tháp cổng/gopura, nhà dài/mandapa để tĩnh tâm và chuẩn bị lễ vật, kho lễ vật/kosagrha...), những đền miếu nhỏ (thờ các vị thần phương hướng, thần tinh tú, thần lửa...) và những bờ tường thấp bao quanh. Một vài khu tháp có cách bố trí giống các đền Bắc Ấn : các kiến trúc nằm gần nhau trên cùng một bệ cao. Tuy nhiên, phần lớn các kiến trúc thường được bố trí thành một quần thể trải rộng giống các đền Nam Ấn.
Chịu ảnh hưởng nhiều của tháp thờ kiểu Vimana miền Nam Ấn, tháp thờ Champa thường có bình đồ vuông hay chữ nhật, mái tháp hình kim tự tháp nhiều tầng. Là nơi cư ngụ của chư thần, chánh điện trong tháp thờ thường được thể hiện như một hang động. Các bức
tường trong chánh điện thường được đục khoét lởm chởm, không có cửa sổ, chỉ có những ô nhỏ hình tam giác để đặt đèn. Dấu vết của sự đục khoét này còn thấy rõ ở hầu hết các tháp thờ của Champa như Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An, Bình Lâm, Thốc Lốc, Cánh Tiên, Dương Long, Hưng Thạnh…
Đối diện với tháp chính, phía sau tháp cổng, người ta còn đặt một bàn thờ (hình tròn hoặc vuông) nhỏ. Ở Ấn Độ, bàn thờ này được dùng để đặt mễ cốc, gọi là Ba- li phì – tha. Chiếc bàn thờ này cũng xuất hiện ở rất nhiều đền - tháp (Khương Mỹ, Chiên Đàn, Trà Kiệu...) của Champa. Chúng được chạm khắc hình tòa sen cách điệu, voi, sư tử hoặc mô típ hình vú phụ nữ...rất sinh động.
Đặc biệt, Champa đã tiếp thu và thể hiện rất thành công quan niệm kiến trúc kết hợp với điêu khắc của Ấn Độ. Bề mặt tường ngoài thân tháp, các cửa giả… được chạm khắc rất công phu. Cửa giả lớn bao giờ cũng có một vị chư tiên hộ trì đền với gương mặt thành kính, tay cầm hoa sen. Ba tấm trán cửa thường thể hiện nữ thần Laskmi, nữ thần của sắc đẹp, sự trù phú và hưng thịnh.
Ngoài các cửa giả, tường ngoài của thân tháp còn được trang trí bằng những trụ áp. Chân trụ áp, nơi tiếp giáp với chân tháp thường được trang trí những vòm cuốn nhỏ chạm trổ hoa lá. Đầu trụ áp, nơi tiếp xúc với mái tháp lại được thể hiện hình ngọn lửa thiêng liêng cách điệu, thiên nữ apsara hay thủy quái makara... Có thể nói, mỗi đền tháp là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của Champa. Đó là sản phẩm của sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật xây dựng bậc thầy và nghệ thuật chạm khắc điêu luyện.
Từ những điều vừa trình bày, có thể nhận thấy, nghệ thuật kiến trúc Champa đã chịu ảnh hưởng rất sâu sắc bởi phong cách kiến trúc Ấn Độ, đặc biệt là phong cách kiến trúc miền Nam Ấn. Tuy nhiên, nếu xét một cách tỉ mỉ, cách thể hiện các kiến trúc đền tháp Champa không hoàn toàn giống với nguyên mẫu Ấn Độ. Xét về cấu trúc, một số ngôi tháp Chăm không có tường rào bao bọc, không có hành lang và cũng không đủ bốn cấu trúc chính. Có khi, người Chăm chỉ xây dựng một tháp thờ duy nhất (Tháp Cánh Tiên, Bình Lâm, Thủ Thiện, tháp Nhạn…). Có khi, tháp được xây thành một cụm gồm ba ngôi tháp nhưng cũng đều là tháp thờ (Chiên Đàn, Khương Mỹ, Dương Long, Hưng Thạnh). Xét về hình dáng,
không phải tất cả các tháp Champa đều là loại tháp vuông nhiều tầng, mà, trong số các tháp thờ, có tháp mang bình đồ bát giác (tháp Bằng An), có tháp mái hình vòm hay mái cong hình yên ngựa (tháp Mỹ Sơn C1, tháp Yang Prong)… Đặc biệt, Champa đã có một số cách thể hiện hơi khác so với phong cách kiến trúc Ấn Độ mà những cách thể hiện ấy đã trở thành những nét độc đáo của kiến trúc Champa.
Đầu tiên, đó là vật liệu xây dựng. Như đã phân tích ở trên, tháp Chăm không xẻ núi, đục đá thành ngôi đền nguyên khối bề thế như Ấn Độ mà được xây bằng gạch. Những viên gạch được tạo nên từ đất và được kết dính lại bằng một loại keo đặc biệt để tạo nên những đền - tháp hình khối nhỏ gọn nhưng không kém phần kiên cố, nguy nga. Những ngôi đền tuyệt đẹp bằng đất nung – thiêng liêng mà ấm áp và gần gũi – đã tạo ra nét cuốn hút riêng cho kiến trúc Champa so với những nền kiến trúc khác trên thế giới.
Ngoài ra, nhờ tiếp thu và thể hiện khá thành công kỹ thuật kiến trúc truyền thống của Ấn Độ trên chất liệu gạch, các tháp Chăm mang một vẻ đẹp cân đối, sáng sủa và có nhịp điệu. Vẻ đẹp ấy khiến cho người ta không thể làm ngơ.
Sự xuất hiện của đài thờ trong chánh điện là nét độc đáo thứ hai của các tháp Champa. Đài thờ Champa được làm từ đá sa thạch, có kích thước khá lớn, chạm trổ rất tỉ mỉ ở bốn mặt ngoài. Đài thờ Mỹ Sơn E1 chạm hàng chục bức phù điêu sinh động thể hiện hình người múa, các đạo sĩ đang tu luyện, thổi sáo, chơi đàn..., ngoài ra, còn có các họa tiết trang trí hình hoa lá. Đài thờ Đồng Dương chạm hàng loạt các cảnh khác nhau liên quan đến cuộc đời Đức Phật, như : hoàng hậu Maya ở vườn Lumbini; Bồ tát thi bắn cung với những người đến cầu hôn người đẹp Gopa; Đức Phật cắt tóc và trao đổi y phục với người đi săn để đi tu; người hầu Chandaka và con ngựa Kanthaka trở về sau khi Đức Phật đã vào rừng tu hành; đạo quân Mara và các cô con gái Mara quấy phá việc tu hành của Phật. Đài thờ “hoạt cảnh” Trà Kiệu mô tả một đoạn truyện về Krisna (hoá thân thứ tám của Vishnu) trong Bhagavata – purana : Krisna, Rama nhận quà của các nhà buôn; Krisna chữa bệnh gù lưng cho một người phụ nữ; các ápsara múa hát mừng lễ cưới của người Bà la môn với một bà hoàng. Ngoài ra, ở Trà Kiệu còn có một đài thờ. Đáng tiếc, nó không còn nguyên vẹn. Đến nay, người ta chỉ mới tìm được một phần mười sáu của đài thờ ấy, trên đó có một bức chạm
nổi hình thiên nữ Ápsara. Có thể nói, mỗi đài thờ là một công trình điêu khắc tuyệt mỹ của Champa. Tuy những đề tài chạm khắc đều có nguồn gốc Ấn Độ nhưng đài thờ lại là một sự sáng tạo riêng của người Chăm xưa bởi vì hình thức đài thờ hầu như không được tìm thấy ở các đền đài Ấn Độ.
Nét độc đáo thứ ba của kiến trúc Champa là các phù điêu trang trí. Tuy chủ đề được lấy từ Ấn Độ nhưng chính những nghệ nhân Chăm, chứ không phải ai khác, đã thổi hồn vào những tác phẩm này. Dưới những nhát khắc tài tình, những con người, con vật trong các bức phù điêu hiện ra thật linh hoạt và đầy tâm trạng. Đặc biệt, từ vẻ mặt, tư thế, vóc dáng của các nhân vật đều toát ra một sức sống mãnh liệt - một sức sống mang đậm dấu ấn Champa. Đã có rất nhiều người bị chinh phục bởi những bức phù điêu sống động như có hơi thở của Champa. Ngoài ra, người ta còn bị thu hút bởi kỹ thuật chạm khắc của những nghệ nhân bản địa. Cũng là những vị thần hộ đền, thiên nữ, ngỗng thần, bò thần, thủy quái makara như trong thần thoại Ấn Độ, song, nếu người Ấn Độ, cả người Khmer nữa, chạm trổ trên đá thì người Champa chạm trổ trên gạch. Không có chút dấu vết nào của sự mẻ vỡ, những nhát khắc của các nghệ nhân Champa ngọt ngào và hoàn hảo đến lạ lùng! Có cảm giác rằng bề mặt gạch rất mềm dưới đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ. Nhiều người đã thử lý giải về sự kỳ diệu đó. Một số người cho rằng vì những viên gạch mà người Chăm dùng để xây tháp được nung chưa “tới” nên gạch còn non, dễ chạm khắc. Lại có người cho rằng các nghệ nhân Chăm đã chạm khắc lên nền gạch sống, giống như làm gốm vậy, những viên gạch sau khi được tạo hình, kết dính lại thành tháp xong, người Chăm sẽ tiến hành chạm khắc rồi nung cả công trình. Ai cũng có cái lý của mình. Tuy nhiên, đáp án sẽ mãi là một bí mật. Kỹ