Tinh thần tôn giáo Ấn Độ thể hiện trong các công trình kiến trúc Champa

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn độ trong nền nghệ thuật cổ Champa (Trang 29 - 33)

Ấn Độ được mệnh danh là “xứ sở của thần linh”. Thật vậy, không có ở nơi nào mà thế giới thần linh lại phong phú như ở Ấn Độ. Có lẽ, chính truyền thống tự do trong tư tưởng của người Ấn đã dẫn đến sự đa dạng trong suy nghĩ, và, điều đó đã biến Ấn Độ trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự ra đời của nhiều tôn giáo khác nhau. Đặc biệt, mỗi tôn giáo ở Ấn Độ luôn mang một nội dung triết lý sâu xa. Nội dung này được thể hiện qua những huyền thoại, thần tích. Trong đời sống của người dân Ấn Độ, tôn giáo là một phần quan trọng và không thể thiếu. Tôn giáo ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá, nghệ thuật, thần tích tôn giáo là nguồn cảm hứng vô tận để các nghệ nhân sáng tạo nên những tác phẩm của mình.

Trong vô số những tôn giáo đã ra đời trên “lục địa tinh thần”, Hinđu giáo và Phật giáo là hai tôn giáo lớn, có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với văn hoá Ấn Độ. Đây cũng chính là hai tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Champa.

Hinđu giáo là tôn giáo ra đời trên cơ sở kế thừa những giáo lý, hạt nhân tư tưởng của các tôn giáo cổ. Thực chất, đó là bước phát triển cao hơn, nằm trong quá trình vận động, biến đổi của tôn giáo cổ Ấn Độ, từ đạo Vêđa tới đạo Bà-la-môn rồi đến đạo Hinđu. Tên gọi “Hinđu giáo” chính thức ra đời vào thế kỷ IV. Tôn giáo này lấy kinh Vêđa của người Aryan làm nền móng giáo lý, nghi thức và thần phả. Hinđu giáo thờ ba vị thần chủ là Brahma – thần Sáng tạo, Vishnu – thần Bảo tồn và Siva – thần Huỷ diệt. Bên cạnh đó, tôn giáo này

vẫn tiếp tục dành sự tôn kính cho các vị thần thời Veđa (Indra, Agni, Varuna, Vayu, Kubera, Surya, Isana…) và các vị á thần mới được bổ sung vào từ thời Bà-la-môn. Mỗi vị thần trong Hinđu giáo thường gắn liền với nhiều điển tích khác nhau. Chính vì thế, với sự đa dạng của các vị thần, kho tàng thần thoại Ấn Độ cũng vô cùng phong phú.

Tuy sản sinh ra rất nhiều vị thần nhưng Bà la môn giáo (từ thế kỷ thứ IV gọi là Hinđu giáo) luôn đề cao sự hợp nhất. Theo quan niệm của Hinđu giáo, ba vị thần Brahma, Vishnu, Siva có sự liên hệ mật thiết với nhau trong một chu kỳ biện chứng vừa thống nhất vừa đối lập như sự vận hành bất tận của vũ trụ. Ba vị thần đó thật ra chỉ là ba dạng vẻ khác nhau của một bản thể thống nhất mà thôi. Trong mối liên hệ đó, nhiều lúc, thần Hủy diệt Siva có những biểu hiện bảo tồn, sáng tạo hoặc có khi, Siva kết hợp với Vishnu thành một vị thần. Thần sáng tạo Brahma tuy trên danh nghĩa là vị thần đứng đầu, song, thực tế, so với Vishnu và Siva, thần ít được tôn kính hơn và vai trò cũng khá mờ nhạt. Theo quan niệm triết học Ấn Độ, vũ trụ cũng thống nhất. Người Ấn đã đặt cho nó một cái tên trừu tượng gọi là Brahman. Linh hồn vũ trụ/Brahman sinh ra linh hồn con người/Atman, đến khi con người chết đi, Atman lại quay về với cội nguồn đã sản sinh ra nó.

Giáo lý Hinđu giáo còn giải thích số phận con người bằng Karma/hành động và Samsara/nghiệp chướng. Từ sự giải thích đó, Hinđu giáo chỉ ra cho con người ba con đường giải thoát, đó là tu hành khổ hạnh, làm điều thiện, tránh điều ác và sùng tín. Trong đó, sự sùng tín là con đường giải thoát rộng rãi nhất. Tín đồ chỉ cần hết lòng tôn kính thần thánh, hiến dâng tinh thần phụng sự cho Đấng tối cao và hướng về Đấng tối cao bằng tất cả tình yêu của mình.

Giống như Hinđu giáo, giáo lý của Phật giáo cũng dùng Nghiệp và Nhân quả để giải thích nguyên nhân nỗi khổ của con người. Sau đó, Phật giáo hướng dẫn con người tự giải thoát bằng Bát chính đạo. Ra đời vào khoảng thế kỷ V trước công nguyên trong bối cảnh Bà la môn giáo đang có những biểu hiện suy thoái và người dân Ấn Độ lại đang chịu nhiều đau khổ, lời kêu gọi con người sống từ bi, bác ái của Phật Tổ và hình ảnh một cõi Niết bàn bình yên, hạnh phúc đã lay động được lòng người. Dưới thời cai trị của Asoka (273 – 232 TCN), Phật giáo có điều kiện phát triển và truyền bá giáo lý của mình ra nhiều nơi trên thế giới.

Trước sự phát triển của Phật giáo, Bà la môn giáo đã có những điều chỉnh, đến thời Shunga (thế kỷ I – III), nó đã khôi phục lại được địa vị của mình. Mặc dù vậy, Phật giáo cũng không hề bị xâm phạm hay loại trừ. Với tấm lòng khoan dung mọi tôn giáo, tín ngưỡng của mình, các vị vua Ấn Độ đã tạo điều kiện cho Hinđu giáo và Phật giáo phát triển, mở rộng ảnh hưởng ra thế giới.

Từ những thế kỷ trước công nguyên, Champa đã tiếp thu Phật giáo và Hinđu giáo của Ấn Độ. Theo thời gian, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của những đoàn thuyền buôn, những tu sĩ, nhà sư, văn hóa Ấn Độ cũng như tinh thần của Phật giáo, Hinđu giáo đã thấm vào trong tâm thức của người dân bản địa. Điều này được thể hiện rất rõ qua những nội dung được khắc trên bia đá, đặc biệt là qua các tác phẩm tạo hình tôn giáo : đền tháp, tượng, phù điêu.

Ở đây, chúng ta nói đến các đền tháp Champa. Chưa vội đi sâu vào phân tích, chỉ xét tới đối tượng được thờ cúng trong các đền - tháp, ta thấy, tôn giáo Ấn Độ rõ ràng đã ảnh hưởng sâu sắc đến Champa. Người dân Champa thờ Phật và các vị thần Hinđu. Những vị thần bản địa của họ cũng được thờ trong hình ảnh một vị thần Ấn Độ nào đó.Người Chăm đồng nhất nhà vua của mình với thần thánh, đó cũng là do chịu ảnh hưởng của Ấn Độ. Người Ấn Độ quan niệm rằng : vua chính là hiện thân vĩ đại của thần linh. Có điều, nếu như ở Ấn Độ, quan niệm này chủ yếu chỉ tồn tại trong tư tưởng của con người thì ở Champa, quan niệm ấy được thể hiện ra bằng nhiều hành động. Khi đăng quang, nhà vua Champa được nhận một linga , tượng trưng cho sự hòa hợp giữa quyền lực quốc vương và thần thánh. Khi mất, nhiều vị vua Champa được phong miếu hiệu với nghĩa là hòa hợp với một vị thần chủ tối cao. Đặc biệt, một số vị vua Champa đã được thờ trong tháp dưới dạng mukhalinga. Linga tượng trưng cho Siva, bên trên lại có mặt người mô phỏng theo gương mặt nhà vua. Mukhalinga – đó chính là biểu hiện nghệ thuật nhất, độc đáo nhất một khái niệm tôn giáo trừu tượng mà Champa đã tiếp thu từ Ấn Độ.

Đặc biệt, những quan niệm của người Ấn Độ về kiến trúc và tinh thần Hinđu giáo thì Champa vẫn lưu giữ.

Người Chăm xưa thường xây dựng đền - tháp của mình ở vùng đồng bằng, trên những vùng đất cao ráo gần nguồn nước thiêng : sông, biển (tháp Bằng An, Bình Lâm, Thủ Thiện, Hưng Thạnh, Hòa Lai..) hoặc trên núi thiêng - sườn núi, đỉnh núi hay những ngọn đồi biệt lập (tháp Phước Lộc, Cánh Tiên, Bánh Ít, Dương Long, tháp Nhạn, Po Nagar, Po Klaung Garai, Po Rome, Po Dam, Phú Hài). Đó cũng là những vị trí mà người Ấn Độ ưu tiên chọn lựa nhằm đảm bảo sự thanh khiết của các đền đài , sự hài lòng của các vị thần và tạo thuận lợi cho việc tế tự.

Chịu ảnh hưởng của quan niệm kiến trúc tôn giáo Ấn Độ, đền - tháp Champa thường được xây dựng thành một quần thể, mô phỏng hình ảnh vũ trụ với ngôi đền chính tượng trưng cho ngọn núi Meru thần thoại, những ngôi đền nhỏ tượng trưng cho các thiên thể và những bờ tường thấp tượng trưng cho các đại dương bao bọc xung quanh.

Ngôi đền chính là kiến trúc quan trọng nhất của quần thể đền - tháp. Đó là nơi trú ngụ của các chư thần. Với vai trò như một con thuyền đưa chúng sinh về với chư thần, tháp Chăm thường quay mặt về hướng của thần linh : hướng đông hay hướng biển.

Cũng như những tháp Hinđu của Ấn Độ, tháp Chăm có ba bộ phận : đế tháp (Bhurloka) tượng trưng cho thế giới trần tục; thân tháp (Bhuwarloka) tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi con người tự thanh tịnh chính mình để có thể tiếp xúc với tổ tiên; mái tháp (Swarloka) tượng trưng cho thế giới thần linh, nơi tụ tập của các chư thần. Đặc biệt, tính biểu trưng của ba bộ phận này còn được nhấn mạnh thêm bởi hình dáng của chúng và những hình chạm khắc dày đặc mang đậm truyền thống Ấn Độ.

Tượng trưng cho nhân gian, đế tháp được chạm trổ hình hoa lá, voi, sư tử, các đấng hộ trì của ngôi đền đứng trong vòm cung nhỏ trang trí hình tượng kala - makara, những hoạt cảnh trong thần thoại, vũ nữ và những nhạc công thiên tiên. Ở một số tháp, tại bốn góc của nền tháp được chạm bốn con sư tử đang trong tư thế nâng đỡ. Mô típ ấy gợi lại một quan niệm tôn giáo đã được nói đến trong thần thoại Ấn Độ, cho rằng thế giới được nâng đỡ trên bốn con sư tử hay bốn người khổng lồ...

Tượng trưng cho thế giới tâm linh, thân tháp, với chánh điện bên trong, thường được mô tả như một hang động, vốn được người Ấn Độ xem là nơi trú ngụ ưa thích của chư thần.

Chánh điện được xây rất kín và tối. Cả ngôi tháp chỉ có một cửa thật duy nhất dẫn vào nơi này. Các cửa giả, trán cửa, bề mặt tường ngoài được chạm khắc rất nhiều. Sự lặp đi lặp lại nhiều lần những mô típ trang trí trên các bộ phận to nhỏ của ngôi đền gợi cho người xem liên tưởng đến vô lượng kiếp tái sinh của con người và chu kỳ vận động không ngừng của thời gian vô tận.

Là nơi cư ngụ của chư thần, mái tháp được thể hiện như hình ngọn núi với ba tầng, càng lên cao càng thu hẹp dần và kết thúc bằng một chóp tháp và đỉnh tháp. Mỗi tầng mái tượng trưng cho một tầng trời và được chạm trổ nhiều ngẫu tượng, vật cưỡi của ba mươi vị thần Ấn Độ giáo. Góc của các tầng mái đều được trang trí những tháp nhỏ, chạm trổ tinh vi.

Chóp tháp là một phiến đá hình cầu, bát giác hay tứ giác. Giống như các shikhara của miền Bắc Ấn, chóp tháp Champa có chạm mặt nạ thần thời gian Kala, rắn thần Nagar, bò thần Nandin hoặc tám vị thần phương hướng. Chúng ta có thể nhìn thấy những hình chạm này trên chóp tháp Mỹ Sơn, Vân Trạch Hòa, Chiên Đàn, Po Klong Garai...Trên chóp tháp là đỉnh tháp. Đó là một khối đá nhọn mang hình tượng đóa sen tượng trưng cho sự giải thoát tối thượng hay một cột trụ, tượng trưng cho cái trục vũ trụ, nơi hòa nhập của tiểu ngã/atman vào đại ngã/Brahman.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn độ trong nền nghệ thuật cổ Champa (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)