Tác động của việc gia nhập WTO đối với hoạt động thị trường bán lẻ Cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO:

Một phần của tài liệu Thực trạng thị trường bán lẻ châu Á và những kiến nghị đối với Việt Nam (Trang 51 - 56)

I. THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ VIỆT NAM 1 Khái quát về thị trường bán lẻ Việt Nam

2. Tác động của việc gia nhập WTO đối với hoạt động thị trường bán lẻ Cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO:

Cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO:

• Những dịch vụ phân phối Việt Nam cam kết mở cửa khi gia nhập WTO, bao gồm dịch vụ đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ (kể cả hoạt động bán hàng đa cấp) và dịch vụ nhượng quyền thương mại.

• Những loại hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài được phép phân phối tại Việt Nam:

Từ ngày 11/1/2010, không có bất cứ sự hạn chế nào về hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài được phép phân phối tại Việt Nam, miễn là hàng hóa đó được sản xuất tại Việt Nam hoặc được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam.

• Các hình thức nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện hoạt động phân phối ở Việt Nam:

 Lập liên doanh với đối tác Việt Nam: từ ngày 1/1/2008 không còn bất cứ hạn chế nào về tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

 Lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (thực hiện từ sau 1/1/2009)

Hạn chế chung cho cả hai hình thức này là họ chỉ được phép cung cấp dịch vụ bán lẻ thông qua các cơ sở bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện ích,…). Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được tự động mở một cơ sở bán lẻ. Việc mở thêm cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Như vậy, kể từ thời điểm 1/1/2009, thị trường bán lẻ Việt Nam đã mở cửa cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động. Quá trình thực hiện theo đúng cam kết của WTO này đã có tác động trực tiếp và mạnh mẽ lên những chủ thể chính trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

2.1 Tác động tích cực

2.1.1 Đối với thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung

Kể từ thời điểm 1/1/2009, hầu như mọi rào cản trên thị trường bán lẻ Việt Nam đều được dỡ bỏ. Việc này đồng nghĩa với việc đầu tư của doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ không ngừng tăng lên. Trên thị trường bán lẻ Việt Nam, cạnh tranh sẽ trở nên sôi động hơn. Bên cạnh đó, hình thức các loại doanh nghiệp cũng trở nên đa dạng hơn, tình hình liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp nội địa cũng như giữa các doanh nghiệp nội địa với nhau càng trở nên phổ biến. Kết quả là nhiều hình thức sở hữu mới ra đời làm cho thị trường bán lẻ của nước ta càng trở nên phong phú. Thị trường sẽ ngày càng hướng tới các mô hình kinh doanh tiên tiến trên thế giới.

Khi thị trường bán lẻ Việt Nam được mở cửa hoàn toàn, hàng loạt các trung tâm mua sắm, đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện ích,… sẽ ra đời. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến nhu cầu tìm kiếm một số lượng lao động khổng lồ. Ngành bán lẻ hiện nay vẫn dẫn đầu là ngành sử dụng lao động nhiều nhất trong nền kinh tế toàn

cầu. Việc mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam còn tạo điều kiện cho lao động Việt Nam được làm việc trong môi trường có tính quốc tế cao, được đào tạo bài bản và tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại của thế giới.

2.1.2 Đối với các chủ thể trên thị trường bán lẻ trong nước

Đối với doanh nghiệp bán lẻ nội địa

Sau khi thị trường bán lẻ được mở cửa hoàn toàn, một số lượng lớn các nhà bán lẻ toàn cầu sẽ đến Việt Nam, mang theo công nghệ mới, phong cách quản lý hiện đại, chuyên nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam nhờ đó có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những nét tiên tiến mà các doanh nghiệp nước ngoài mang lại. Thông qua cách thức làm việc chuyên nghiệp mà những nhà bán lẻ lớn trên thế giới đem lại, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp thu để không chỉ áp dụng trên thị trường nội địa mà vươn ra quốc tế.

Do cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn, các doanh nghiệp trong nước muốn tồn tại phải không ngừng cải thiện, loại bỏ những phong cách làm việc quan liêu, bao cấp do ảnh hưởng từ thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung. Họ sẽ quan tâm hơn nhiều đến việc đổi mới mình nhằm giữ thị phần trước sự đe dọa của các tập đoàn dày dặn kinh nghiệm đến từ các nước phát triển.

Đối với nhà sản xuất trong nước

Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ giúp mở rộng thị trường đầu ra cho hàng ngàn sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước. Mỗi hệ thống mua sắm hiện đại là nơi trưng bày và bán hàng loạt các chủng loại sản phẩm khác nhau. Cơ hội cho nhà sản xuất trong nước hợp tác với các nhà bán lẻ nước ngoài nhằm giới thiệu sản phẩm của mình qua các tên tuổi hàng đầu thế giới là rất lớn.

Bên cạnh đó, nếu các nhà sản xuất trong nước khẳng định được tên tuổi của mình bằng các sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cạnh tranh, cơ hội trở thành nhà phân phối độc quyền cho các nhà bán lẻ lớn nhất thế giới hoàn toàn

có thể. Trong trường hợp đó, sản phẩm của họ chắc chắn sẽ có cơ hội xuất hiện tại những thị trường phát triển nhất trên thế giới.

Đối với người tiêu dùng

Lợi ích đầu tiên và rõ ràng nhất là người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bản thân và gia đình. Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn sẽ giới thiệu một số lượng lớn các mặt hàng mới, hiện đại và tiện ích hơn. Do đó, người tiêu dùng có thể chọn được những mặt hàng chất lượng tốt nhất và giá cả cạnh tranh.

Việc các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đặt chân vào Việt Nam sau khi Chính phủ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ giúp người tiêu dùng dần tiếp cận với các phương thức kinh doanh hiện đại và thay đổi thói quen mua sắm của người dân Việt Nam. Mặc dù trong thời gian gần đây, hệ thống bán lẻ hiện đại đã giành được thị phần không nhỏ song kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Vì vậy, cùng với việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ đầu năm 2009, số lượng các cửa hàng, trung tâm bán lẻ hiện đại tăng lên sẽ đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa phong cách mua sắm của đa số người dân, kể cả người dân có mức sống trung bình hay một bộ phận lớn người dân sống sống ở vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ khiến các doanh nghiệp không ngừng đổi mới để tạo được lợi thế về giá cũng như chất lượng sản phẩm hay dịch vụ khách hàng.

2.2 Tác động tiêu cực

Các cửa hàng bán lẻ truyền thống

Trong khi hệ thống bán lẻ truyền thống (chợ và các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tư nhân) vẫn đang chiếm tỷ trọng áp đảo trên thị trường bán lẻ Việt Nam, sự xâm nhập thị trường của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới chắc chắn sẽ đe dọa vị trí của loại hình bán lẻ này. Hệ thống bán lẻ truyền thống vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay chính là nhờ lợi thế về giá. Tuy nhiên, khi các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, họ hoàn toàn có khả năng chi phối nguồn

cung đảm bảo hàng hóa của họ có giá bằng hoặc thấp hơn ngoài chợ. Thêm vào đó, hàng hóa ở các trung tâm bán lẻ hiện đại thường ít biến động hơn về giá cả sẽ thu hút một lượng lớn khách hàng. Như vậy, công việc kinh doanh của một tỷ lệ lớn các tiểu thương Việt Nam có nguy cơ bị phá sản.

Đối với doanh nghiệp bán lẻ

Cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam với các đại gia bán lẻ toàn cầu có thể là cuộc cạnh tranh một mất một còn và phần thắng có nhiều khả năng sẽ thuộc về những tập đoàn đa quốc gia với tài chính khổng lồ và kinh nghiệm dạn dày.

Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài như Wal-mart, Metro có lợi thế về giá vì họ nắm được thế chủ động trước các nhà sản xuất, phân phối dựa vào sức mạnh tài chính của mình nên kiểm soát được nguồn hàng và đảm giá thấp hơn đối thủ cạnh tranh. Đây có thể là nguyên nhân khiến khách hàng từ bỏ các cửa hàng mua sắm quen thuộc để đến với các trung tâm bán lẻ hiện đại.

Đối với nhà sản xuất nội địa

Cơ hội cho nhà sản xuất nội địa là rất lớn tuy nhiên thách thức cũng không hề nhỏ.

Thứ nhất, để được trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải điều chỉnh hàng loạt các kế hoạch sản xuất của mình để có thể cho ra những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Những tiêu chuẩn này chắc chắn sẽ khắt khe hơn những tiêu chuẩn mà trong nước đang áp dụng.

Thứ hai, các nhà bán lẻ nước ngoài khi vào Việt Nam có thể sẽ mang theo hàng hóa từ các nhà cung cấp độc quyền và lâu năm của họ từ nước ngoài. Những hàng hóa này chưa tính đến khả năng được bán với giá thấp hơn sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước thì hoàn toàn có thể vượt trội về chất lượng, mẫu mã, bao bì. Do đó, sản phẩm xuất xứ nội địa sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khá gay gắt và có thể sẽ đánh mất thị phần.

Thứ ba, nếu các nhà sản xuất nội địa có thể trở thành nhà cung cấp cho các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nước ngoài, nguy cơ bị các doanh nghiệp này chèn ép không thể không tính đến. Các tập đoàn bán lẻ luôn mong muốn hàng hóa bán trong chuỗi các cửa hàng của mình có giá cả cạnh tranh nhất. Vì vậy, họ sẽ tận dụng tối đa ưu thế và tiềm lực tài chính của mình để gây sức ép lên nhà cung cấp bằng việc ký kết các hợp đồng dài hạn với giá cả thường bị cố định, khó thay đổi. Bên cạnh đó, nhà sản xuất Việt Nam nói chung đều thiếu kinh nghiệm trên thị trường quốc tế và năng lực khởi kiện khá hạn chế. Do đó họ khó có thể bảo vệ quyền lợi của mình trên thị trường trước các nhà bán lẻ hùng mạnh.

Đối với người tiêu dùng

Mặc dù cơ hội tiếp cận với nguồn hàng phong phú hơn, giá cả cạnh tranh và ổn định hơn là không thể phủ nhận, nguy cơ từ việc mở cửa là hoàn toàn có thể xảy ra. Người Việt Nam từ trước đến nay vẫn coi trọng những giá trị truyền thống phương Đông. Trong khi đó, các tập đoàn bán lẻ toàn cầu đang lên kế hoạch xâm nhập thị trường Việt Nam chủ yếu đến từ Bắc Mỹ và Tây Âu. Khi hoạt động ở Việt Nam họ sẽ liên tục giới thiệu những mặt hàng mới, kể cả những mặt hàng chỉ phù hợp với lối sống phương Tây nên khó tránh khỏi ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam, tác động tiêu cực và làm mờ đi những giá trị truyền thống hàng ngàn năm của người Việt.

Một phần của tài liệu Thực trạng thị trường bán lẻ châu Á và những kiến nghị đối với Việt Nam (Trang 51 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(92 trang)
w