- Tiềm lực vốn tạo ra uy tín:
2.3.1.1. Xác định vị thế của ngân hàng.
Với các ngân hàng mới hoạt động, việc xác định vị thế của ngân hàng trong hoạt động của mình là điều đương nhiên phải làm. Nhưng với các ngân hàng hoạt động ổn định với số lượng khách hàng và thị phần nào đó thì việc tiến hành thường xuyên nhằm xác định vị thế của ngân hàng chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên đây lại là một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong công nghệ quản lý ngân hàng hiện đại,bởi như ông cha ta đã dạy: "Biết mình, biết người, trăm trận, trăm thắng". Xác định vị thế của ngân hàng trước hết chúng ta phải tìm cách để "biết mình" như thế nào ? Thoạt nhìn vào câu hỏi này xem ra như thừa, nhưng trong thực tiễn lại là một việc khó khăn, rất dễ bị các cảm giác đánh lừa hoặc các thành quả đạt được "ru ngủ". Để giải quyết vấn đề này, cần giải đáp câu hỏi: Tiềm lực, khả năng thực tế của ngân hàng hiện tại như thế nào ? Khả năng phát triển và mở rộng ra sao ?
Việc xác định cái hiện có của ngân hàng xem ra là đơn giản hơn cả. Chỉ cần ngân hàng tổ chức tốt hoạt động nội bộ của mình sao cho có được các số liệu thống kê, kế toán đầy đủ thì vấn đề này coi như đã được giải quyết. Sao cho bất cứ lúc nào chúng ta đều có thể lấy được các số liệu minh họa khả năng thực tế của ngân hàng về vốn, lao động, tài sản khác... Cái khó là việc
xác định tiềm lực (dạng mở của năng lực) của ngân hàng. Với những cái hiện có làm thế nào để chúng ta có thể xác định được các yếu tố sắp có, sẽ có của ngân hàng điều đó không phải là việc làm đơn giản. Thông thường bộ phận nghiệp vụ quản lý vấn đề này cần phân chia hoạt động của ngân hàng thành các yếu tố của quá trình kinh doanh để phân tích như về: vốn, trụ sở, kho tàng, lao động, thiết bị... Trong mỗi một yếu tố lại phân chia làm nhiều loại khác nhau để phân tích được bản chất của yếu tố đó. Việc xác định tiềm lực của ngân hàng phải được đặt ra trong việc xem xét đánh giá với khả năng nội tại của chúng để tìm hướng khai thác, phát triển hay mở rộng. Như vậy nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực này là phải phân tích chính xác tình hình
hiện tại về các yếu tố trong kinh doanh, từ đó thấy được khả năng sử dụng, khai thác các yếu tố đó đến đâu: thừa, thiếu, mức độ sử dụng, mức độ hoàn thiện, khả năng loại bỏ, mức độ tăng trưởng và phát triển...
Nếu với phần đầu của yêu cầu là xác định số thực có về các yếu tố kinh doanh của ngân hàng thì các ngân hàng thường làm tốt và tỏ ra là những nhà quản lý dày dạn và đầy năng lực. Nhưng với yêu cầu thứ hai là xác định tiềm lực của ngân hàng thì không phải lúc nào ngân hàng cũng có điều kiện để kết luận đúng được. Để làm tốt yêu cầu này, công nghệ quản lý ngân hàng hiện đại cho rằng việc hạch toán, kế toán là cần thiết, không thể thiếu nhưng khả năng phân tích của bộ phận tổng hợp của ngân hàng lại đặc biệt quan trọng. Chính bộ phận này mới có khả năng giúp các nhà quản lý ngân hàng xác định chính xác được yêu cầu đầu tiên của việc xác định vị thế ngân hàng trên thương trường.
Trong việc xác định vị thế của ngân hàng, ngoài việc biết rõ được khả năng của mình còn phải biết được tiềm lực của các đối thủ cạnh tranh. Chính các đối thủ này là thước đo thế năng của ngân hàng trên thương trường. Nếu phần trên chúng ta đi tìm câu trả lời để "biết mình" thì việc xác định các khả năng của đối thủ cạnh tranh chính là chúng ta tìm cách để "biết người" trong các trận chiến trên thương trường với mong muốn giành chiến thắng. Để giải quyết vấn đề này cần giải đáp cầu hỏi: các đối thủ cạnh tranh với ngân hàng là ai ? Tiềm lực của họ như thế nào ? Khả năng xâm nhập thị trường của ngân hàng đó ra sao ?
Để làm được điều này, các ngân hàng luôn phải tổ chức việc thu thập thông tin có liên quan đến các ngân hàng là đối thủ cạnh tranh. Các thông tin có được bằng các nguồn chính thức: qua báo cáo thường niên, tài liệu công bố trên các phương tiện thông tin... Và kể cả việc thu thập thông tin 1 cách không chính thức. Thông thường về các số liệu lịch sử, số liệu thực hiện được công bố thường chỉ cho ta thấy được đại thể về hoạt động của họ,còn về
những dự định, khả năng thâm nhập và mở rộng hoạt động của các đối thủ cạnh tranh, ngân hàng chỉ có được từ 2 nguồn:
Thứ nhất: Phân tích tình hình chung gắn với các thông tin đã biết về đối thủ cạnh tranh.
Thứ hai: Thông qua tin tình báo kinh tế.
Căn cứ vào việc phân tích để thấy rõ được "Mình" và "Người", ngân hàng thực sự có khả năng thấy được những tiềm năng, nội lực của mình. Để quản lý tốt hoạt động này, ngân hàng phải tổ chức tốt việc hạch toán, kế toán nội bộ đồng thời phải có bộ phận thu thập, phân tích các thông tin đó ;ngoài ra phải tổ chức tốt bộ phận theo dõi, phân tích các đối thủ cạnh tranh. Việc làm này rất cần thiết và phải được làm thường xuyên, có hệ thống, không phải hàng năm mới tổng kết rút kinh nghiệm mà phải coi nó như là một đòi hỏi thường xuyên, thực sự trong mọi lúc của ngân hàng. Bởi vì chúng ta biết rõ được "mình" và "người" chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quyết liệt trên thương trường.