VÀ THỰC TRẠNG VIỆC TÍNH HỆ SỐ BETA
2.1.2 Hoạt động của các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư
Trong năm 2006, Ủy Ban Chứng Khoán đã cấp phép hoạt động kinh doanh chứng khoán cho 41 công ty chứng khoán, 12 công ty quản lý quỹ; 03 quỹ đầu tư chứng khoán. Như vậy đến cuối tháng 12/2006 đã có 55 công ty chứng khoán (03 công ty đã đang ký giao dịch cổ phiếu trên Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội), 18 công ty quản lý quỹ; 06 ngân hàng hoạt động lưu ký (02 ngân hàng trong nước và 04 ngân hàng nước ngoài)
Các công ty niêm yết đã có tiến bộ trong việc thực hiện công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp và huy động vốn qua thị trường chứng khoán.
Các công ty niêm yết thực hiện ngày càng tốt hơn quy định về công bố thông tin; hầu hết các công ty niêm yết đã thực hiện công bố thông tin định kỳ đúng hạn và thực hiện nghiêm túc quy chế quản trị thông tin theo thông lệ tốt nhất.
Các công ty niêm yết đã huy động vốn qua thị trường chứng khoán ngày càng nhiều. Trong năm 2006 có 27 doanh nghiệp niêm yết huy động vốn qua thị trường chứng khoán (vốn cổ phần và trái phiếu) trên 1.300 tỷ đồng; có 15 công ty cổ phần phát hành 250 tỷ đồng ra công chúng để huy động vốn. Các ngân hàng, Tổng Công ty cũng tham gia phát hành trái phiếu (Vietcombank và BIDV có 3.550 tỷ đồng) và đã đưa vào niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tổng công ty điện lực (EVN) phát hành 2.600 tỷ đồng; Công ty chứng khoán Sài Gòn đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.
Trong thời gian gần đây, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã thâm nhập và tích cực triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trở thành kênh đầu tư vào Việt Nam khá hiệu quả. Sau đây là một số quỹ đầu tư:
Vietnam Opportunity Fund (VOF) của Vinacapital bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 9/2003, đến nay quỹ có quy mô vốn gần 250 triệu USD, đứng đầu về quy mô vốn đầu tư tại Việt Nam.
VOF hiện đã đầu tư hơn 100 triệu USD vào Việt Nam, trong đó đầu tư 54 triệu USD vào sàn giao dịch thứ cấp phi tập trung (OTC), 17 triệu USD vào khu vực kinh tế tư nhân, 11,9 triệu USD vào bất động sản và 16,9 triệu USD vào 13 công ty niêm yết chứng khoán. VOF hiện còn dành hơn 86,1 triệu USD cho những khoản đầu tư mới.
Vietnam Emerging Equity Fund (VEEF) vào thị trường Việt Nam từ tháng 11/2005 với quy mô vốn khoảng 15,9 triệu USD. VEEF tập trung đầu tư vào những công ty niêm yết hoặc chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đến giữa quý 3/2006, VEEF đã đầu tư vào 28 công ty Việt Nam.
Mekong Enterprise Fund (MEF) ra đời từ tháng 4/2002 với quy mô vốn 18,5 triệu USD và do Công ty Mekong Capital quản lý. Đối tượng đầu tư của MEF là những công ty gia đình vừa và nhỏ, có kết quả kinh doanh tốt và có khuynh hướng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Đến nay, MEF đã đầu tư vào 10 doanh nghiệp với tổng vốn khoảng 14 triệu USD.
Với quy mô 100 triệu USD, IDG Ventures Vietnam (IDGVV) đầu tư vào những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển cao thuộc các ngành công nghệ thông tin, viễn thông, Internet, truyền thông và công nghệ sinh học. Đến nay, IDGVV đã đầu tư 5 triệu USD vào 4 doanh nghiệp là PeaceSoft, Isphere, VinaGame và VietnamWorks.com.