III. Giải pháp phát triển ngành CNHT tại Việt Nam
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp hỗ trợ và sản phẩm hỗ trợ và phổ biến thông tin doanh nghiệp
và phổ biến thông tin doanh nghiệp
Thiết lập các cơ quan đầu mối, các tổ chức thông tin chuyên nghiệp về CNHT nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nội địa các thông tin cũng như mong muốn của các nhà lắp ráp FDI về các loại, dòng sản phẩm. Thông tin này phải mang tính hai chiều, đồng thời cũng thiết lập các hệ thống thông tin về các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa, khả năng và kinh nghiệm sản xuất. Hiện nay, ngành CNHT khu vực ASEAN đã có website: www.asidnet.org giới thiệu các doanh nghiệp hỗ trợ tại các nước thành viên, có phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực sản xuất nhằm quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp hỗ trợ trong khu vực này đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cần phải hoàn thiện hơn nữa trang web này, bởi nó mới chỉ ở dạng liệt kê các doanh nghiệp hỗ trợ theo ngành nghề, quốc gia mà chưa kèm theo đó những thông tin cụ thể hơn về sản phẩm, trình độ và năng lực sản xuất cũng như kinh nghiệm sản xuất của cá nhà cung cấp – điều mà các doanh nghiệp FDI vẫn luôn tìm kiếm.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu CNHT khác với danh bạ doanh nghiệp. Việt Nam hiện đã có một số danh bạ doanh nghiệp theo kiểu trang vàng, bao gồm một số lượng lớn các doanh nghiệp như: Trang vàng Việt Nam – dữ liệu 60.000 doanh nghiệp; Danh bạ doanh nghiệp Việt Nam của VCCI – dữ liệu của hơn 20.000 doanh nghiệp; Các danh bạ của các hiệp hội ngành nghề. Nhưng những
cuốn danh bạ này mới chỉ nêu được tên công ty, địa chỉ, sản phẩm chính công ty đang sản xuất. Tuy nhiên các doanh nghiệp FDI cần thông tin cụ thể hơn nữa về tiềm năng sản xuất của các công ty.
Hiện nay chỉ có một vài tài liệu chính thức của các cuộc Triển lãm về CNHT đã tổ chức có những cuốn tạp chí giới thiệu cụ thể về từng công ty tham gia triển lãm. Những tài liệu này cũng mang lại nhiều thông tin bổ ích cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm đối tác. Nếu như Chính phủ Việt Nam tiến hành tổng hợp và xây dựng một cuốn danh bạ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNHT trong nước, chúng ta có thể sẽ đạt tới bước tiến lớn hơn về mảng thông tin trong quá trình phát triển CNHT của mình. Cơ sở dữ liệu Việt Nam xây dựng cũng cần thiết phải được xây dựng chuyên biệt, với các nội dung cụ thể như: đối với mỗi nhà cung cấp hỗ trợ nội địa, phải giới thiệu rõ những kỹ năng đặc biệt, kinh nghiệm JIT (quản lý sản xuất theo thời gian – Just in time); nêu rõ thiết bị sản xuất với danh mục máy móc, tên nhà sản xuất; cụ thể độ chính xác trong chế tạo đến đơn vị milimet; giới thiệu các chứng chỉ liên quan mà doanh nghiệp đạt được như ISO 9000, ISO 14000,….
Bên cạnh một cơ sở dữ liệu dễ dàng tiếp cận cho các doanh nghiệp, việc phổ biến thông tin tới các doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết. Trong nền kinh tế kế hoạch trước đây, các doanh nghiệp nhận được rất ít đơn đặt hàng sản xuất từ cấp trên nên họ không cần mở rộng sản xuất bằng nỗ lực của mình. Thậm chí ngay cả bây giờ, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ thụ động làm các đơn đặt hàng có sẵn chứ không nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới cho sản phẩm của mình. Để phát hiện ra các doanh nghiệp có tiềm năng hoạt động cao trong số các doanh nghiệp trong nước, chúng ta cần phải thiết lập một hệ thống phổ biến thông tin doanh nghiệp chính thức và xây dựng các mạng lưới thông tin nội bộ doanh nghiệp. Để làm được việc này, các thông tin và dịch vụ hỗ trợ của Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam (VCCI), của Công đoàn Hiệp hội Công nghiệp và
Thương mại (UAIC), và của Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) cần được thúc đẩy mạnh hơn. Hơn nữa, cũng cần tăng số lượng hội trợ thương mại nhằm tìm kiếm các đối tác kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.