2. NHỮNG GIẢI PHÁP TỪ PHÍA DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI SẢN XUẤT CÀ PHÊ
2.7.2. Tăng cường hoạt động marketing, mở rộng thị trường:
Cũng như các ngành nghề khác, khi cả nước bước vào nền kinh tế thị trường và đặc biệt khi tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế trong xu thế tự do hoá và hội nhập quốc tế, khu vực thì hoạt động marketing càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Hoạt động marketing không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh sản phẩm với các bạn hàng mà còn là tiền đề xây dựng hệ thống kênh phân phối sao cho hiệu quả nhất. Trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, trước những biến động hết sức không thuận lợi của thị trường cà phê thế giới, các nhà sản xuất cà phê Việt Nam cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động này. Có thể tập trung vào một số hoạt động cụ thể sau:
a. Tổ chức công tác thăm dò, tìm hiểu thị trường:
Nghiên cứu thị trường là yêu cầu bắt buộc đối với bất kỳ một chủ thể sản xuất kinh doanh nào khi tham gia thương mại quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay. Từ nghiên cứu này doanh nghiệp sẽ có những kết luận cụ thể nhằm có kế hoạch đầu tư hơn nữa vào những khâu cụ thể của quá trình sản xuất, chế biến để có thể đưa ra những sản phẩm thích ứng
với từng loại thị trường cũng như các giải pháp
để thâm nhập vào thị trường đó. Để thăm dò thị trường thành công, doanh nghiệp cần
dành một khoản tiền nhất định để mua thông tin, cử cán bộ trực tiếp sang tìm hiểu thị trường.
b. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, khuếch trương sản phẩm
Các hoạt động xúc tiến, khuếch trương sản phẩm bao gồm các biện pháp như quảng cáo, các hoạt động yểm trợ, xúc tiến bán hàng… được sử dụng để thông tin về những hàng hóa nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình để có thể bán được nhiều hàng hơn và hơn hết là chúng ta có thể giới thiệu sản phẩm, nâng cao uy tín sản phẩm của mình với khách hàng.
Do không có kinh nghiệm trong môi trường cạnh tranh nên ngành cà phê Việt Nam chưa thực sự đầu tư vào hoạt động này. Trong khi chất lượng cà phê xuất khẩu của ta chưa có uy tín trên thị trường quốc tế thì sự thiếu kinh nghiệm và thiếu các dịch vụ, hoạt động xúc tiến, khuếch trương đã càng làm cho các nhà xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn hàng. Do đó, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, khuếch trương sản phẩm và hình ảnh của mình thông qua các hoạt động như:
- Mở rộng hoạt động quảng cáo về sản phẩm cà phê Việt Nam với thế giới với những thông tin trung thực, hình ảnh hấp dẫn gây ấn tượng.
- Tiến hành mở thêm các cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại các trung tâm thành phố lớn có nhu cầu cà phê lớn. Nên bắt chước các nước xuất khẩu cà phê khác thành lập các văn phòng đại diện ở nước ngoài mặc dù việc này khá tốn kém nhưng cái lợi thu được sẽ không nhỏ. Phần lớn cà phê của Việt Nam xuất cho các nhà thu mua nước ngoài, các công ty này mua cà phê Việt Nam về sơ chế rồi bán cho các nhà rang xay cà phê, nghĩa là Việt Nam không liên hệ trực tiếp với các nhà rang xay mà phải qua trung gian. Về lâu
dài, các nhà rang xay mới là nơi tiêu thụ ổn định (vì họ phải hoạt động theo chính sách, quy mô của nhà máy họ). Chính vì vậy, việc đặt văn phòng sẽ tạo điều kiện để giới thiệu trực tiếp cà phê Việt Nam với những nơi tiêu thụ này.
- Việc đưa các thông tin về ngành sản xuất cà phê Việt Nam bằng tiếng nước ngoài qua các trang Web trên mạng cũng cần được quan tâm hơn nữa để có được sự phong phú về nội dung thông tin, hấp dẫn sự quan tâm của các đối tác nước ngoài.
- Tổ chức các hội nghị khách hàng định kỳ theo từng mùa vụ, tham gia các hội chợ triển lãm.
- Đẩy mạnh các hoạt động trước và sau bán hàng như hướng dẫn sử dụng, kiểm tra chất lượng sau bán hàng.
Những hoạt động trên sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín, chất lượng cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.