1. LỢI THẾ, KHÓ KHĂN CỦA VIỆT NAM TRONG SẢN XUẤT, XUẤT KHẨU CÀ PHÊ
1.5.1. Những thuận lợi của Việt Nam khi xuất khẩu càphê ra nước ngoài.
Ngành cà phê Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới với những thuận lợi sẵn có của ngành. Với diện tích khoảng 500.000 ha, lượng cà phê xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ước khoảng 850.000 tấn, riêng năm 2007, lượng cà phê xuất khẩu sang các nước đạt 1,074 triệu tấn, tương đương giá trị 1,643 tỷ USD. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt trên 1 tỷ USD. WTO mang lại cho Việt Nam một “sân chơi” khổng lồ, với hơn 5 tỷ người tiêu thụ, 95% giá trị thương mại thế giới và kim ngạch nhập khẩu trị giá 635 tỷ USD/năm. Trong khi đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới sắp tới mỗi năm tăng khoảng 2 triệu bao, dự kiến đến năm 2018, thế giới cần tới 140 triệu bao. Đó là cơ hội "vàng" cho cà phê Việt Nam
Đạt được những thắng lợi trên là nhờ VN có những thuận lợi sau:
a. Về khách quan
Cà phê Robusta được trồng tập trung trên những vùng đất tốt có biên độ ngày đêm lớn, có lợi cho sự hình thành và tích luỹ các hợp chất hữu cơ. Nếu cà phê Robusta của châu Phi bị đánh giá là gắt (strong) thì cà phê
Robusta của Việt Nam được khách hàng châu Âu đánh giá là dịu (mild) đến trung tính (neutral), được sử dụng trong việc đấu trộn và sản xuất cà phê hoà tan.
Cà phê Arabica ở Việt Nam được trồng ở độ cao 500m trở lên ở vùng á nhiệt đới và 2500m ở vùng xích đạo với điều kiện sinh trưởng rất thích hợp. Lần đầu tiên dược trồng thử vào năm 1858, đến thập kỷ 30,40 cà phê Arabica của Việt Nam đã nổi tiếng trong các hội chợ quốc tế dưới tên gọi "Moka Tonkin", "Tonkin Superieur".
b. Về chủ quan
Thứ nhất, chúng ta có nguồn nguyên liệu rất dồi dào cho xuất khẩu. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh phong trào phát triển cà phê trong các hộ gia đình nên cà phê đã tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Ở Việt Nam, 80% khối lượng cà phê xuất khẩu có nguồn gốc từ các hộ nông dân. Đó là thế mạnh của chúng ta trong khâu tạo ra nguồn nguyên liệu.
Thứ hai, là nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới, mức tăng trưởng lượng xuất khẩu hàng năm lớn (khoảng 20,35%), Việt Nam đã thực sự có ảnh hưởng to lớn đến giá giao dịch của cà phê Robusta trên thị trường thế giới.
Thứ ba, trong công tác xuất khẩu cà phê, Việt Nam với lợi thế là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên có thể đẩy mạnh lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc - hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn của thế giới. Đối với hai thị trường đặc biệt này, Việt Nam có lợi thế hơn hẳn các nước xuất khẩu cà phê khác về vị trí địa lý nên có thể tiết kiệm được chi phí vận chuyển vốn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng chi phí cho xuất khẩu.