2. THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU CÀPHÊ Ở VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
2.5. Giá càphê xuất khẩu của Việt Nam so với thế giớ
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua còn thấp so với giá cà phê cùng loại xuất khẩu trên thị trường thế giới 50-70 USD/tấn, có thời điểm thấp hơn tới 100 USD/tấn.
Thông thường giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấp hơn giá bán cà phê cùng loại theo kỳ hạn tại thị trường Luân Đôn từ 150-170 USD/tấn (mức chuẩn thường sử dụng để so sánh đánh giá tình hình xuất khẩu cà phê của ta hàng năm) và giá tốt. Nhưng có đơn vị đã xuất thấp hơn tới 250 USD/tấn. Sau đó Việt Nam đã có cuộc họp giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu, sau khi họp thì giá xuất khẩu cà phê của ta thu hẹp được khoảng cách còn lại 170 USD/tấn so với giá thị trường Luân Đôn. Nguyên nhân của tình trạng trên là do có nhiều văn phòng đại diện cơ quan nước ngoài có người Việt Nam làm thuê đã làm môi giới tranh mua cà phê trong nước, muốn bỏ chế độ dẫn mối xuất khẩu cà phê nên có nhiều doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm xuất khẩu cà phê cũng tham gia xuất khẩu cà phê. Mặt khác có các doanh nghiệp trong nước có hiện tượng ép giá mua, hoặc lấy chi phí xuất khẩu uỷ thác quá cao thu lợi cho doanh nghiệp, làm người
trồng cà phê bị thiệt phải bán với giá thấp.
- Ảnh hưởng của giá cà phê xuất khẩu đến giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh tín hiệu đáng mừng về tăng sản lượng xuất khẩu, chúng ta cần để ý tới một thực trạng khác đó là trong những năm gần đây sản lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm. Có hiện tượng nghịch lý này là do sự biến động của giá cả cà phê xuất khẩu.
Ngoài xu hướng giảm giá, ngành cà phê Việt Nam còn vấp phải tình trạng giá xuất khẩu luôn thấp hơn giá thế giới hàng trăm USD/tấn (xem đồ thị trên). Nguyên nhân là:
- Thứ nhất: Việt Nam thường xuất khẩu cà phê nhân theo giá FOB do ít có điều kiện thuê tàu và do không có đủ kinh nghiệm buôn bán theo giá CIF. - Thứ hai: khả năng đàm phán và tiếp thị cho sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê còn hạn chế, và cà phê Việt Nam chưa có thương hiệu dẫn đến việc bị khách hàng nước ngoài ép giá.
- Thứ ba: là do chất lượng cà phê của ta còn kém.
Theo ông Đoàn Triệu Nhạn (Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam), giá cà phê không thể giảm thấp hơn nữa thì phải tăng giá, đó là quy luật. Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, trong khi giá cà phê tháng 4/2009 trên thị trường kỳ hạn như New York, London đã giảm 2,88 - 3% so với tuần trước, thì giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam lại tiếp tục tăng 15USD mỗi tấn, lên 1.450 - 1.460 USD/tấn. Tuy nhiên, về tổng thể, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị giảm tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thu mua cà phê nhân tuần qua cũng giảm 200 – 500 đồng/kg xuống còn 24.500 -24.600 đồng/kg, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam dự báo, giá xuất khẩu cà phê năm 2009 trung bình khoảng 1.800 USD/tấn, tổng lượng ước đạt 980.000 tấn. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cà phê cả năm chỉ đạt khoảng 1,764 tỷ USD, giảm
8,6% về lượng và giảm 17,4% về trị giá so với năm 2008. Do giá cà phê xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào sản lượng và sản lượng lại phụ thuộc vào thời tiết nên giá cả cà phê xuất khẩu biến động mạnh là điều hay xảy ra. Điều đặt ra ở đây là chúng ta phải chủ động đối phó với nó chứ không như những năm trước các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam rất lúng túng khi giá cà phê xuất khẩu biến động. Lấy ví dụ: năm 1994, sau khi giá cà phê hạ xuống 600USD/tấn rồi tăng dần và đột ngột lên tới 4000 USD/tấn đã làm cho các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tiếc “ngẩn ngơ” vì đã bán với giá 2.000 USD/tấn trước đó. Vụ cà phê 1998-1999 khi giá cà phê trên thị trường thế giới tăng mạnh, giá xuất khẩu có lúc lên đến 2.400-2.500 USD/tấn FOB, nhưng lượng cà phê còn lại không đáng kể. Giá cả là yếu tố ảnh hưởng mang tính quyết định tới hiệu quả hoạt động kinh doanh cà phê của ta, làm cho kim ngạch thu được hàng năm không ổn định. So với các loại cây trồng khác, thì cà phê tuy là cây công nghiệp dài ngày nhưng cũng rất nhạy bén với yếu tố giá cả. Giá cà phê trong nước chịu ảnh hưởng lớn với giá cà phê thế giới.
Những tác động trên thị trường cà phê thế giới gây bất lợi lớn đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Đặc biệt là trong điều kiện nước ta vốn chậm nắm bắt những thông tin về thị trường thế giới, các doanh nghiệp chưa quen với những dạng thông tin mang tính chiến thuật nên rất dễ bị bán hớ làm cho người xuất khẩu cà phê bị động, thua thiệt do thiếu thông tin thường xuyên không cập nhật. Biến động giá cả lớn có tác động mạnh mẽ đối với người sản xuất và thu gom cà phê Việt Nam, đặc biệt là trong điều kiện thông tin về thị trường và giá cả bên ngoài còn hạn chế và khó tiếp cận như hiện nay. Những biến động giá cả lớn gây tâm lý dao động trong ngường sản xuất là tạo cơ hội để người thu mua cà phê gây sức ép với người sản xuất.
Còn một thực trạng nữa cũng rất đáng quan tâm đó là không chỉ khi giá xuống thấp thì mới đáng lo ngại mà cả khi giá lên cao thì các nhà xuất
khẩu cũng không lãi được bao nhiêu thậm chí còn thua lỗ. Điển hình là vụ cà phê 1996/1997, chúng ta được cả về sản lượng và giá cả xuất khẩu, ai cũng nghĩ rằng vụ mùa này người trồng cà phê và các nhà doanh nghiệp kinh doanh cà phê phải có lãi những thực tế thì hầu hết các đơn vị có lãi không đáng kể thậm chí có đơn vị mất hàng tỷ. Vậy tại sao có tình trạng này ?
Tìm hiểu cho thấy, khi giá xuất khẩu cao thì kinh doanh cà phê càng cần nhiều vốn trong khi đó tổng vốn lưu động của hầu hết các doanh nghiệp lại nhỏ bé. Vì vậy muốn thu gom cà phê các doanh nghiệp phải vay ngân hàng số tiền lớn, có những doanh nghiệp chỉ riêng trả lãi cho ngân hàng vụ đó đã là 6 tỷ đồng do vậy làm cho tỷ suất lợi nhuận càng nhỏ khi giá cà phê càng cao. Bên cạnh đó vì xuất khẩu được giá lên trong thời gian đầu các công ty bỏ vốn ra tranh nhau thu mua cà phê với giá cao để xuất khẩu. Nhưng khi thu gom xong cà phê thì giá đã chững lại rồi tụt xuống thời cơ đã trôi qua và không bao giờ quay trở lại, do đó nhiều doanh nghiệp đã lỗ nặng do không bán kịp.
Qua đây chúng ta có thể thấy rằng vấn đề của ngành kinh doanh cà phê không chỉ là thông tin nhanh nhạy, tận dụng đúng thời cơ mà đó còn là vấn đề thiếu vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Thiếu vốn nghiêm trọng và thiếu thông tin nhạy bén về thị trường thế giới vẫn luôn là lực cản to lớn làm giảm đáng kể hiệu quả xuất khẩu của cà phê Việt Nam.
3. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU CÀ PHÊ CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA.