Năng lực cạnh tranh quốc gia

Một phần của tài liệu BẢO HỘ HỢP LÝ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI BẢO HỘ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC (Trang 32 - 36)

II. Sự cần thiết phải bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước

2.1.Năng lực cạnh tranh quốc gia

2. Sự cần thiết phải bảo hộ đốivới Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

2.1.Năng lực cạnh tranh quốc gia

Năng lực cạnh tranh quốc gia được xác định là năng lực của một nền kinh tế tăng trưởng bền vững, thu hút đầu tư tốt, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) sử dụng các nhóm tiêu chí sau đây để đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia: Mức độ mở cửa của nền kinh tế; Vai trò của Nhà nước; Vai trò của các thị trường tài chính và hiệu quả của các tổ chức trung gian tài chính, mức độ rủi ro tài chính; Môi trường công nghệ; Kết cấu hạ tầng; Quản lý doanh nghiệp; Lao động và Môi trường pháp lý.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh được coi là cơ sở quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ nhất định trong những năm qua, song năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với thế giới và khu vực. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế Thế giới, Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có khả năng cạnh tranh thấp. Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được các tổ chức quốc tế bắt đầu xếp hạng từ năm 1997 và liên tục được xếp hạng cho đến nay.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam được coi là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh, vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng cao, tuy nhiên, có một nghịch lý là nước ta luôn bị xếp hạng năng lực cạnh tranh thấp và liên tục tụt hạng.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5%/năm trong 5 năm 2001 – 2005 và 8,17% năm 2008. Năm 2007, tốc độ tăng GDP của Việt Nam là 8,44% đứng thứ 3 châu Á ( chỉ sau Trung Quốc (11,3%) và Ấn Độ (khoảng 9%)). Việt Nam cũng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. FDI liên tục tăng trong những năm vừa qua chính là minh chứng. Tổng số vốn đầu tư nước ngoài năm 2007 của nước ta đạt 20,3 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện năm 2007 đạt 5,1 tỷ USD, tăng 1,2 tỷ USD (30,7%) so với năm 2006 (39,56 tỷ USD).3 Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2008 đã đạt hơn 64 tỷ USD, gấp gần ba lần năm 2007. Đây là mức thu hút vốn FDI kỷ lục từ trước đến nay của Việt Nam. 4

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế của chúng ta chưa cao, chưa đều và chưa bền vững. Dù tăng trưởng cao nhưng chỉ số GDP/đầu người của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Con số tăng trưởng có thể xem là tốt, nhưng cách tiếp cận của Việt Nam để đạt được kết quả tăng trưởng trong những năm qua lại khiến các chuyên gia về năng lực cạnh tranh quốc tế quan ngại. Chất lượng tăng trưởng xuất khẩu cũng chưa thật vững.

Những lĩnh vực hiện nay Việt Nam đang có tính cạnh tranh nhất là hàng nông sản thô như cà phê, hạt điều, cao su, gạo, hàng thâm dụng lao động như giày dép và dệt may. Đặc trưng chung của những ngành này là chúng tạo ra rất ít giá trị gia tăng, đem lại lợi nhuận rất mỏng và tốc độ tăng trưởng rất thấp. Thách thức cho tương lai của Việt Nam là một mặt tiếp tục duy trì tính cạnh tranh trong những ngành này vì dù sao chúng cũng là thế mạnh của Việt

3 Nguồn: Bộ Kế hoạch và đầu tư - Cục Đầu tư nước ngoài

Nam, mặt khác chủ động tiến tới sản xuất các sản phẩm và dịch vụ thâm dụng tri thức, lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Thêm vào đó, ngay cả những ngành công nghiệp cơ bản nhất cũng phải phụ thuộc vào nguyên liệu, nhiên vật liệu nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% sợi nguyên liệu cho ngành may và 65% bột giấy cho ngành giấy. Ngay cả khi Việt Nam có một trữ lượng lớn quặng thép thì tỷ lệ nhập khẩu phôi thép cũng lên tới 60%.

Môi trường chính sách là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Thế nhưng theo xếp hạng năng lực cạnh tranh hằng năm của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đứng dưới hầu hết các nước láng giềng Đông Á và Đông Nam Á. Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh là một công cụ hữu ích trong việc đánh giá tốc độ cải cách của Việt Nam trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh chủ yếu. Quan trọng không kém, các nhà đầu tư nước ngoài đều nhìn vào những chỉ số về năng lực cạnh tranh và môi trường chính sách, thể chế trước khi ra quyết định đầu tư. Sự tăng nhẹ về thứ hạng của Việt Nam sẽ trở nên ít ý nghĩa nếu như những nước cạnh tranh với Việt Nam tăng nhanh hơn.

Chúng ta đã chính thức gia nhập WTO được hơn 2 năm, môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện theo hướng thuận lợi và minh bạch hơn. Việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, như cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và giảm thiểu giấy phép “con” đã có tác động tích cực đối với phát triển các doanh nghiệp mới ở hầu hết các ngành hàng. Việc phát triển hệ thống ngân hàng và bảo hiểm mở ra các kênh tài chính cạnh tranh đã, và sẽ tạo cơ hội tiếp cận tài chính tốt và có tính cạnh tranh cao hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp như hoạt động kinh doanh xuất khẩu, doanh nghiệp thuộc những ngành ưu tiên như đóng tàu, phát triển năng lượng mới… Theo Báo cáo về Môi trường kinh doanh do Ngân hàng thế giới (WB) và Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) công

bố ngày 26/9/2007, từ vị trí thứ 104 trong số 175 nền kinh tế được xếp hạng trong báo cáo năm 2006, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 91/178 nền kinh tế. Báo cáo ghi nhận hai lĩnh vực quan trọng đã được cải cách mạnh mẽ tại Việt Nam là Tiếp cận tín dụng và Bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, một trong hai lĩnh vực này vẫn được bản báo cáo nhắc lại như những nhược điểm mà Việt Nam cần khắc phục. Cụ thể, Việt Nam vẫn xếp hạng thấp trong 3 lĩnh vực đa số: bảo vệ nhà đầu tư (xếp thứ 165), giải thể doanh nghiệp (thứ 121) và đóng thuế (thứ 128).

Xét về khung pháp lý điều hành, quản lý, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ ban hành Luật và các văn bản dưới Luật nhanh nhất. Tuy nhiên, các văn bản ban hành vẫn còn quá nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế cũng như thường không đủ tầm nhìn để sống lâu. Thực tế là các văn bản ra đời để định hướng phát triển kinh tế nhưng lại thường đi sau nền kinh tế. Giáo sư M.Porter trong bài phát biểu của mình khi sang thăm Việt Nam cũng cho rằng: Việt Nam làm rất tốt trong việc viết luật, nhưng quan trọng là thực hiện luật hiệu quả, thể chế, cơ chế mới cho phép lập kế hoạch và phương hướng thực hiện quy định mới thì Việt Nam chưa có được, và những cải cách vẫn đang là phản ứng mang tính thụ động với đòi hỏi quốc tế.

Hai cấu thành cơ bản của động lực tăng trưởng kinh tế là sử dụng lao động và năng suất lao động. Lợi thế của Việt Nam là có một nguồn lao động dồi dào với giá nhân công rẻ. Việt Nam đã thành công lớn khi tận dụng ở mức tối ưu lực lượng trong độ tuổi lao động. Nhưng năng suất lao động thì vẫn còn là một thách thức lớn đối với chúng ta so với khu vực. Số lượng lao động vẫn là yếu tố quan trọng trong vài năm tới, nhưng nó sẽ không còn hỗ trợ nhiều cho kinh tế Việt Nam trong tương lai xa hơn. Hiện nay, hiệu quả của yếu tố này lên tăng trưởng đang chậm lại. Nguồn lao động của chúng ta tuy dồi dào nhưng đa phần lại là lao động có trình độ thấp. Chất lượng nguồn nhân lực đang là một vấn đề hết sức đáng quan ngại đối với Việt Nam.

Về khả năng cạnh tranh trong khoa học và công nghệ (bao gồm các chỉ tiêu: số lượng tiến bộ công nghệ được áp dụng, số kỹ sư và nhà khoa học, tổng chi tiêu cho R&D), Việt Nam có điểm số thấp nhất về sự tiến bộ công nghệ theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới. Chúng ta vẫn chưa tạo được cơ chế thiết thực để gắn kết khoa học công nghệ với sản xuất kinh doanh và chưa hình thành rõ thị trường khoa học công nghệ.

Một phần của tài liệu BẢO HỘ HỢP LÝ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI BẢO HỘ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC (Trang 32 - 36)