Nhóm các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời

Một phần của tài liệu BẢO HỘ HỢP LÝ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI BẢO HỘ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC (Trang 25 - 30)

I. Khái quát về bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước

3.2.3.Nhóm các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời

3. Các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước thường được áp dụng

3.2.3.Nhóm các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời

3.2.3.1. Những quy định về chống bán phá giá hàng hóa

Hiện tượng bán phá giá có nguồn gốc khá sớm và đang ngày càng có xu hướng tăng trong thương mại quốc tế. Mặc dù còn có những quan điểm khác nhau nhưng pháp luật các nước đều coi đây là một trong những hành vi thương mại không lành mạnh.

Kể từ khi các hiệp định đa phương giúp làm giảm thuế quan và các hạn chế thương mại định lượng trên toàn thế giới, các nước đã tăng cường sử dụng những công cụ khác để bảo hộ thương mại trong nước. Một trong những hình thức bảo hộ mới đó là sử dụng các biện pháp chống bán phá giá mà đang trở thành một trong những rào cản thương mại phổ biến nhất trên thế giới.

Điều 6 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT ( hay còn gọi là Hiệp định chống bán phá giá – ADP) định nghĩa: “Phá giá nghĩa là sản phẩm được đưa ra bán ở một nước thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm ấy và ở sản phẩm được xem là bán phá giá nếu giá xuất của sản phẩm ấy thấp hơn giá của sản phẩm tương tự như thế được tiêu thụ ở thị trường nội địa trong điều kiện buôn bán thông thường”.

Ngày nay, hiện tượng bán phá giá đang ngày có xu hướng gia tăng trong thương mại quốc tế, có thể thấy rõ điều đó thong qua sự tăng lên của số lượng các vụ điều tra và kiện chống bán phá giá trong hơn một thập kỷ gần đây.

Bán phá giá được xác định dựa vào 2 yếu tố cơ bản là: biên độ phá giá từ 2% trở lên; số lượng, giá trị hàng hóa bán phá giá từ một nước vượt quá 3% tổng khối lượng hàng nhập khẩu.

Hành động phá giá sẽ bị coi là không hợp pháp nếu nó gây ra hay đe dọa gây ra thiệt hại vật chất đối với một ngành kinh tế nội địa đã được kiến lập vững chắc, hay ngăn cản một cách đáng kể việc thành lập một ngành kinh tế nội địa.

Là một trong những biện pháp có tính chất tự vệ trong thương mại quốc tế, việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu của các quốc gia được WTO thừa nhận. Mục đích cao nhất của thuế chống bán phá giá là nhằm hạn chế và loại bỏ những thiệt hại do hành vi bán phá giá của hàng hóa nước ngoài, nhằm giữ vững thế cân bằng trong cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất nội địa. Tuy nhiên, thực tế cũng có những trường hợp nước nhập khẩu lạm dụng thuế chống bán phá giá để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Chính vì vậy, Hiệp định ADP của WTO đã có những quy định chi tiết hóa các điều kiện, thủ tục về điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá trong thương mại quốc tế.

Để bù đắp thiệt hại, các quốc gia có quyền đặt ra thuế chống phá giá đối với bất kì sản phẩm bị bán phá giá nào. Mức thuế này không được lớn hơn biên độ phá giá của sản phẩm tương ứng. Tuy vậy, trước khi áp dụng thuế chống phá giá, thành viên muốn sử dụng biện pháp này phải tiến hành điều tra thiệt hại do hành động bán phá giá gây ra đối với ngành kinh tế trong nước theo những quy định và thủ tục rất chặt chẽ. Trong những tình huống đặc biệt, các thành viên có thể sử dụng các biện pháp tạm thời nhằm tránh những thiệt hại lớn ngay trong quá trình điều tra, ví dụ như có thể áp dụng thuế tạm thời

hoặc thu tiền đặt cọc. Các biện pháp tạm thời chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, thông thường không quá 4 tháng.

3.2.3.2. Tự vệ trong thương mại

Trong thương mại quốc tế, biện pháp tự vệ là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. WTO cho phép các nước sử dụng các biện pháp tự vệ vì mục đích phát triển công bằng. Do vậy, các biện pháp hạn chế nhập khẩu tạm thời bảo vệ những ngành sản xuất mới và non trẻ vẫn được áp dụng trong một thời gian ngắn, tạo điều kiện cho ngành sản xuất đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo điều 2 Hiệp định Tự vệ của WTO, các thành viên có thể áp dụng các biện pháp tự vệ đối với một sản phẩm không phân biệt xuất xứ khi thành viên này đã xác định theo những quy định chặt chẽ rằng số lượng nhập khẩu đang tăng lên một cách tuyệt đối hoặc tương đối của sản phẩm này đang gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước sản xuất những sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nhập khẩu đó. Nước có quy định về biện pháp tự vệ được quyền áp dụng các biện pháp khẩn thiết trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu đe dọa đến nền kinh tế của quốc gia này.

Các biện pháp thường được áp dụng là: yêu cầu đối tác tự hạn chế xuất khẩu, tăng mức thuế nhập khẩu, áp dụng hạn mức nhập khẩu, hoặc dùng các biện pháp phân biệt đối xử khác. Mặc dù các nước có quyền tự vệ, song thực tế các quốc gia thường quá lạm dụng nó như một loài rào cản phi thuế quan trong thương mại quốc tế, gây nên cản trở trong buôn bán quốc tế. Theo quy định của WTO, các nước sẽ phải xóa dần một số biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cùng với tiến trình đó, việc tạo ra và sử dụng các công cụ mới tinh vi hơn là điều không thể tránh khỏi.

3.2.3.3. Trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM)

Trợ cấp xuất khẩu là những ưu đãi về tài chính hay cũng cấp tiền bổ trợ của Chính phủ một nước cho doanh nghiệp xuất khẩu hay người sản xuất nhằm giảm giá hàng hóa xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Trợ cấp xảy ra khi một lợi ích được chuyển giao nhờ có sự hỗ trợ của Chính phủ về giá và thu nhập, hoặc có sự đóng góp tài chính của Chính phủ hay các tổ chức Nhà nước, chẳng hạn như chuyển giao trực tiếp các khoản tiền hay bảo lãnh tín dụng; hoặc bỏ ra các khoản tiền lẽ ra phải thu cho ngân sách Nhà nước như các ưu đãi về thuế (trừ thuế gián thu); hoặc Chính phủ cung cấp hàng hóa và dịch vụ không thuộc nhóm cơ sở hạ tầng, hay thông qua việc mua hàng hóa.

Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) chia trợ cấp thành 3 loại: trợ cấp đèn đỏ, trợ cấp đèn vàng và trợ cấp đèn xanh.

+ Trợ cấp đèn đỏ là các biện pháp trợ cấp bị cấm sử dụng hoàn toàn, điều 3 Hiệp định SCM quy định những trường hợp sau coi như bị cấm trợ cấp trực tiếp cho hàng xuất khẩu và bị cấm sử dụng:

 Chương trình cung ứng tiền liên quan đến thưởng xuất khẩu, hoặc cung cấp đầu vào với những điều kiện ưu đãi;

 Miễn thuế trực thu hoặc giảm thuế gián thu đối với sản phẩm xuất khẩu vượt quá mức thuế đánh vào sản phẩm tương tự bán trong nước, hoặc hoàn lại thuế nhập khẩu đối với những nguyên liệu đầu vào sản xuất hàng xuất khẩu quá mức;

 Chương trình bảo hiểm xuất khẩu với phí bảo hiểm không đủ trang trải chi phí dài hạn của chương trình bảo hiểm;

 Tín dụng xuất khẩu thấp hơn đi vay của Chính phủ cũng coi như Nhà nước trợ cấp cho xuất khẩu với lãi suất thấp.

+ Trợ cấp đèn vàng không bị cấm nhưng có thể là đối tượng của các biện pháp đối kháng, đây là loại trợ cấp mang tính đặc thù, không phổ biến, đối tượng nhận trợ cấp được giới hạn trong phạm vi: một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp; một lĩnh vực công nghiệp hay một nhóm ngành công nghiệp; một khu vực địa lý được định rõ nằm trong phạm vi quyền hạn của cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Trợ cấp này được thực hiện nhưng chỉ dừng ở mức không gây tác động bất lợi cho các thành viên, tác động bất lợi được nêu rõ trong Hiệp định gồm: ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất trong nước; làm vô hiệu hóa và suy yếu các ưu đãi thuế quan đã đạt được trong đàm phán thương mại; làm tổn thất tới quyền lợi của nước khác.

+ Trợ cấp đèn xanh là loại trợ cấp được thực hiện mà không bị khiếu kiện, bao gồm các loại sau:

 Hỗ trợ cho những hoạt động nghiên cứu phát triển R&D do công ty tiến hành

 Trợ cấp nhằm điều chỉnh những phương tiện sản xuất thích nghi với những đòi hỏi về môi trường, miễn trợ cấp một lần, không lặp lại và giới hạn ở mức 20% chi phí cho việc thích nghi đó;

 Hỗ trợ những ngành sản xuất nằm trong các vùng khó khăn. Vùng khó khăn phải xác định ranh giới một cách rõ ràng về địa lý với những đặc điểm kinh tế và hành chính nhất định.

Tóm lại, các biện pháp bảo hộ sản xuất trong thương mại quốc tế là vô cùng phong phú, và được các quốc gia sử dụng với những cách thức rất khác nhau. Không một quốc gia nào lại từ bỏ việc áp dụng các biện pháp bảo hộ như một công cụ để bảo vệ sản xuất trong nước hoặc để đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội nhất định. Tuy nhiên lạm dụng những biện pháp này có thể dẫn tới cản trở, bóp méo tự do thương mại, đi ngược với xu thế chung của

toàn cầu. Vì vậy mỗi quốc gia phải nghiên cứu để tìm cho mình những biện pháp bảo hộ sản xuất một cách hợp lý.

Một phần của tài liệu BẢO HỘ HỢP LÝ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI BẢO HỘ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC (Trang 25 - 30)