Tình hình phát triển đồng cỏ ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn: ĐIỀU TRA PHÂN VÙNG SINH THÁI VÀ ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG KHAI THÁC CÂY THỨC ĂN GIA SÚC XÃ HÙNG SƠN HUYỆN ĐẠI TỪ - THÁI NGUYÊN doc (Trang 36 - 38)

Việt Nam cũng có rất nhiều cố gắng mở rộng diện tích gieo trồng, vừa đảm bảo lương thực cho người vừa đảm bảo cho thức ăn gia súc. Từ năm 1960, chúng ta đã có chủ trương phát triển đồng cỏ cho trâu bò ở những vùng thiếu cỏ. Nếu như năm 1960 ở miền Bắc chỉ có 96 ha trồng cỏ thì qua năm 1961 và 1962 diện tích này đã tăng lên 323 ha và 678 ha. Sang năm 1963, theo số liệu ở 6 tỉnh đồng bằng, diện tích trồng cỏ và ngô làm thức ăn cho trâu bò đã đạt tới 3585 mẫu Bắc bộ [12].

Nông trường Mộc Châu với sự giúp đỡ tận tình và toàn diện của Chính phủ cùng với các chuyên gia Cu Ba đã xây dựng thành công nghệ hệ thống đồng cỏ kết hợp chặt chẽ với kết cấu chuồng trại thể hiện rõ một phương thức chăn nuôi đồng bộ trên đồng cỏ thâm canh.

Nông trường Đồng Giao từ năm 1969 việc xây dựng đồng cỏ trồng bằng các giống mới, chăm sóc và sử dụng thích hợp. Nếu năm 1969 ở đây chỉ có 3 ha cỏ trồng thì tới năm 1975 đã có tới 1179 ha ( Báo cáo của nông trường Đồng Giao, 1976). Bên cạnh việc xây dựng và cải tạo đồng cỏ, vấn đề về dự trữ, phơi khô và ủ xanh và thực hiện có kế hoạch, có chất lượng như ở Sao Đỏ, Mộc Châu. Nhiều nông trường và hợp tác xã cũng đã trồng cỏ Voi, cỏ

Xuđăng, cỏ Pangola… Kết quả thu hoạch các loại cỏ đó cho biết, nếu mỗi năm cắt được 3-4 lứa thì có thể đạt năng suất 50 - 60 tấn/ha, trồng qua 3-4 năm cỏ vẫn phát triển tốt [1].

Nguyễn Ngọc Hà và CTV (1985) đã tiến hành nghiên cứu, tuyển chọn tập đoàn cỏ nhập nội và đưa ra nhận xét: Nhóm cỏ thân cụm Panicum maximum Liconi và K280 cho năng suất trung bình 17 - 18 tấn VCK/ha/năm với 7 - 8 lứa cắt [13].

Tháng 7/2004, viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện dự án “Trồng thử nghiệm tập đoàn giống cỏ nhập nội nuôi bò” tại xã Cẩm Sơn, An Thạch ( Mỏ Cày), Hữu Định ( Châu Thành) và An Đức (Ba Tri) đã đưa ra kết luận: Cỏ Voi chiếm ưu thế hơn cả, nếu trồng chuyên canh trên nền đất trống, năng suất đạt 29,04 tấn/ha/lứa; trồng xen vườn dừa là 15,18 tấn/ ha, trồng xen vườn ăn trái là 25 – 27 tấn/ha. Đứng thứ hai là cỏ Sả lá lớn, trồng thâm canh là 23,11 tấn/ha, trồng xen vườn dừa là 11,77 tấn/ ha, trồng xen vườn dứa là 11,77 tấn/ha, trồng xen vườn cây ăn trái là 20,4 – 21,4 tấn/ ha. Tiếp theo là cỏ Ruzi, cỏ sả lá nhỏ và cỏ lông tây… [2].

1.8.Tình hình nghiên cứu về thức ăn và chăn nuôi gia súc ở Đại Từ 1.8.1.Tình hình nghiên cứu về thức ăn xanh của huyện Đại Từ

Cây thức ăn xanh bao gồm sản phẩm cây mùa vụ còn lại, cây cỏ hoà thảo, cây đậu, cây thân thảo hoặc thân gỗ có thể sử dụng là thức ăn cho gia súc. Nói chung thức ăn xanh bao gồm cỏ tươi, thân lá cây tươi xanh, củ quả nhiều nước. Thức ăn xanh nhiều nước, nhiều kali, tiêu hóa dễ, có một số chất kích thích sinh trưởng và tiết sữa. Do vậy thức ăn xanh rất quan trọng đối với bò thịt, bò mẹ tiết sữa. Cỏ là thức ăn chủ yếu cho trâu bò, vì trong cỏ có đầy đủ chất dinh dưỡng như bột, đường, khoáng, vitamin mà các loài gia súc nhai lại có nhả năng sử dụng và hấp thu tốt.

Đại Từ là một huyện miền núi với thế mạnh là kinh tế đồi rừng, tập trung vào phát triển chăn nuôi gia súc, phát triển cây chè, cây ăn quả, trồng rừng, cải tạo và thâm canh chè… Trong đó chăn nuôi gia súc là một bộ phận quan trọng trong hệ thống sản xuất nên được huyện quan tâm, đầu tư đáng kể đặc biệt là khâu thức ăn cho gia súc.

Từ năm 2003 trở về trước do chăn nuôi còn mang nặng tính chất quảng canh nên thức ăn cho gia súc chủ yếu là cỏ tự nhiên mọc ven đường, trong đồi cỏ tự nhiên hoặc ở ven sông, ngoài ra còn tận dụng các sản phẩm phụ trong nông nghiệp. Nhưng từ năm 2003 trở về đây, cùng với các phương án nuôi bò nhốt, cải tạo đàn bò vàng, cải tạo đàn trâu… huyện đã đưa một số giống cỏ trồng vào trồng tại địa phương như cỏ Voi, cỏ Ghinê, cỏ Ấn độ trong đó cỏ Voi chiếm 80%, cỏ Ghinê chiếm 15%, còn lại là các giống cỏ khác (cỏ họ đậu…). Sau này chỉ còn cỏ Voi vì năng suất cao hơn và gia súc cũng thích ăn hơn. Cỏ khi trồng được bón lót phân chuồng, mỗi năm cắt khoảng 3 – 4 lứa năng suất đạt khoảng 200 tấn/ha/năm.

Qua theo dõi thì những diện tích cỏ lớn nhất của huyện là trong các năm 2004, 2005, 2006, diện tích cỏ trồng lên tới 30ha chủ yếu tận dụng trên những diện tích đất một vụ hoặc trên những diện tích đất chưa sử dụng, đất bờ rào, ven đường, đồi…Bắt đầu từ năm 2007 trở về đây diện tích cỏ giảm dần do chăn nuôi bò không phát triển, đến năm 2009 diện tích cỏ trồng toàn huyện còn 13,5ha.

Một phần của tài liệu Luận văn: ĐIỀU TRA PHÂN VÙNG SINH THÁI VÀ ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG KHAI THÁC CÂY THỨC ĂN GIA SÚC XÃ HÙNG SƠN HUYỆN ĐẠI TỪ - THÁI NGUYÊN doc (Trang 36 - 38)