Trong những năm qua, thị trường mật ong thế giới có khá nhiều biến động, giá mật ong liên tục tăng cao. Theo trang Web www.iheo.org [40], năm 2003, 10 nước có sản lượng mật ong xuất khẩu lớn trên thế giới theo thứ tự lần lượt là: Acghentina, Mêhicô, Canada, Trung Quốc, Bzaxin, Việt Nam,
Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Urugoay và Chi Lê. Trong đó, đứng đầu là sản lượng mật ong của Acghentina với khoảng 80.000 tấn.
Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc đã vượt Acghentina về sản lượng mật ong và trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu mật ong với sản lượng khoảng 130.000 tấn/năm, chiếm gần 1/3 sản lượng thế giới (nhandanonline) [42].
Đứng thứ 2 sau Trung Quốc là Acghentina với lượng mật ong xuất khẩu đạt 100.000 tấn/năm. Trong 7 tháng đầu năm 2006, Acghentina đã xuất khẩu gần 65.000 tấn mật ong, thu 91,5 triệu USD, tăng 14% về khối lượng và 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2005. Thị trường tiêu thụ mật ong của Acghentina chủ yếu là các nước châu Âu, trong đó Đức là nước nhập khẩu mật ong lớn nhất của Acghentina với 22.972 tấn (trị giá trên 31 triệu USD), tiếp đến là Mỹ với 16.888 tấn (24,7 triệu USD), Anh 5.843 tấn (8,8 triệu USD) và Italia 5.611 tấn (5,1 triệu USD) (Theo vietbao.com) [45].
Mật ong ở Mĩ được sử dụng phổ biến hàng ngày cũng như trong công nghệ dược phẩm. Theo thống kê của Uỷ ban quốc gia về mật ong của Mỹ, lượng mật ong tiêu thụ trung bình hàng năm ở Mỹ khoảng 150.000 tấn, đứng đầu thế giới về lượng tiêu thụ nhưng đứng sau Đức về mức tiêu thụ bình quân đầu người (Theo vietnamnet) [42].
Mêhicô là nước đứng hàng thứ ba thế giới với mức xuất khẩu bình quân hàng năm là 56.600 tấn mật ong, doanh thu trên 48 triệu USD. Theo số liệu công bố tại Triển lãm mật ong 2008 (Exomiel 2008) tổ chức tại Mêhicô, hiện nay ở nước này có tới 48.000 gia đình chuyên nuôi ong với 1.9 triệu đàn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Mêhicô là Đức, Arập Xêút, Nhật Bản và Mỹ (Theo baomoi.com) [38].