TRONG TƯƠNG LAI
1. Tiềm năng và thách thức đối với việc triển khai đào tạo trực tuyến
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu học tập của người dân ngày càng lớn, hệ thống trường lớp tuy đã được đầu tư phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng song cũng không thể đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người học. Với dự báo về quy mô học sinh, sinh viên và học viên các hệ đào tạo (phổ thông, học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học) đến năm 2020 là khoảng 29.905.052 người, có thể thấy nhu cầu đào tạo ở Việt Nam là rất lớn.30
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán, từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu và hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý để tạo được chuyển biến cơ bản và toàn diện của nền giáo dục, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế giới. Do đó, đào tạo trực tuyến sẽ là một phương thức đào tạo có lợi thế tiềm năng, có khả năng được áp dụng rộng rãi ở các cấp đào tạo, các cơ sở đào tạo trên khắp cả nước, góp phần thực hiện mục tiêu trên.
Về yếu tố nguồn cung, qua khảo sát và kết quả phân tích có thể thấy trước tiên yếu tố nhận thức về việc ứng dụng đào tạo trực tuyến đã được nâng cao. Tiếp đến là yếu tố nguồn nhân lực và cơ sở vật chất tại các cơ quan tổ chức cũng được quan tâm đầu tư.
30 Nguồn: Dự thảo lần thứ 14 - Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020 được đăng tại địa chỉ http://www.moet.gov.vn, cập nhật ngày 20/02/2009.
Như vậy, hai yếu tố cung và cầu về đào tạo trực tuyến đều đang có lợi thế, được nhận thức và quan tâm thỏa đáng, báo hiệu những tín hiệu tốt về một thị trường đào tạo tiềm năng.
Tuy nhiên, căn cứ theo tình hình thực tế tại Việt Nam cũng như đặc trưng của loại hình đào tạo trực tuyến, việc triển khai đào tạo trực tuyến cũng đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tìm ra phương hướng giải quyết như:
- Việc quản lý và kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo.
- Tiêu chuẩn đánh giá học và thi (công nhận kết quả và cấp bằng, chứng chỉ).
- Việc xây dựng đội ngũ cán bộ triển khai chương trình, nội dung giảng dạy, cơ sở hạ tầng và giảng viên.
- Việc thay đổi và hình thành thói quen học tập trực tuyến cho người học.
2. Một số lưu ý
Trong những năm gần đây, đào tạo trực tuyến thu hút được sự quan tâm ngày càng nhiều của các tổ chức giáo dục đào tạo, các đơn vị nghiên cứu triển khai CNTT, đặc biệt là sự quan tâm của các trường đại học và các viện nghiên cứu. Có thể xem đào tạo trực tuyến như một phương thức dạy học mới, bổ sung và hỗ trợ cho các phương thức đào tạo truyền thống, tạo ra thêm cơ hội được học cho đông đảo tầng lớp xã hội và đặc biệt góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì thế việc triển khai đào tạo trực tuyến ở Việt Nam là vấn đề đang được xã hội quan tâm.
Với mục tiêu tối đa hóa hiệu quả ứng dụng đào tạo trực tuyến và tối thiểu hóa chi phí đầu tư, thông qua việc nghiên cứu tình hình thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam, Báo cáo nêu một số chú ý để các đối tượng liên quan tham khảo khi nghiên cứu, triển khai ứng dụng đào tạo trực tuyến:
2.1. Xác định mục tiêu và nguồn lực cần thiết trước khi tiến hành triển khai đào tạo trực tuyến
Việc xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến hiệu quả đòi hỏi sự đầu tư khá toàn diện về cả cơ sở hạ tầng, phần mềm và nội dung. Do đó, mỗi đơn vị cần lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp tuỳ theo quy mô, nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp và mục tiêu ưu tiên là phục vụ giáo dục đào tạo hay hiệu quả kinh tế.
2.2. Xây dựng kế hoạch triển khai và duy trì, nâng cấp hệ thống đào tạo trực tuyến
Tại Việt Nam, đào tạo trực tuyến đang trong giai đoạn nghiên cứu và triển khai thử nghiệm tại một số cơ quan, tổ chức. Do đặc thù nền giáo dục đào tạo Việt Nam cũng như điều kiện hạ tầng công nghệ và thói quen của người học, đào tạo trực tuyến vẫn đang trong vai trò bổ trợ giảng dạy, kết hợp với phương pháp truyền thống. Vì thế, kế hoạch triển khai đào tạo trực tuyến cần được xây dựng một cách hợp lý trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với kế hoạch đào tạo chung, hỗ trợ tối đa cho mô hình học tập truyền thống. Trong triển khai cần duy trì và nâng cấp hệ thống đào tạo trực tuyến để đảm bảo hiệu quả. Các cơ quan, tổ chức nên lưu ý triển khai từng bước theo các mô hình thí điểm và đánh giá hiệu quả, nhân rộng kết quả sau khi hoàn thành.
2.3. Tổ chức nghiên cứu, xác định phương pháp khi triển khai kinh doanh dịch vụ đào tạo trực truyến
Tại Việt Nam, học tập qua mạng là khái niệm còn khá mới mẻ, do đó khi triển khai kinh doanh dịch vụ đào tạo trực tuyến, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng và xác định phương pháp triển khai hợp lý. Trong triển khai, doanh nghiệp cần làm rõ một số yếu tố cơ bản như đối tượng học viên, xây dựng nội dung, yêu cầu đảm bảo hạ tầng công nghệ, nguồn lực và phương thức cung cấp, thanh toán, v.v...
CHƯƠNG IV
TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG TMĐT TRONG DOANH NGHIỆP