Tình hình triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn

Một phần của tài liệu Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2009 (Trang 29 - 32)

I. HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

2.Tình hình triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn

giai đoạn 2006-2010 (Quyết định 222)

2.1. Tuyên truyền, phổ biến và đào tạo

Triển khai Quyết định 222, hoạt động tuyên truyền, phổ biến về TMĐT đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng như cơ quan thông tin đại chúng và các doanh nghiệp luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến cho xã hội về TMĐT. Các sự kiện lớn cũng như các cuộc thi, giải thưởng liên quan đến TMĐT được tổ chức thường xuyên như Giải Cúp vàng TMĐT của Hội Tin học Việt Nam, Giải Sao khuê của Hiệp hội phần mềm Việt Nam, Chương trình Ý tưởng số, Chương trình xếp hạng doanh nghiệp TMĐT uy tín, Diễn đàn triển lãm TMĐT Việt Nam (Ecombiz) của Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

Hoạt động đào tạo cho các cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp về TMĐT đã được triển khai một cách khá bài bản thông qua nhiều hình thức như hội thảo, tập huấn, trao đổi. Từ năm 2006-2009, Bộ Công Thương cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các Sở Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các đơn vị khác đã tổ chức gần 200 khóa tập huấn về quản lý nhà nước cũng như kỹ năng ứng dụng TMĐT trong kinh doanh cho các doanh nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước.

Đào tạo chính quy về TMĐT tiếp tục được các cơ sở đào tạo quan tâm đẩy mạnh. Năm 2008, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra, khảo sát về tình hình đào tạo TMĐT tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Kết quả cho thấy, trong số 108 trường tham gia khảo sát có 49 trường đã triển khai hoạt động đào tạo về TMĐT, gồm 30 trường đại học và 19 trường cao đẳng. Trong đó, 2 trường đã thành lập khoa TMĐT, 11 trường thành lập bộ môn TMĐT. Một số trường đại học đã có kế hoạch đầu tư sâu cho đào tạo TMĐT với việc hoàn thiện giáo trình và hạ tầng công nghệ phục vụ cho đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội.

2.2. Xây dựng và thực thi pháp luật về TMĐT

Đến cuối năm 2009, khung pháp lý cho TMĐT Việt Nam đã tương đối hoàn thiện với nền tảng chính là những văn bản quy phạm pháp luật thuộc hệ thống Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin (chi tiết xem tại Phần II).

2.3. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Tính đến cuối năm 2009, hầu hết các Bộ, ngành và 60 trên tổng số 63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang thông tin điện tử (website) để giao tiếp với công dân và các tổ chức trong xã hội. Phần lớn các website này đã cung cấp trực tuyến những dịch vụ công cơ bản như cung cấp thông tin về hoạt động của tổ chức, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, quy trình thủ tục hành chính công và tương tác với tổ chức, cá nhân qua website. 18 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, trong đó có các dịch vụ công liên quan đến thương mại như cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép thành lập văn phòng đại diện, đăng ký thuế, đăng ký con dấu, v.v...

Các dịch vụ công trực tuyến có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động thương mại đang được các Bộ, ngành tích cực triển khai như dịch vụ thủ tục hải quan điện tử, thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ điện tử, thủ tục khai, nộp thuế điện tử và ứng dụng TMĐT trong mua sắm Chính phủ (chi tiết xem tại Chương II).

2.4. Phát triển công nghệ hỗ trợ TMĐT

2.4.1. Ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến TMĐT

Trong hai năm 2008-2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực CNTT và TMĐT phục vụ công tác tích hợp dữ liệu, truy cập thông tin, đặc tả dữ liệu, và danh mục tiêu chuẩn ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trao đổi dữ liệu điện tử trong cấp chứng nhận xuất xứ điện tử. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thuộc khối ngân hàng - tài chính cũng đã ứng dụng một số tiêu chuẩn trong lĩnh vực trao đổi thông tin, thanh toán thẻ, chuyển tiền quốc tế, thanh toán liên ngân hàng và tích hợp hệ thống (như các tiêu chuẩn XML, ISO 8583, SWIFT, v.v…).

2.4.2. Thanh toán điện tử

Trong các năm gần đây, thanh toán điện tử tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng. Ở tầm quốc gia, ngày 18 tháng 11 năm 2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức đưa

vào vận hành Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng giai đoạn II. Từ Quý 2 năm 2009, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng giai đoạn II đã được triển khai trên toàn quốc.

Dịch vụ thanh toán thẻ cũng phát triển khá mạnh mẽ. Đến hết năm 2009, 45 tổ chức ngân hàng đã phát hành trên 21 triệu thẻ thanh toán với doanh số thẻ tính theo nội tệ đạt 25.000 tỷ đồng và ngoại tệ đạt 2 tỷ đôla Mỹ. Toàn hệ thống ngân hàng đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hơn 9.500 máy ATM, số lượng máy POS đạt khoảng 33.000 chiếc.2 Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới. Hệ thống thanh toán của hai liên minh thẻ lớn nhất cả nước là Banknetvn và Smartlink với trên 90% thị trường thẻ toàn quốc đã được kết nối liên thông. Sắp tới hệ thống thanh toán thẻ của VNBC và ANZ cũng sẽ được kết nối vào hệ thống Banknetvn - Smartlink thành một hệ thống thanh toán thẻ thống nhất. Hầu hết các dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam được xây dựng dựa trên nền công nghệ ngân hàng lõi (core banking) được chuyển giao từ nước ngoài. Mô hình cổng thanh toán điện tử (payment gateway) được nhiều tổ chức ngân hàng - tài chính xây dựng và sử dụng.

Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thanh toán mới, hiện đại đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hóa đơn một cách dễ dàng nhanh chóng thông qua Internet, ATM, POS, điện thoại di động, qua đó góp phần thúc đẩy TMĐT phát triển.3

2.4.3. Mạng kinh doanh điện tử trong một số ngành có quy mô kinh tế lớn

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành có quy mô kinh tế lớn đang chú trọng đầu tư vào đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp kinh tế hàng đầu thuộc các ngành, lĩnh vực như điện lực, viễn thông, dầu khí, thép, dệt may… đã từng bước hướng tới việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh doanh sử dụng phương tiện điện tử (mạng kinh doanh điện tử).

2.4.4. Hoạt động chuyển giao công nghệ hỗ trợ phát triển TMĐT

Hoạt động chuyển giao công nghệ hỗ trợ phát triển TMĐT phục vụ công tác quản lý và điều hành đang được các doanh nghiệp quan tâm. Đi đầu trong việc đầu tư mua sắm công nghệ hỗ trợ phát triển TMĐT là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, giao thông - vận tải, sản xuất - phân phối - bán lẻ.

2.5. Hợp tác quốc tế về TMĐT

Hợp tác quốc tế về TMĐT đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ TMĐT trong nước phát triển, hội nhập với TMĐT thế giới, góp phần thúc đẩy thương mại và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về hợp tác đa phương, trong năm 2009 Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động về TMĐT của APEC, ASEAN, UNCITRAL, UN/CEFACT…, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến thương mại phi giấy tờ, bảo vệ dữ liệu cá nhân, cấp chứng nhận xuất xứ điện tử, cấp chứng

2 Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước ngày 13/1/2010 về tình hình triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử theo Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg.

3 “Một số định hướng phát triển CNTT Ngân hàng Việt Nam”, báo cáo của Cục Công nghệ tin học Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hội thảo Banking Vietnam, TP. HCM ngày 10-11/12/2009.

nhận website TMĐT uy tín (Trustmark), thuận lợi hóa thương mại, ứng dụng chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử. Trong khuôn khổ hợp tác APEC, tháng 7 năm 2009 Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã tổ chức Hội thảo Xây dựng năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử với sự tham gia của các chuyên gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân từ các cơ quan quản lý nhà nước và tập đoàn lớn thuộc một số nền kinh tế thành viên APEC như Hoa Kỳ, Australia, Philippines, v.v…

Về hợp tác song phương, Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ có TMĐT phát triển như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, v.v… Tháng 11 năm 2009, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phối hợp với Cục Chính sách Thương mại và Thông tin, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức Hội thảo quốc tế về môi trường chính sách pháp luật cho TMĐT Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời thiết lập được một cơ chế trao đổi thường xuyên giữa hai cơ quan về các vấn đề pháp lý TMĐT. Bộ Công Thương cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội trong việc tham gia các tổ chức quốc tế về TMĐT như Liên minh TMĐT Châu Á - Thái Bình Dương (PAA), Liên minh các tổ chức cấp chứng nhận website TMĐT uy tín Châu Á - Thái Bình Dương (ATA). Năm 2008, Trung tâm phát triển TMĐT Việt Nam (Ecomviet) đã trở thành thành viên chính thức của ATA.

2.6. Công tác tổ chức thực hiện Quyết định 222

Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010 đã đặt lộ trình và đề ra những giải pháp mang tính tổng thể nhằm thúc đẩy ứng dụng TMĐT trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện lộ trình này, các tỉnh, thành phố cũng khẩn trương xây dựng kế hoạch để triển khai ứng dụng TMĐT tại địa phương. Tính đến hết năm 2009, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT của địa phương, trong đó 58 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch và đưa vào triển khai. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nhiều địa phương đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện những giải pháp đề ra trong kế hoạch phát triển TMĐT của địa phương mình, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến và đào tạo về TMĐT cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và tham gia TMĐT.

Hiện nay, ngoài các dự án về thuế điện tử, hải quan điện tử, thanh toán điện tử, nhiều dự án khác được đề ra tại Kế hoạch tổng thể đang được các Bộ, ngành tích cực triển khai, bao gồm: 1) Dự án “Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công ngành thương mại giai đoạn I”; 2) Dự án “Phổ biến, tuyên truyền về TMĐT cho cộng đồng doanh nghiệp”; 3) Dự án “Xây dựng mạng kinh doanh điện tử cho một số doanh nghiệp quy mô lớn”; 4) Dự án “Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ” với dự án thử nghiệm “Thiết lập hệ thống mua sắm điện tử tại Việt Nam”.

Một phần của tài liệu Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2009 (Trang 29 - 32)