3.2.2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp lý và khuôn khổ quản lý thị trường
Có thể nói rằng thời gian vừa qua Chính phủ và Nhà nước Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hoặc ban hành mới một loạt các văn bản pháp luật, các quy chế, quy định liên quan đến việc mở cửa thị trường và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Điển hình trong số này là các Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư… thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ trong nỗ lực đàm phán gia nhập WTO và mở cửa thị trường. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng hệ thống pháp lý và khuôn khổ quản lý thị trường vẫn còn tồn tại sự thiếu đồng bộ hoặc chậm được triển khai. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài ( kể cả gián tiếp và trực tiếp ) đều rất nhạy cảm đối với Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán. Thế nhưng cả hai Luật này vẫn còn nhiều thiếu sót và thiếu các văn bản hướng dẫn dưới luật đã làm hạn chế đáng kể sự thu hút của các luồng vốn đầu tư gián tiếp. Các NĐTNN vẫn tỏ ra dè dặt khi quyết định đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam, một phần vì một hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh, minh bạch và rõ ràng. Quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa giữa doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp chưa niêm yết không thống nhất ( theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu tối đa vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đối với doanh nghiệp chưa niêm yết là 30%, tỷ lệ này đối với doanh nghiệp đã niêm yết là 49% ) cũng là rào cản đáng kể hạn chế nguồn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Sự thiếu đồng bộ này cần phải được khắc phục trong thời gian không xa nhằm củng cố niềm tin cho các NĐTNN.
Bên cạnh việc nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn các Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp cũng cần thiết phải rà soát, hoàn chỉnh các quy định hiện hành so sánh với các quy định của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các quy định của WTO cũng như những cam kết song phương và đa phương khác của Việt Nam nhằm đảm bảo một hành lang pháp lý an toàn, ổn định và dài hạn, tạo điều kiện tốt cho các dòng đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vào thị trường trong nước.
Nhìn xa hơn, cần phải thiết lập các quy định cụ thể về mua bán, sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp, quy định về việc chuyển nhượng vốn và dự án giữa các nhà đầu tư, quy định về việc chuyển đổi từ hình thức đầu tư gián tiếp sang đầu tư trực tiếp với sự tham gia quản lý điều hành của NĐTNN, quy định về thủ tục phá sản, tái cấu trúc doanh nghiệp, quy định về quản lý ngoại hối và mức độ tự do hóa tài khoản vốn, quy định về việc kiểm soát các nguồn vốn vào và ra trong những tình huống đặc biệt… Đây là các quan hệ kinh tế chắc chắn sẽ nảy sinh trong quá trinh thu hút và hoạt động của các luồng vốn đầu tư gián tiếp ở nước ta. Vì vậy, chúng phải được thể chế hóa bằng luật pháp càng sớm càng tốt.
3.2.2.2. Đẩy mạnh cải cách kinh tế trong nước, tạo sân chơi bình đẳng và tăng khả
năng hấp thụ vốn FPI một cách hiệu quả.
Đối với NĐTNN, một trong những rủi ro phải đối mặt là rủi ro không sinh lời ( đầu tư không hiệu quả ) do môi trường kinh doanh thiếu ổn định, hiệu quả thấp hoặc đơn giản là vì nền kinh tế không hấp thụ được các luồng vốn đầu tư. Đã từng có hiện tượng này ở Việt Nam trong làn sóng đầu tư thứ nhất vào những năm 1990. Khi ấy các quỹ đầu tư được thành lập rơi vào tình trạng có nhiều tiền nhưng không biết đầu tư vào đâu dẫn đến hiện tượng rút vốn hoặc thu hẹp vốn tới mức tối thiểu để chờ cơ hội. Điều kiện hiện nay ở Việt Nam đã khác xa so với bối cảnh kinh tế xã hội của làn sóng đầu tư thứ nhất. Chúng ta đã có kênh dẫn vốn là TTCK đang phát triển ổn định và ngày càng mở rộng, hệ thống dịch vụ tài chính ngày càng năng động và mở cửa ra bên ngoài, đã
có nơi dung nạp vốn vững chắc là các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa ngày càng nhiều, hệ thống các doanh nghiệp thuộc sở hữu ngoài nhà nước phát triển với quy mô và tốc độ cao. Tuy nhiên, nếu so với thực lực của nền kinh tế thì sức hấp thụ vốn FPI vẫn còn ở cấp độ thấp.
Trước hết, nói về các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa. Trong vòng 2 năm trở lại đây, tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đã được đẩy mạnh hơn gấp nhiều lần so với những năm trước. Tính đến tháng 6/2007 đã có gần 6.800 doanh nghiệp Nhà nước được tái cơ cấu trong đó có gần 4.200 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp đã cổ phần hóa là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Gần 60% các doanh nghiệp cổ phần hóa có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng, chỉ có khoảng 19% các doanh nghiệp có quy mô vốn trên 10 tỷ đồng. Vì thế, tuy số doanh nghiệp đã cổ phần hóa chiếm tới 70% tổng số doanh nghiệp Nhà nước, nhưng về vốn mới chỉ chiếm khỏang 10 – 12%. Hơn nữa, tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp này vẫn ở mức cao ( bình quân 46,5% ) và khoảng 38% trong tổng số các doanh nghiệp này không bán cổ phần ra bên ngoài. Thực trạng này là một rào cản rất lớn đối với các hoạt động FPI. Thực tế là số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư của các nhà đầu tư gián tiếp mới chỉ chưa đến 40 doanh nghiệp. Rõ ràng, khả năng thẩm thấu vốn đầu tư gián tiếp của khối các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa còn hết sức mỏng. Đây lại là khu vực có tiềm năng lớn nhất của nền kinh tế nói chung và khả năng thu hút vốn FPI nói riêng. Vì thế, muốn tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn FPI phục vụ phát triển kinh tế, không có cách nào khác là phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, phải mạnh dạn bán cổ phần rộng rãi kể cả cho các nhà đầu tư ngoài nước. Làm được điều này, vừa có điều kiện để thu hút vốn từ bên ngoài, vừa là tiền đề để cải thiện tình trạng lãng phí, trì trệ, kém hiệu quả của khối các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay. Song song với việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, cần phải có biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp cổ phần niêm yết
trên TTCK. Đây là cầu nối hết sức quan trọng giúp các NĐTNN có thể nhanh chóng tiếp cận được với thị trường đầu tư tiềm năng của Việt Nam.
Đối với khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, hiện nay có khoảng 97 – 98% trong số hơn 230.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân. Dự kiến đến năm 2010, Việt Nam sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc các doanh nghiệp cổ phần. Rõ ràng, đây là khu vực có nhiều triển vọng tạo ra sức hút lớn đối với các nguồn vốn ngoài nước kể cả trực tiếp và gián tiếp. Hai kênh công cụ huy động vốn quan trọng trên thị trường tài chính là cổ phiếu và trái phiếu đối với các doanh nghiệp này đều còn hết sức hạn chế. Một mặt vì hầu hết các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ và vừa, trình độ quản lý còn thấp nên chưa có khả năng niêm yết trên thị trường tài chính. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp tư nhân mới được thành lập trong thời gian gần đây, đặc biệt từ sau khi có Luật Doanh nghiệp nên khả năng hiểu biết luật pháp quốc tế cũng như các mối quan hệ kinh tế quốc tế còn hạn hẹp. Vì vậy, khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế hoặc thu hút vốn đầu tư của các NĐTNN gần như không có ( trừ một số ít doanh nghiệp đã thành danh ).
Như vậy, để có thể tăng khả năng hấp thụ vốn FPI trong dài hạn, cần thiết phải cổ súy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển không những cả về số lượng, quy mô mà còn cả về trình độ quản lý, kỹ năng giao thương và các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Đây cũng đồng thời là xu hướng tất yếu khi gia nhập vào WTO.
3.2.2.3. Thực hiện chính sách ưu đãi đối với NĐTNN
Hiện nay việc thu hút và quản lý vốn FPI ở nước ta còn nhiều bất cập. Vì lý do quản lý ngoại hối để hạn chế luồng vốn ra mà Nhà nước vô hình chung gây khó khăn, phiền hà cho các NĐTNN bằng các thủ tục hành chính thay vì nên quy định cụ thể những ngành nghề đầu tư mà nhà ĐTNN được phép tham gia. Do đó để khắc phục vấn đề trên cần phải:
o Đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các NĐTNN, loại bỏ những giấy tờ rườm rà không cần thiết, rút ngắn thời gian trong quá trình thực hiện các thủ tục xin cấp mã số kinh doanh chứng khoán, thủ tục mở tài khoản góp vốn tại ngân hàng của NĐTNN. Cần có sự đối xử công bằng giữa NĐTNN với nhà đầu tư trong nước.
o Chính phủ cần sớm công bố danh sách các ngành nghề hạn chế người nước ngoài đầu tư, nâng tỷ lệ của NĐTNN vào các công ty cổ phần không nằm trong danh sách hạn chế đầu tư.
o Bộ tài chính nên quy định mức phí tối đa của các công ty chứng khoán, ngân hàng giám sát, ngân hàng lưu ký về các loại phí thu của NĐTNN như phí lưu ký, phí thanh toán, phí môi giới, phí kinh doanh chứng khoán,… theo hướng ưu đãi và công bằng hơn để thu hút sự tham gia của nhiều NĐTNN. Hiện vẫn còn sự bất công trong phí kinh doanh mua bán chứng khoán không chỉ của NĐTNN mà cả đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trong nước ( một giao dịch mua hoặc bán chứng khoán trên 50 triệu chịu phí 0,4% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra hoặc mua vào trong khi một giao dịch mua hoặc bán chứng khoán dưới 50 triệu phải chịu phí 0,5% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra hoặc mua vào ).
3.2.2.4. Đa dạng hóa và tạo nguồn thông tin minh bạch, chuẩn mực trên thị trường
Một trong những lý do hiện nay khiến các NĐTNN e ngại khi đầu tư vào Việt Nam đó là nguồn thông tin không minh bạch. Kể cả đối với một số công ty niêm yết cũng có 3 loại báo các tài chính khác nhau, một báo cáo dùng để công bố thông tin đối với nhà đầu tư, một báo cáo để đối phó với cơ quan thuế và các Ban Ngành có chức năng kiểm soát khác và một báo cáo giữ lại trong công ty, cả 3 báo cáo trên số liệu đều không khớp nhau. Do đó dẫn đến tình trạng có nhiều giao dịch nội gián xuất hiện và làm lũng đoạn thị trường. Một lý do khác nữa cũng hạn chế luồng vốn FPI đó là thông
tin trên các bảng cáo bạch tại các công ty niêm yết, trang web các công ty chứng khoán, TTGDCK không phổ biến nhiều ngôn ngữ, chủ yếu chỉ sử dụng tiếng Việt nên gây khó khăn cho NĐTNN trong vấn đề tiếp cận thông tin. Vì vậy cần thành lập một bộ phận chuyên trách dịch các ấn phẩm trên ra nhiều ngôn ngữ để đáp ứng yêu cầu của các NĐTNN. Mặt khác, ngoài những thông tin dạng thô cũng cần tăng cường bổ sung những thông tin đã được các chuyên gia phân tích, đánh giá, đồng thời nâng cấp các trang web để tăng dung lượng và tốc độ truy cập dần tiến tới hướng giao dịch tự động trên internet không qua sàn.
3.2.2.5. Giới thiệu, quảng bá Việt Nam và TTCK Việt Nam với các nhà đầu tư trên thế
giới.
− Tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo, hội nghị, chuyên đề, sự kiện giới thiệu về TTCK Việt Nam với các nhà đầu tư trên thế giới và các tổ chức đầu tư nước ngoài tiềm năng.
− Quảng bá Việt Nam và TTCK Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các cơ quan thông tấn xã, báo chí, truyền thông nước ngoài.
− Mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan quản lý TTCK ở các nước tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm những hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính góp phần giúp TTCK Việt Nam được biết đến trên quy mô toàn cầu.
¾ Xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tiến máy móc thiết bị phục vụ cho TTCK.
Một trong những điểm yếu của TTCK Việt Nam là về mặt kỹ thuật. Sự kiện chết mạng 2 lần tại SGDCK TPHCM trong năm 2007 vừa qua là một minh chứng rõ ràng. Muốn mở rộng quy mô thị trường để thu hút vốn cần cải tiến máy móc thiết bị, nhập những nguyên liệu mới từ các nước tiên tiến, đồng thời tích cực học hỏi và mời những chuyên gia công nghệ thông tin nước ngoài về làm cố vấn để nâng cấp hệ thống
nhập lệnh và thiết bị mạng kết nối trực tiếp giữa TTGDCK, SGDCK với các công ty chứng khoán.
3.2.2.6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đào tạo về chứng khoán
Các chuyên gia phân tích, các nhà môi giới, chuyên viên tư vấn của nước ta hiện nay còn thiếu rất nhiều kiến thức về TTCK, chủ yếu chỉ được đào tạo trong nước nên không kịp thời cập nhật những kiến thức từ nước ngoài. Do đó, Nhà nước cần phối hợp với Ủy ban Chứng khoán, SGDCK tổ chức các khóa đào tạo ngắn và dài hạn trong và ngoài nước vừa để cập nhật kiến thức chuyên môn về TTCK vừa để nâng cao trình độ ngoại ngữ của các chuyên viên, bên cạnh đó cũng cần có kế hoạch bồi dưỡng và giữ chân nhân tài tránh để tình trạng chảy máu chất xám.
3.2.2.7. Hoàn thiện nội dung quản lý và giám sát FPI
FPI là hình thức đầu tư có tác động đa chiều và phức tạp. Trước hết, FPI cần có khung khổ thể chế chặt chẽ và minh bạch do Nhà nước có trách nhiệm ban hành và bảo đảm thực hiện. Hơn nữa, để cân đối giữa nhu cầu thu hút FPI với lợi ích của quốc gia, Nhà nước và thị trường cần phải có sự quản lý và giám sát tương ứng. Nếu quản lý, giám sát tốt, có thể tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa tác hại của FPI. Quản lý ở đây chủ yếu hàm ý đến quản lý của Nhà nước, còn giám sát ở đây có hai góc độ rõ rệt: giám sát của Nhà nước ( được lồng ghép trong hoạt động quản lý của Nhà nước như một chức năng quản lý ) và giám sát của thị trường.
Về phía Nhà nước, căn cứ vào chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, có các nội dung quản lý cơ bản sau đây đối với FPI
¾ Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển FPI. Đây là nội dung mang tính định hướng và dẫn dắt đối với sự phát triển FPI. Nếu thiếu nội dung này hoặc nội dung này chưa được xác định rõ ràng, khi triển khai phát triển FPI tất yếu sẽ gặp vướng mắc, trắc trở. Chẳng hạn, nếu đặt ra quan điểm bình
đẳng trong thu hút đầu tư gián tiếp, tất yếu sẽ phải tranh luận khi ban hành các quy định về việc cho phép NĐTNN được mua cổ phiếu, trái phiếu với tỷ lệ nào. Hoặc nếu như xác định rõ mục tiêu là phải đẩy mạnh FPI với một quy mô nhất định nào đó và thời hạn thực hiện cụ thể, chắc chắn các biện pháp đa dạng hóa hình thức đầu tư và mở rộng quyền cho NĐTNN sẽ được ban hành và thực hiện nhanh chóng hơn, triệt để hơn.
¾ Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về thu hút FPI. Đây là công việc mang tính chiến lược và cơ bản, quyết định đến sự thành công