III. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU TẠI MỘT
3. Những bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng thị trường trái phiếu ở Việt
3.6 Khuyếch trương năng lực của các nhà đầu tư có tổ chức
Cần phải thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư hơn nữa để tăng cường tính cạnh tranh và làm minh bạch thị trường trái phiếu. Bởi vì trong giai đoạn
đầu, phần lớn TPCP đang lưu hành do một số lượng tương đối ít các tổ chức tài chính và tổ chức đầu tư nắm giữ nên giá trái phiếu thường chịu sự chi phối của các tổ chức đầu tư lớn, điều này khiến cho trái phiếu có tính thanh khoản thấp. Tính thanh khoản thấp nghĩa là có khoảng chênh lệch lớn giữa giá đặt mua và giá chào bán, dẫn đến chi phí giao dịch cao và điều này hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân vào hoạt động giao dịch trái phiếu. Vì vậy, chính sách phát triển TTTP của Chính phủ nên tập trung vào việc khuyếch trương năng lực của các tổ chức đầu tư, tăng số lượng và quy mô của các tổ chức tài chính, lập nhiều quỹ đầu tư và quỹ hưu trí, nâng cao khả năng quản lý quỹ có hiệu quả và tăng nguồn vốn cho các quỹ đầu tư. Nhìn chung, những nỗ lực này sẽ giúp nâng cao tính thanh khoán của trái phiếu và tạo nhu cầu đầu tư trái phiếu.
3.7 Thực hiện xu hướng toàn cầu hóa về cập nhật thông tin trên thị trường nợ
Thông qua hệ thống dữ liệu trực tuyến được cập nhật liên tục, các nhà phân tích nước ngoài có thể truy cập thông tin về thị trường. Đồng thời, phải phát triển hệ thống môi giới điện tử giúp giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài.
3.8 Thành lập và phát triển các tổ chức định mức tín nhiệm
Đây là một tổ chức rất quan trọng không thể thiếu trên thị trường chứng khoán nợ, làm cơ sở cho phát triển hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán nợ thuần túy và các công cụ phái sinh dựa trên các chứng khoán nợ.
3.9 Phát triển thị trường các công cụ phái sinh dựa trên chứng khoán nợ (đặc biệt là nợ Chính phủ) nợ (đặc biệt là nợ Chính phủ)
Thị trường phái sinh đối với các sản phẩm nợ là thị trường gắn liền với thị trường nợ, là hệ quả nhưng cũng là động lực thúc đẩy thị trường nợ phát triển. Các nước Châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Nhật, … đều có thị trường tương lai đối với trái phiếu phát triển khá mạnh và đem lại hiệu quả tích cực cho việc mở rộng thị trường nợ.
@ Kết luận chương 1:
Tóm lại, qua những phần được trình bày trong chương 1 này đã phần nào cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về TTTP với những vấn đề mang tính cơ sở lý luận cũng như khái quát hóa những khái niệm, loại hình liên quan đến trái phiếu và TTTP. Bên cạnh đó, trong chương này cũng cho thấy vai trò của TTTP đối với sự phát triển của nền kinh tế và những bài học kinh nghiệm rút ra từ sự phát triển TTTP tại một số nước Châu Á. Đây là nền tảng hết sức quan trọng cho Việt Nam chúng ta trong quá trình hình thành và phát triển TTTP.
Để có một cái nhìn rõ nét hơn về thị trường trái phiếu Việt Nam từ khung hành lang pháp lý cho đến thực tế phát triển, tất cả những vấn đề đó sẽ được đề cập và trình bày tại Chương II ngay sau đây.
CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG VỀ THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU VIỆT NAM
Chương này sẽ trình bày cơ sở pháp lý cho sự hình thành và phát triển thị truờng trái phiếu Việt Nam, thực trạng về hoạt động của thị trường trái phiếu Việt Nam. Cũng trong chương này, tác giả sẽ phân tích những nguyên nhân khiến cho thị trường trái phiếu Việt Nam chậm phát triển.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU TẠI VIỆT NAM
Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc phát hành và giao dịch các loại trái phiếu đã xuất hiện từ đầu thập niên 90 với các quy định về phát hành trái phiếu của Công ty Cổ phần trong Luật công ty năm 1990. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có doanh nghiệp nào phát hành theo luật này. Đến năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/CP ngày 17-09-1994 kèm theo quy chế tạm thời về phát hành trái phiếu, cổ phiếu của Doanh nghiệp Nhà nước thì thị trường phát hành trái phiếu mới từng bước được hình thành. Quy chế này hướng dẫn các vấn đề có liên quan đến việc phát hành, mệnh giá của trái phiếu, các hình thức thanh toán, lãi suất trái phiếu, đối tượng mua trái phiếu, việc chuyển nhượng sở hữu trái phiếu và các vấn đề khác có liên quan.
Tiếp theo, vào ngày 22-03-1995, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 23/CP về việc phát hành trái phiếu Quốc tế, hướng dẫn việc phát hành trái phiếu huy động vốn ngoài nước cho đầu tư sản xuất kinh doanh.
Song song với các Nghị định trên, ngày 22-09-1994, Thống Đốc Ngân hàng nhà nước đã có Quyết định số 212/QĐ-NH1 ban hành thể lệ phát hành trái
phiếu Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, hướng dẫn việc phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Để chuẩn bị cho sự ra đời của thị trường chứng khoán, ngày 11-07-1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nội dung Nghị định này có đề cập đến các điều kiện để các trái phiếu do doanh nghiệp Việt Nam phát hành có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời vào năm 1999, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 10 đã thông qua Luật Doanh nghiệp vào ngày 12-06-1999 thay cho Luật Công ty 1990. Đến ngày 01-01-2000 (Luật Doanh nghiệp chính thức có hiệu lực), lúc này việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam được điều chỉnh bằng Luật Doanh Nghiệp thay cho Luật Công ty 1990.
Đối với các loại trái phiếu Chính phủ, cơ chế chính sách và phương thức tổ chức quản lý việc huy động vốn bằng TPCP cũng đã được cải tiến. Vào năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 72/CP về quy chế phát hành trái phiếu Chính phủ, quy chế này tiếp tục được hoàn thiện bằng Nghị định số 01/2000/NĐ-CP ngày 13/01/2000 của Chính phủ. Nghị định số 01/2000/NĐ-CP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình đổi mới cơ chế huy động vốn trong nước thông qua phát hành TPCP, thể hiện nổi bật ở một số điểm sau:
- Cho phép đưa vào vận hành những phương thức phát hành trái phiếu mới trên cơ sở vận dụng có chọn lọc các thông lệ quốc tế là đấu thầu qua thị trường giao dịch chứng khoán tập trung và bảo lãnh phát hành.
- Cho phép TPCP được niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhằm tạo thêm nguồn hàng hoá quan trọng cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động.
- Phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan: Bộ Tài Chính, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Bộ ngành, Ủy ban Nhân dân, … trong việc phát hành TPCP.
Để sớm đưa Nghị định 01/2000/NĐ-CP vào thực tế, Bộ Tài Chính, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành một loạt các văn bản hướng dẫn, cụ thể như sau:
- Thông tư số 58/2000/TT-BTC ngày 16/06/2000 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện một số điểm của Nghị định 01/2000/NĐ-CP.
- Thông tư số 39/2000/TT-BTC ngày 11/05/2000 của Bộ Tài Chính hướng dẫn việc phát hành tín phiếu Kho bạc qua Ngân hàng nhà nước.
- Thông tư số 55/2000/TT- BTC ngày 09/06/2000 của Bộ Tài Chính hướng dẫn việc đấu thầu TPCP qua thị trường giao dịch chứng khoán tập trung.
- Thông tư số 68/2000/NĐ- CP ngày 13/07/2000 của Bộ Tài Chính hướng dẫn chi tiết một số điểm về bảo lãnh và đại lý phát hành TPCP. Đồng thời thông tư này cũng được sửa đổi và bổ sung thông qua thông tư số 13/2002/TT-BTC ngày 05/02/2002.
- Quyết định số 59/2000/QĐ-UBCK ngày 12/07/2000 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành Quy chế đấu thầu TPCP qua thị trường giao dịch chứng khoán tập trung.
- Quyết định số 53/2001/QĐ-NHNN ngày 17/01/2001 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về việc ban hành Quy chế đấu thầu tín phiếu kho bạc qua Ngân hàng nhà nước.
Các văn bản pháp quy nêu trên hướng dẫn chi tiết, cụ thể các quy định về lãi suất, kỳ hạn, hình thức trái phiếu, đối tượng mua trái phiếu, quyền lợi của người mua trái phiếu, phương thức phát hành, thanh toán, cơ chế quản lý nguồn thu và thanh toán trái phiếu Chính phủ …
Tuy nhiên, bên cạnh những quy định pháp lý dành cho TPCP, để tạo điều kiện cho các loại trái phiếu Chính quyền địa phương có thể được phát hành và giao dịch một cách hoàn chỉnh hơn, ngày 20/11/2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2003/NĐ-CP nhằm thay thế cho Nghị định số 01/2000/NĐ-CP. Khác với Nghị định số 01/2000/NĐ-CP, Nghị định số 141/2003/NĐ-CP không những đưa ra những Quy chế về việc phát hành TPCP mà còn nêu lên những quy định về việc phát hành TPCQĐP và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Trên cơ sở của Nghị định 141, một loạt các TPCQĐP đã ra đời mà đầu tiên có thể kể đến là Trái phiếu đô thị Tp. Hồ Chí Minh do Quỹ đầu tư phát triển đô thị (HIFU) phát hành theo ủy nhiệm của UBND Tp.HCM.
Ngay sau đó, vào ngày 28/11/2003 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán trong đó có nêu một số vấn đề về phát hành trái phiếu ra công chúng, các điều kiện niêm yết trái phiếu công ty cũng như niêm yết trái phiếu Chính phủ tại TTGDCK.
Nhằm cụ thể hóa các nghị định 141 và 144, một số các quyết định và thông tư hướng dẫn đã ra đời như:
- Thông tư số 75/2004/TT-BTC ngày 23/07/2004 do Bộ Tài Chính ban hành nhằm hướng dẫn việc phát hành trái phiếu ra công chúng.
- Quyết định số 935/2004/QĐ-NHNN ngày 23/07/2004 do Ngân hàng nhà nước ban hành về quy chế đấu thầu trái phiếu Chính phủ tại NHNN.
- Quyết định số 66/2004/DĐ-BTC ngày 11/8/2004 do Bộ Tài Chính ban hành hướng dẫn về trình tự, thủ tục phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và TPCQĐP.
Với những quy định, thông tư được ban hành trong thời gian qua, về cơ bản hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam nhìn chung là khá đầy đủ.
II. THỰC TRẠNG VỀ THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU VIỆT NAM
Vào những năm cuối thập niên 90 và đặc biệt là trong năm 2000, hàng loạt các thị trường trong hệ thống tài chính như thị trường liên ngân hàng, thị trường mở, thị trường chứng khoán, … lần lượt ra đời. Đặc biệt là sự xuất hiện của thị trường chứng khoán Việt Nam vào trung tuần tháng 7/2000, thị trường tài chính Việt Nam đã được hình thành tương đối đầy đủ. Điều này có tác dụng tích cực cho sự phát triển đồng bộ của thị trường tài chính Việt Nam thông qua việc phân định chức năng và các mối quan hệ tương đối giữa thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán, đưa hoạt động của hệ thống ngân hàng trở về đúng bản chất thị trường tiền tệ của nó, làm giảm bớt gánh nặng cho việc tạo nguồn và cung cấp tài chính cho thị trường vốn.
Cùng với sự xuất hiện của nhiều định chế tài chính, các công cụ tài chính trên thị trường ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Đặc biệt là với thị trường TPCP, nếu như ở giai đoạn trước, công trái quốc gia là loại trái phiếu duy nhất được biết đến trên thị trường TPCP thì hiện nay hàng loạt các loại trái phiếu
khác lần lượt xuất hiện theo yêu cầu của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ngoài công trái quốc gia, các loại trái phiếu khác như trái, tín phiếu Kho bạc, TPCQĐP lần lượt ra đời. Đồng thời, các loại trái phiếu khác cũng đã bắt đầu xuất hiện như trái phiếu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, trái phiếu của các Tổng công ty. Tuy nhiên, TPCP vẫn chiếm một khối lượng rất lớn trên thị trường trái phiếu Việt Nam trong đó bao gồm các loại trái phiếu ngắn, trung và dài hạn.
Sau đây, tác giả sẽ đi sâu vào phân tích tình hình hoạt động của thị trường trái phiếu từ năm 2000 đến năm 2004 được thể hiện ở các phần sau:
• Thị trường phát hành trái phiếu gồm:
Thị trường phát hành trái phiếu Chính phủ
Thị trường phát hành trái phiếu Chính quyền địa phương Thị trường phát hành trái phiếu Công ty
• Thị trường giao dịch trái phiếu gồm:
Thị trường giao dịch trái phiếu Chính phủ
Thị trường giao dịch trái phiếu Chính quyền địa phương Thị trường giao dịch trái phiếu Công ty
1. Thị trường phát hành trái phiếu
Tình hình hoạt động của thị trường phát hành trái phiếu ở Việt Nam trong thời gian qua nhìn chung có rất nhiều biến động, điều này được thể hiện qua thực trạng về thị trường phát hành của các loại trái phiếu như sau:
1.1 Trái phiếu Chính phủ (TPCP)
Trong những năm vừa qua, trái phiếu Chính phủ được phát hành chủ yếu qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và đấu thầu qua Ngân hàng nhà nước. Từ tháng 07/2000, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2000/NĐ-CP về quy chế phát hành TPCP và được sử đổi, bổ sung bằng Nghị định số 141/2003/NĐ-CP vào ngày 20/11/2003, đồng thời cùng với sự ra đời của TTGDCK Tp. HCM, Bộ Tài Chính đã đưa vào triển khai hai kênh phát hành TPCP mới là đấu thầu qua TTGDCK và bảo lãnh phát hành, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho Ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển, đồng thời cung cấp nguồn hàng hóa đủ tiêu chuẩn niêm yết tại TTGDCK. Dưới đây là thực trạng hoạt động của các kênh huy động vốn bằng phát hành TPCP trong thời gian qua.
1.1.1 Phát hành qua hệ thống Kho bạc Nhà nước
Hoạt động phát hành TPCP qua hệ thống Kho bạc được thực hiện từ năm 1991. Đây là phương thức phát hành TPCP duy nhất trong nửa đầu thập niên 90 và cho đến nay vẫn đóng vai trò là kênh huy động chủ yếu trong số các phương thức phát hành TPCP. Điểm đặc trưng của phần lớn TPCP phát hành theo phương thức bán lẽ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước là có thời gian đáo hạn ngắn, chủ yếu là các loại TPCP có kỳ hạn hai năm. Khối lượng TPCP phát hành theo phương thức này hàng năm đạt khoảng 3,000 – 4,000 tỷ đồng (năm 1998 là 4,000 tỷ đồng, năm 1999 là 3,096 tỷ đồng). Tuy nhiên, từ năm 2000 cho đến nay, mà điển hình là trong năm 2004, Kho bạc Nhà nước mới chỉ huy động được khoảng 4,500 tỷ – 5,000 tỷ đồng từ phát hành công trái và TPCP, so với kế hoạch đề ra cho cả năm là 9,000 tỷ đồng. Như vậy, nhìn chung việc phát hành TPCP qua hệ thống Kho bạc Nhà nước vẫn được tổ chức thường xuyên nhưng
khối lượng TPCP được phát hành theo phương thức này chỉ đạt mức thấp so với kế hoạch đề ra.
1.1.2 Đấu thầu tín phiếu Kho bạc qua Ngân hàng nhà nước
Tín phiếu Kho bạc là một loại TPCP có kỳ hạn dưới một năm, được phát hành theo phương thức đấu thầu. TPKB không có coupon, thay vào đó TPKB được bán chiết khấu mệnh giá.
TPKB do Bộ Tài Chính phát hành định kỳ. Căn cứ vào nhu cầu chi tiêu của ngân sách, Bộ Tài Chính sẽ quyết định khối lượng phát hành và kỳ hạn tín