CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG TÍN DỤNG BẤT ĐỘNG SẢN CỦA
2.3.1.1 Môi trường pháp lý:
(1) Hành lan pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản đã và đang được minh bạch hóa với:
+ Luật kinh doanh bất động sản ban hành ngày 29/6/2006, có hiệu lực ngày 01/01/2007; Nghị định Chính phủ số 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bất động sản; Thông tư 13/2008/TT-BXD ngày 21/5/2008 của Bộ Xây Dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007.
Như vậy, Luật kinh doanh bất động sản ra đời năm 2006, đã thừa nhận một thị trường bất động sản đang sôi động, tạo một hành lan pháp lý minh bạch, góp phần giảm thiểu những giao dịch ngầm vốn tồn tại lâu đời và đang làm méo mó thị trường bất động sản. Luật cũng quy định về chứng chỉ hành nghề đối với thành viên công ty, mức vốn pháp định đối với công ty kinh doanh bất động sản tối thiểu là 6 tỷ đồng. Đây chính là những cơ sở pháp lý cần thiết để định hướng thị trường bất động sản hoạt động minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới.
+ Luật đất đai năm 2003 là bộ luật nền tảng nhất. Trong đó quy định các quyền liên quan đến Quyền sử dụng đất, mặt khác còn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền xây dựng các công trình nhà ở cho mục đích thương mại. + Luật nhà ở năm 2005, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 cho phép những Việt kiều về Việt Nam cư trú có thời hạn 6 tháng trở lên được phép sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ. Ngoài ra Luật nhà ở còn cho phép sau khi đầu tư xong hạ tầng, chủ đầu tư là Doanh nghiệp có thể huy động vốn của khách hàng tối đa là 70% giá trị hợp đồng.
+ Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành quy chế khu đô thị mới. Nghị định 02 ra đời đã tích cực thúy đẩy việc đầu tư xây dựng, quản lý thống nhất và đồng bộ các khu đô thị mới có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu dân cư và các công trình dịch vụ khác.
+ Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần. Nghị định 17 sửa đổi điều 101 của Nghị định 181 là đất đai khu đô thị là các dự án tại các Huyện nếu đã thực hiện xong hạ tầng cơ sở như giao thông, điện - nước, nhà đầu tư được chia lô bán nền; hoặc chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức kinh tế đối với diện tích đất đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng theo dự án được xét duyệt hoặc theo dự án thành phần của dự án đầu tư đã được xét duyệt.
(2) Hành lan pháp lý điều chỉnh hoạt động ngân hàng đang từng bước được hoàn thiện:
+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước (17/6/2003) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng (15/06/2004).
Với các nội dung được sửa đổi, bổ sung, hai Luật này đã khắc phục được các vướng mắc trong hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, đồng thời tăng quyền tự chủ trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
+ Nghị định 163/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định: tài sản bảo đảm do các bên thoả thuận và thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Tài
sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và được phép giao dịch...
+ Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng; Quyết định 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001. Theo đó, về mặt quy chế cho vay hiện nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) đang thực hiện quy chế cho vay của Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 bao gồm một số quy định sau:
- Nguyên tắc vay vốn: Khách hàng vay vốn của TCTD phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thỏa thụân trong hợp đồng tín dụng; hoàn trả nợ gốc và lãi vay đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
- Điều kiện vay vốn: Khách hàng đủ điều kiện vay vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định (nếu có) của NHTM. Theo quy định của Quy chế cho vay theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 thì điều kiện cho khách hàng vay vốn của TCTD như sau:
• Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
• Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp.
• Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết.
• Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật.
• Thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
- Mức cho vay: tối đa bằng 15% vốn điều lệ đối với một khách hàng; tùy từng TCTD quyết định mức cho vay cụ thể, thông thường mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị tài sản đảm bảo. Mức cho vay còn được tính toán dựa vào nhu cầu vay vốn, khả năng thu nhập để trả nợ của khách hàng.
+ Quyết định 286/2002/QĐ-NHNN ngày 03/4/2002 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về việc ban hành quy chế đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng và Quyết định 886/2003/QĐ-NHNN ngày 11/8/2003 về việc sửa đổi, bổ sung quy chế đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 286/2002/QĐ-NHNN ngày 03/4/2002.