1. Công nghiệp
1.3 Các ngành công nghiệp lắp ráp (điện tử, ô tô, xe máy)
Các ngành này cũng được phát triển trên cơ sở lợi thế về nhân lực và đón nhận sự chuyển dịch từ các nước công nghiệp phát triển sang. Trong những năm gần đây, sản lượng sản xuất của các ngành này tăng lên nhanh chóng. Biểu: Sản lượng một số sản phẩm lắp ráp Đơn vị: 1.000 chiếc Sản phẩm 2000 2001 2002 2003 2004 Ti vi 1031,1 1125,6 1597,3 2187,8 2478,6 Radio 144,7 71,4 67,3 23,7 25,1 Ô tô 13,547 20,526 29,536 47,701 42,561 Xe máy 463,4 610,3 1051,6 1180,4 1568,9
(Nguồn: Niên giám thống kê 2004)
Xét thuần tuý về sản lượng, công nghiệp lắp ráp cơ khí và điện tử Việt Nam có sự gia tăng khá nhanh (trừ sản phẩm radio) và đã thu hút được lực lượng khá đông đảo lao động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam. Tuy nhiên, trong sự phát triển của nhóm ngành này, có một số đặc điểm đáng chú ý sau:
- Phần lớn các sản phẩm được lắp ráp dưới dạng CKD, IKD trên cơ sở các cụm chi tiết nhập khẩu từ nước ngoài.
- Phần linh phụ kiện sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ và chủ yếu là các loại giản đơn.
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng sản xuất ra. Tỷ lệ sản lượng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tổng sản lượng sản xuất năm 2004 là 91,5% ti vi, 89,4% với ô tô và 76% với xe máy.
- Trừ một số hàng điện tử và xe máy được xuất khẩu, phần lớn các sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường nội địa với các chế độ bảo hộ sản xuất trong nước, điển hình là với ô tô. Là một nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ ô tô có tiềm năng lớn. Ngay trong những năm 1990 đã có 12 dự án liên doanh với nước ngoài trong lĩnh vực lắp ráp ô tô, phần lớn trong đó là những hãng có danh tiếng trên thế giới như TOYOTA, NISSAN, SUZUKI, MISHUBISHI (Nhật Bản), MERCEDES (Đức), FIAT (Italia), FORD (Mỹ), DEWOO (Hàn Quốc)....Sau sự phát triển rầm rộ của các doanh nghiệp lắp ráp xe máy vào những năm 2000 – 2003, từ những năm 2004 đến nay có xu hướng phát triển các doanh nghiệp lắp ráp ô tô. Thủ tướng chính phủ đã từng ban hành Quyết định số 177/QĐ - TTg phê duyệt qui hoạch ngành ô tô. Bộ Công nghiệp cũng ban hành Quyết định số 115/QĐ-BCN về những tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp lắp ráp ô tô. Vừa qua, Bộ Công nghiệp đã tiến hành kiểm tra 36 doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước, kết quả là chỉ có 10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quy định, tất cả các dây chuyền đều được chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc, giá trị đầu tư thấp (chỉ khoảng
500 triệu đồng/dây chuyền). Các doanh nghiệp này tính toán: nhu cầu ô tô giá rẻ đang rất cao (thay thế 75.000 xe công nông, 32.000 xe buýt quá thời hạn lưu hành...) chỉ cần nhập khẩu dây chuyền trên, sau đó nhập linh kiện để lắp ráp và sau 5 năm sẽ hoàn thành khấu hao và bắt đầu thu lãi. Với kiểu đầu tư như vậy thì công nghiệp ô tô Việt Nam không thể trở thành một ngành công nghiệp thực thụ và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.