MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Thực trạng công tác quản lý thu quỹ bảo hiểm xã hội ở cơ quan bảo hiểm xã hội Quận Đống Đa (Trang 61 - 62)

1. Về hình thức và đối tượng tham gia

Đề nghị áp dụng song hành 2 hình thức tham gia BHXH: bắt buộc và tự nguyện; trong đó đặc biệt chú ý đến cơ chế chuyển đổi giữa hai hình thức này, khi người lao động di chuyển từ khu vực bắt buộc sang khu vực tự nguyện và ngược lại.

- Đối tượng tham gia hình thức BHXH bắt buộc:

Là những người lao động ở tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng 10 lao động trở lên không phân biệt loại hình đơn vị (hiện không phải là doanh nghiệp). Không nên hạ thấp hơn nữa quy mô lao động vì kinh nghiệm cho thấy ở những đơn vị này quan hệ lao động còn lỏng lẻo, chưa xác lập theo đúng chuẩn mực quy định, dễ phát sinh nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện BHXH.

- Đối tượng tham gia hình thức BHXH tự nguyện:

Là tất cả những người trong độ tuổi lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và những người lao động tuy thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng muốn tự nguyện đóng thêm để hưởng mức cao hơn. Ở hình thức này về nguyên tắc vẫn xác lập quan hệ đóng hưởng tương tự như đối với BHXH bắt buộc; lấy lương tối thiểu do Nhà nước công bố để xác định mức đóng tối thiểu.Việc thực hiện đóng góp có thể là hàng tháng, quý, năm tuỳ theo điều kiện thực tế. Mỗi cách đóng sẽ có mức ảnh hưởng tương ứng thông qua việc quy đổi về cách đóng tiêu chuẩn (là đóng theo tháng).

- Luật cần có quy định giới hạn mức đóng tối thiểu và tối đa để đảm bảo sự cân đối hợp lý trong cộng đồng những người thụ hưởng và quan hệ giữa lương đương chức và tiền hưu trí. Mức đóng góp tối thiểu có thể xác định theo mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố ở từng giai đoạn. Mức đóng tối đa có thể được quy định sao cho khi nghỉ hưu tiền lương hưu chỉ bằng hoặc nhỏ hơn mức thu nhập chịu thuế thu nhập cao.

- Đối tượng để thực hiện các mức đóng cần phân ra làm 2 loại:

+ Người lao động thuộc khối HCSN Nhà nước, Đảng, Đoàn thể, Lực lượng vũ trang (hưởng lương từ ngân sách nhà nước) đóng theo thang bảng lương Nhà nước quy định.

+ Người lao động thuộc các thành phần kinh tế (kể cả doanh nghiệp Nhà nước) đóng theo lương thực trả. Không đóng theo tiền lương danh nghĩa, lương hợp đồng vì dễ tạo điều kiện cho sự né tránh, lách luật, đồng thời đảm bảo để mức trợ cấp đáp ứng được nhu cầu thực tế của cuộc sống. Khi làm việc có quan hệ tiền lương thì phải nộp BHXH, khi không có quan hệ tiền lương thì không nộp BHXH (kể cả khi ngừng việc phải hưởng lương ngừng việc).

- Về tỷ lệ đóng:

Trong luật cần xác định từng giai đoạn sẽ có tỷ lệ trích nộp BHXH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, thu nhập, đời sống và nhu cầu bảo toàn, cân đối quỹ. Giao Chính phủ quy định các tỷ lệ này trên cơ sở các chế độ chi trả và có phương án tính toán rõ ràng, khoa học, đặc biệt là tỷ lệ trích nộp để hình thành quỹ hưu trí. Sở dĩ cần chú ý đặc biệt vấn đề này vì nhận thấy với mức nộp 15% tiền lương hiện nay và mức tăng trưởng kinh tế, đời sống tại Việt Nam trong thời gian tới, nhất định quỹ BHXH sẽ không tự cân đối được.

Một phần của tài liệu Thực trạng công tác quản lý thu quỹ bảo hiểm xã hội ở cơ quan bảo hiểm xã hội Quận Đống Đa (Trang 61 - 62)