Truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng 1 Khái niệm chung

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chuỗi cung ứng của mặt hàng Cá Tra, Cá Basa (Trang 25 - 27)

1.6.1 Khái niệm chung

Để quản lý tốt chuỗi cung ứng thực phẩm ngày nay thì đòi hỏi cần có chương trình truy xuất nguồn gốc. Truy xuất nguồn gốc giúp xác định và truy được dấu vết từ nguyên liệu cho đến sản phẩm với sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Truy xuất nguồn gốc trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm xuất khẩu đến EU, Mỹ, Nhật.

Theo qui định 178/2002/EC của Liên minh Châu Âu “ Truy xuất nguồn gốc là khả năng cho phép truy tìm tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối của một sản phẩm thực phẩm, một sản phẩm thức ăn động vật, một động vật dùng để chế biến thực phẩm hoặc một chất được dùng để đưa vào hoặc có thể được đưa vào một sản phẩm thực phẩm hoặc thức ăn cho động vật.” [17]

Theo ISO 9000:2008 truy xuất nguồn gốc có nghĩa là khả năng truy lại các hồ sơ, các ứng dụng hay vị trí của những gì liên quan đến sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc dựa vào sự quan hệ giữa nguồn gốc nguyên liệu, các thành phần các quá trình chế biến và phân phối sản phẩm. Truy xuất bao gồm tìm dấu vết và dò theo dấu vết. Với việc tìm dấu vết, sản phẩm được xác định, được đánh dấu và ghi lại thông tin từ nguồn nguyên vật liệu đến tay người tiêu dung. Tất cả thông tin liên quan đến sản phẩm như: nguồn nguyên vật liệu, nơi thu hoạch, ngày thu hoạch hay những tin liên quan khác đều được chỉ ra trên bao bì của sản phẩm. Với việc dò theo dâu vết, thì ta truy ngược lại từ sản phẩm đến nguyên vật liệu khi có sự cố lô hàng đó yêu cầu phải thu hồi và trả lại. Vì vậy truy xuất nguồn gốc giúp ngăn ngừa hàng giả, kém chất lượng. Hơn thế, truy xuất nguồn gốc giúp đảm bảo mục tiêu là cung cấp cho người tiêu dùng đầy đủ thông tin về sản phẩm. Quản lý truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng sẽ giúp cho việc tối ưu hóa việc kinh doanh của doanh nghiệp. Nó còn giúp nhận diện sản phẩm bị nhiễm vi sinh vật và có thể nhanh chóng thu hồi những sản phẩm không đảm bảo chất lượng trong dây chuyền sản xuất hay trên thị trường.

Để chắc chắn đảm bảo an toàn chất lượng thì EU đã yêu cầu các nước xuất khẩu phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thủy sản từ năm 2005. Luật này yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm hay thức ăn chăn nuôi được thành lập ở tất cả các công đoạn của sản phẩm, quá trình chế biến và phân phối. Họ cũng yêu cầu cần phải xác định nhà cung cấp và khách hàng cho mỗi thị trường. Ở Mỹ một đạo luật được thông qua là ghi nhãn nước sản xuất cho cá và nhuyễn thể trở nên bắt buộc từ 4/4/2005. Theo đạo luật này thì các sản phẩm cá bán lẻ phải đươc cung cấp chi tiết về thông tin nguồn gốc nguyên liệu, nước xuất khẩu, qui trình sản xuất. Thêm vào đó cơ quan quản lý an toàn thuốc và dược phẩm đã đưa ra một luật mà yêu cầu tất cả các liên kết trong chuỗi cung ứng, vận chuyển thành lập và duy trì sự ghi chép để tiến hành tìm và truy dấu đối với nhà cung cấp và người mua trong 9/12/2006. Nhật cũng yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản cất giữ những

ghi chép về sản phẩm. Điều đáng quan tâm ở đây là những nước này đều là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng thủy sản của Việt Nam.

Mặc dù truy xuất nguồn gốc đã được nhắc đến vào năm 2005 ở Việt Nam nhưng cho đến nay chưa có những thủ tục chuẩn mực hay chương trình áp dụng bởi các nhà quản lý. Chỉ mới gần đây (4/12/2009) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ra Quyết định số 3477/QĐ-BNN-KTBVNL để qui định việc thực hiện xác nhận thủy sản khai thác. Tuy nhiên các hướng dẫn cụ thể thì chưa được ban hành.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chuỗi cung ứng của mặt hàng Cá Tra, Cá Basa (Trang 25 - 27)