II. BẢNG BIỂU
2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân
2.3.2.1. Hạn chế
Qua việc phân tích các số liệu về tình hình sử dụng tài sản của Công ty trong thời gian qua cho thấy nhìn chung các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản của Công ty đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, năm 2006, chỉ tiêu hệ số sinh lợi tổng tài sản không tăng trong khi hiệu suất sử dụng tăng 0,35 còn năm 2007, mặc dù tổng tài sản bình quân tăng lên khá nhiều (15,8%) nhưng chỉ tiêu hiệu suất sử dụng tổng tài sản lại giảm 0,07 so với năm 2006. Bên cạnh đó, chỉ tiêu hệ số sinh lợi tổng tài sản tăng 0,07 từ 0,11 đến 0,18 do lợi nhuận đạt mức tăng trưởng 95,37%, song lợi nhuận này tăng chủ yếu là do hoạt động tài chính mang lại, mà
cụ thể là do việc bán thanh lý tàu - một tài sản đồng kiểm soát với Tổng công ty Hàng hải đã mang lại lợi nhuận gần 16 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng lợi nhuận trước thuế và lãi vay. Ngoài ra, lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động tài chính khác tăng trưởng không đáng kể so với năm 2006. Mặt khác, các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản của Công ty vẫn còn thấp so với mục tiêu đặt ra.
Bảng 2.11: Kế hoạch và thực hiện các chỉ tiêu về hiệu quả sử dụng tài sản tại Công ty Cổ phần Hàng hải Hà Nội
Chỉ tiêu 2005 2006 2007 MT TH MT TH MT TH Hiệu suất sử dụng tổng tài sản 1,05 0,76 1,36 1,11 1,4 1,04
Hệ số sinh lợi tổng tài sản 0,14 0,11 0,15 0,11 0,27 0,18
Hiệu suất sử dụng TSNH 2,92 2,13 3,03 2,49 3,18 2,58
Hệ số sinh lợi TSNH 0,29 0,21 0,22 0,17 0,55 0,36
Hiệu suất sử dụng TSDH 1,64 1,19 2,48 2,02 2,5 1,75
Hệ số sinh lợi TSDH 0,16 0,12 0,18 0,14 0,43 0,24 (Nguồn: Báo cáo tài chính các năm 2005-2007 của công ty Cổ phần Hàng hải Hà Nội)
Như vậy, so với mục tiêu, các chỉ tiêu đạt được còn thấp. Mặt khác, các chỉ tiêu này cũng thấp hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, như Công ty Cổ phần Đại lý Liên hiệp vận chuyển Gemadept: Năm 2006, hiệu suất sử dụng tổng tài sản là 1,27 và hệ số sinh lợi tổng tài sản là 0,29; Công ty cổ phần Hàng Hải Sài Gòn: Năm 2007, hiệu suất sử dụng tổng tài sản là 1,53 và hệ số sinh lợi tổng tài sản là 0,26
Để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản của Công ty, việc tìm ra nguyên nhân của những hạn chế trên nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục là hết sức cần thiết. Đó cũng chính là cơ sở để Công ty tăng khả năng cạnh tranh, tạo vị thế trên thị trường hiện nay.
2.3.2.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ quan
+ Các khoản nợ khó đòi tăng mạnh:
Trong ba năm qua tỷ lệ các khoản phải thu khách hàng gia tăng cả về giá trị lẫn tỷ trọng trong tổng TSNH và đặc biệt là các khoản phải thu khó đòi tăng lên lớn hơn nhiều lần tốc độ gia tăng doanh thu làm hiệu quả sử dụng TSNH giảm. Năm 2006, tốc độ gia tăng các khoản phải thu khó đòi là 1135,66% trong khi doanh thu tăng 50,99%. Năm 2007, các khoản phải thu khó đòi tăng 38,1% trong khi doanh thu chỉ tăng 8,25%. Nguyên nhân là do công tác sàng lọc và quản lý khách hàng chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, các biện pháp khuyến khích về vật chất đối với khách hàng thanh toán đúng hạn chưa được Công ty quan tâm thực hiện.
+ Nguyên vật liệu dự trữ quá nhiều:
Việc tăng mức dự trữ nguyên vật liệu quá nhiều trong thời gian qua chưa hợp lý. Năm 2006, tốc độ tăng nguyên vật liệu dự trữ là 82,28% trong khi doanh thu chỉ tăng 38,10%. Năm 2007, nguyên vật liệu tăng 95,06%, lớn hơn rất nhiều tốc độ tăng doanh thu (8,25%). Điều này góp phần làm giảm hiệu quả sử dụng TSNH. Nguyên nhân là do tình hình lập đơn đặt hàng đôi khi không sát với thực tế, có trường hợp dư thừa nhiều so với nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, một số nguyên vật liệu nhập về không đủ tiêu chuẩn chất lượng, sai quy cách, giá cả còn cao. Công ty chưa có định mức dự trữ và tiêu hao khiến viêc quản lý hàng tồn kho chưa khoa học. Bên cạnh đó, thị trường nguyên vật liệu đầu vào biến động thường xuyên làm công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.
+ Tiền mặt dự trữ chưa hợp lý:
Công ty chưa áp dụng mô hình quản lý tiền mặt giúp cho hoạt động này có hiệu quả hơn. Do đó, lượng tiền dự trữ quá nhiều làm giảm lợi nhuận có thể thu được từ hoạt động đầu tư chứng khoán ngắn hạn dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động của Công ty.
Là một doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải, TSCĐHH là một bộ phận đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Công ty. Trước năm 2007, mặc dù có sự đổi mới, sửa chữa, nâng cấp TSCĐHH song việc đầu tư này không đáng kể. Giá trị TSCĐHH có sự giảm đi nhiều (từ 56 tỷ đồng xuống 36 tỷ) do hao mòn và giá trị TSCĐHH đầu tư mới nhỏ hơn giá trị TSCĐHH thanh lý, nhượng bán. Phần lớn TSCĐHH đều không còn mới, năng suất không cao, giá trị còn lại rất nhỏ so với nguyên giá. Điều này dẫn đến chất lượng TSCĐ ngày càng giảm làm tăng chi phí nguyên vật liệu và chi phí sửa chữa, bảo dưỡng trong quá trình hoạt động dẫn đến tăng chi phí đầu vào. Đây là một trong những nguyên nhân làm giá vốn hàng bán và dịch vụ của Công ty trong lĩnh vực vận tải khá cao so với các công ty khác cùng ngành. Đến năm 2007, Công ty đã đầu tư thêm nhiều vào TSCĐHH, tổng giá trị TSCĐHH tăng lên hơn 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự đầu tư này chưa được đồng bộ dẫn đến hiệu suất sử dụng tài sản cố định giảm đi từ 3,26 xuống còn 2,55. Kết quả là, năm 2006, lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm từ 14 tỷ đồng năm 2005 xuống còn 8 tỷ và năm 2007, mặc dù có sự đầu tư nhiều vào TSCĐ nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chỉ tăng 435 triệu đồng so với năm 2006.
Bên cạnh đó, chính sách quản lý tài sản chưa phù hợp, chưa có quy định rõ ràng trong việc phân cấp tài sản để quản lý góp phần làm cho hiệu quả sử dụng tài sản của Công ty không cao.
Thứ hai, công tác thẩm định dự án chưa hiệu quả
Trong những năm qua, công tác thẩm định dự án của Công ty chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến tình trạng đầu tư vào một số dự án có giá trị cao nhưng chưa thu hồi được vốn, làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, gây ứ đọng vốn và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tài sản của Công ty. Điển hình là
dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, thời gian xây dựng dự định từ tháng 6 năm 2001 đến tháng 7 năm 2003 với chiều dài 2,4 km, trị giá hợp đồng 200 tỷ đồng. Do công tác thẩm định dự án chưa hiệu quả, không đánh giá được rủi ro dự án, Công ty đã thực hiện đầu tư dự án. Trong quá trình thi công, Công ty đã gặp phải rủi ro như phát hiện ra túi bùn ngoài dự kiến tại vị trí thi công, chủ đầu tư giải thể. Vì vậy, Công ty đã tham gia thi công giai đoạn 1 với giá trị xây dựng hơn 15 tỷ đồng từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được hết vốn. Ngoài ra, có một số công trình khi thực hiện, thời gian và chi phí luôn vượt quá dự toán làm giảm lợi nhuận của Công ty so với dự kiến.
Thứ ba, khả năng huy động vốn còn hạn chế, chưa thiết lập và duy trì cơ cầu vốn tối ưu
Qua ba năm, nguồn vốn tăng lên không đáng kể, từ 207 tỷ đồng đến 271 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu huy động bằng cách phát hành cổ phiếu mới chỉ tăng hơn 20 tỷ đồng. Thêm vào đó, các khoản vay và nợ dài hạn có xu hướng giảm. Sự hạn chế về vốn dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh cũng như việc tăng cường doanh thu, phát triển lợi nhuận của Công ty.
Bên cạnh đó, Công ty chưa quan tâm đến vấn đề xác lập và duy trì cơ cấu vốn tối ưu dẫn đến chi phí vốn lớn gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động của Công ty làm giảm hiệu quả sử dụng tài sản.
Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, nền kinh tế biến động bất lợi
Dịch vụ vận tải đa phương thức, trong đó vận tải biển nội địa chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của Marina Hanoi (năm 2006 doanh thu về dịch vụ vận tải đa phương thức chiếm 92% trong tổng doanh thu của Marina Hanoi). Sự biến động của nền kinh tế luôn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến động về nhu cầu đối với dịch vụ vận tải đường biển. Bên cạnh đó, nền kinh tế biến
động và không ổn định cũng dẫn đến sự biến động không ổn định của các yếu tố chi phí đầu vào như chi phí xăng dầu, thuê kho cảng, bến bãi, thuê tàu, thuyền viên… Đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ vận tải đa phương thức thì chi phí xăng dầu, vốn chủ yếu được nhập khẩu từ bên ngoài, cấu thành một bộ phận khá lớn trong giá thành dịch vụ. Bên cạnh đó, nền kinh tế hội nhập và mở cửa ngoài việc đem lại những cơ hội phát triển rất lớn cho ngành vận tải biển còn tạo ra rất nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức trong cạnh tranh với sự xuất hiện của rất nhiều hãng tàu biển nhỏ với giá cước thấp trong nước và các hãng tàu biển của nước ngoài với kinh nghiệm và tiềm lực mạnh.
Thứ hai, hệ thống cảng biển Việt Nam quy mô còn nhỏ, chất lượng không cao
Trong vận tải đa phương thức, chất lượng cầu cảng, kho bãi và các dịch vụ hỗ trợ sẽ tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Khó khăn của Công ty hiện nay xuất phát từ thực trạng hệ thống cảng biển Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, phân bố chưa hợp lý, luồng ra vào cảng có độ sâu hạn chế. Thêm vào đó, hầu hết các cảng đều đã được khai thác nhiều năm, thiếu đầu tư nên bị xuống cấp nghiêm trọng, năng suất xếp dỡ thấp, thiếu các thiết bị chuyên dùng xếp dỡ container, trình độ chuyên môn hoá, hiện đại hoá thấp. Điều này khiến thời gian tàu chờ tại cảng bị kéo dài ngoài dự kiến, ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Thứ ba, luật pháp chưa hoàn chỉnh và thiếu đồng bộ
Hiện nay, trong lĩnh vực kinh doanh cho thuê văn phòng vẫn còn thiếu nhiều quy định của Nhà nước, trong đó đáng kể là việc thiếu các tiêu chuẩn, quy định đối với cao ốc, chung cư. Ngoài ra, hệ thống luật điều chỉnh hợp đồng cho thuê văn phòng vẫn chưa điều chỉnh hết các quan hệ trong hợp đồng. Điều này gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh bất động sản của Công ty.
Trong lĩnh vực vận tải đa phương thức, ngoài lĩnh vực vận tải biển được điều chỉnh bởi “Bộ luật Hàng hải”, các hình thức vận tải khác mới chỉ được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật, các thông tư, nghị định… Ngoài ra, lĩnh vực vận tải biển còn phụ thuộc rất nhiều vào các quy hoạch tổng thể về giao thông đường bộ, cảng biển và các định hướng quản lý vĩ mô khác có liên quan. Các quy định này vẫn còn chưa hoàn chỉnh và ổn định, nhiều quy định chưa phù hợp cũng gây khó khăn trong hoạt động của Marina Hà Nội.
Thư tư, sự biến động của tỷ giá.
Lĩnh vực vận tải đa phương tiện, đặc biệt là vận tải biển chịu ảnh hưởng khá nhiều từ biến động của tỷ giá. Đặc biệt trong việc đầu tư vào tài sản cố định phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ vận tải biển (ví dụ như mua tàu của nước ngoài…), Công ty thường xuyên phải duy trì mức dự nợ ngoại tệ khá cao thông thường một dự án đầu tư tàu phần vốn vay chiếm từ 70-85% trên tổng vốn đầu tư. Vì vậy, biến động của tỷ giá sẽ tác động mạnh đến chi phí đầu vào.
Thứ năm, thị trường chứng khoán biến động
Trong giai đoạn vừa qua, thị trường chứng khoán nhiều biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá cả nhiều loại cổ phiếu không phản ánh thực chất giá trị nên việc phát hành cổ phiếu của Công ty cũng gặp phải khó khăn do số lượng cổ phiếu không bán được như mong muốn. Do đó, việc huy động vốn cho các dự án đầu tư bị hạn chế. Công ty buộc phải bổ sung vốn cho các dự án này bằng nguồn vay ngân hàng và từ Quỹ Đầu tư. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Công ty.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG TÀI SẢN TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN HÀNG HẢI HÀ NỘI