- Nâng cao khả năng thẩm định TSĐB.
3.2.3.2 Nâng cao trình độ, kiến thức quản lý :
Để có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng thuận lợi hơn, các DN VN cần tăng cường khả năng thuyết phục ngân hàng bằng cách lập phương án vay mang tính khả thi cao và khả năng trình bày, diễn giải vấn đề một cách trôi chảy, có cơ sở. Muốn vậy, các DN cần thực hiện các giải pháp sau :
- Nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn, kiến thức tổng quát của đội ngũ lãnh đạo DN để có thể trao đổi, thuyết trình với ngân hàng, nhằm tăng cường khả năng thuyết phục ngân hàng trong việc thẩm định cho vay DN.
- Xây dựng đội ngũ chuyên môn giỏi nghiệp vụ để việc lập phương án mang tính khả thi cao, sát với hoạch định kinh doanh thực tế mà đơn vị đã lập ra.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Với phương hướng mở rộng và phát triển của ngành ngân hàng trong thời gian sắp tới, hệ thống NHTM VN nói chung và trên địa bàn TP.HCM nói riêng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cho vay, đặc biệt đối với DNVVN.
Để hoạt động bền vững và an toàn trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, chứa đựng nhiều rủi ro, các NHTM cần không ngừng khắc phục các hạn chế đang tồn tại trong công tác tín dụng của mình bằng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thẩm định cho vay như : nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, đạo đức của đội ngũ CB làm công tác tín dụng, tăng cường khả năng thu thập, xử lý thông tin phục vụ cho việc thẩm định và cải tiến cơ chế chính sách, quy trình, quy định theo hướng chặt chẽ, chuyên nghiệp, nhạy bén nhằm đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới.
Bên cạnh nỗ lực tự hoàn thiện của ngân hàng, để hoạt động cho vay DNVVN đạt hiệu quả cao, hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra, rất cần có sự thay đổi, chuyển mình về chất, nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa từ phía các cơ quan, ban ngành chính phủ và địa phương và bản thân các DNVVN.
Đối với các DNVVN, đó là sự nâng cao về trình độ chuyên môn, kiến thức quản lý của đội ngũ lãnh đạo DN để phương án được lập có tính khả thi cao, có thể thuyết phục được ngân hàng. Ngoài ra, các DN cũng cần nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của BCTC để tạo niềm tin cho ngân hàng và qua đó, giúp cho việc tiếp cận vốn vay được thuận lợi hơn.
Đối với các cơ quan ban ngành chính phủ và địa phương, cần thiết phải có sự thay đổi về cơ chế, chính sách nhằm tạo ra khung pháp lý ổn định, chặt chẽ cùng với cung cấp thông tin minh bạch, nhanh chóng, đa dạng, đáng tin cậy. Có
như vậy, công tác thẩm định cho vay DNVVN mới thật sự cải tiến, hoàn chỉnh và đạt hiệu quả cao.
KẾT LUẬN
P.Volker, cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ ( FED ) đã từng nói : “ Nếu ngân hàng không có những khoản nợ xấu thì đó không phải là hoạt động kinh doanh “.
Điều đó cho thấy, rủi ro tín dụng là thực tế không thể tránh khỏi, có thể xảy ra ở bất cứ ngân hàng nào, kể cả các ngân hàng hàng đầu trên thế giới bởi hoạt động cho vay luôn chứa đựng các rủi ro ngoài tầm kiểm soát của con người.
Vì vậy, mục tiêu chính mà các NHTM hướng đến là làm sao hạn chế được những rủi ro mang tính chủ quan từ yếu tố con người và những rủi ro có thể kiểm soát được, từ đó khống chế rủi ro tín dụng ở mức độ thấp nhất có thể.
Muốn vậy, bên cạnh sự nổ lực từ phía ngân hàng trong việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống quản lý, thẩm định cho vay phù hợp và thực hiện các quy định đó một cách chặt chẽ, rất cần có sự thay đổi trong cung cách hoạt động của DN cũng như không thể thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ , đổi mới tư duy từ các cơ quan, ban ngành thuộc chính phủ và địa phương có liên quan. Đó cũng là mục tiêu và mong muốn mà luận văn hướng đến, nhằm làm cho công tác thẩm định tín dụng đối với DNVVN tại các NHTM VN ngày một hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Mặc dù vậy, do điều kiện còn hạn chế về thời gian và năng lực, luận văn khó tránh khỏi thiếu sót và hạn chế nhất định. Do đó, tôi thành thật mong quí thầy cô và các bạn quan tâm, đóng góp bổ sung để luận văn thêm hoàn chỉnh.
Tôi cũng xin được chân thành bày tỏ sự biết ơn đối với Tiến sĩ Trương Thị Hồng đã tận tình hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn này.