Thực tế là tại nhiều DNVVN, hệ thống thông tin báo cáo tài chính, sổ sách kế toán chưa được thực hiện đầy đủ, thiếu chính xác, minh bạch, công khai, cụ thể như không có bảng lưu chuyển tiền tệ, BCTC ít được qua kiểm toán, cơ sở lập BCTC không rõ ràng thậm chí nhiều DN xây dựng BCTC cho có để đủ thủ tục, điều kiện vay ngân hàng...Vì vậy, nguồn số liệu để ngân hàng phân tích, đánh giá tình hình tài chính DN là không đủ độ tin cậy , từ đó, khiến công tác thẩm định của ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Trong khả năng hạn hẹp về tài chính của mình, các DN thường chỉ thuê kế toán thời vụ để thực hiện BCTC định kỳ, vì vậy, kế toán thường không chuyên, không theo dõi xuyên suốt DN nên thường mắc sai sót và không giải thích được những tài khoản biến động trong kỳ, tạo cảm giác thiếu tin tưởng về tình hình tài chính ở CBTD, mặc dù đã có BCTC đầy đủ.
- Tư tưởng chưa xem trọng BCTC của bộ phận lãnh đạo DNVVN.
Một yếu tố tác động rất lớn đến chất lượng của BCTC là các lãnh đạo DN. Nhiều lãnh đạo DN không có kiến thức cơ bản về tài chính nên dẫn đến nhận thức của họ về vấn đề này còn lệch lạc. Đó là tư tưởng làm cho có, làm hình thức, né tránh việc cung cấp số liệu thật cho ngân hàng. Nhiều DNVVN đã xây dựng hai hay thậm chí ba bộ hồ sơ kế toán để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau như báo cáo thuế ( thường số liệu rất xấu để né tránh thuế ), báo cáo cho ngân hàng ( thường số liệu quá tốt hơn thực tế để ngân hàng cho vay ) và cho HĐQT
công ty ( số liệu thật để biết tình hình công ty ). Việc các DNVVN có thể thay đổi, sửa chữa số liệu tùy thích dẫn đến sự nghi ngờ, thiếu niềm tin nơi ngân hàng, dẫn đến việc thẩm định tài chính đối với DN không đạt hiệu quả cao, không thể hiện đúng bản chất và tình trạng tài chính của DN. Thậm chí nhiều trường hợp, để lôi kéo khách hàng, cán bộ nghiệp vụ còn tư vấn, hỗ trợ cho DN thay đổi số liệu cho phù hợp để vay được vốn ngân hàng.
2.2.4.6 Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong phân tích phương án vay :
- Khả năng lập phương án của DNVVN còn hạn chế.
Đối với các DN xây dựng và thiết lập phương án, kế hoạch kinh doanh trên cơ sở thực tế không khả thi, khó mang lại hiệu quả, đã bị ngân hàng đánh giá kém và từ chối cho vay. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khá nhiều trường hợp các DN có ý tưởng kinh doanh tốt, có khả năng thực hiện mang lại lợi nhuận cao nhưng do trình độ chuyên môn, khả năng lập dự án của đội ngũ quản lý và lãnh đạo còn hạn chế dẫn đến phương án, dự án sản xuất kinh doanh được xây dựng ít khả thi và thiếu tính thuyết phục để ngân hàng có thể quyết định cho vay. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do các phương án được xây dựng sơ sài, thiếu tài liệu chứng minh do thường mua bán không có hợp đồng kinh tế, khi thanh toán tiền hàng cũng ít sử dụng hóa đơn, chứng từ nên ngân hàng khó có cơ sở để đánh giá và thẩm định cho vay mặc dù trên thực tế, đơn vị làm ăn có uy tín, hiệu quả. Đây là khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định phương án của các DNVVN mà NHTM gặp phải.