Trong phần hành kiểm toán khoản mục TSCĐ đựơc thực hiện tại CACC, KTV thực hiện rất ít những thủ tục trong việc vận dụng thử nghiệm kiểm soát mà thực hiện ngay thử nghiệm cơ bản sau khi tìm hiểu những thông tin từ việc phỏng vấn khách hàng. Việc thực hiện thử nghiệm kiểm soát có được áp dụng đối với các khoản mục như Doanh thu, Phải thu… chứ chưa được mở rộng sang cho khoản mục TSCĐ. Do đối tượng khách hàng hiện tại của Công ty chỉ tập trung vào những doanh nghiệp sản xuất hay dịch vụ, quy mô TSCĐ chưa thực sự lớn và đa dạng nên KTV có thể áp dụng ngay thử nghiệm cơ bản cũng không mất quá nhiều thời gian hơn so với việc đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng. Nhưng trong tương lai, do chiến lược mở rộng quy mô của doanh nghiệp thì những khách hàng lớn hơn, phức tạp hơn như vậy là không thể tránh khỏi. Thử nghiệm kiểm soát nếu được áp dụng đúng cách thì nó cũng có khả năng hỗ trợ KTV rất nhiều trong việc giảm thiểu thủ tục kiểm tra chi tiết.
Giai đoạn đầu tiên trước khi đi vào thực hiện thủ tục phân tích và kiểm tra chi tiết, KTV có thể thiết lập một hệ thống câu hỏi để đánh giá tính hiệu lực của hệ thống Kiểm soát nội bộ của khách hàng. Hệ thống Kiểm soát nội bộ sẽ được KTV đánh giá dựa trên nhiều các mục tiêu kiểm soát khác nhau như Tính hiệu lực, tính đầy đủ, sự phê chuẩn… Hệ thống kiểm soát nếu được đánh giá là có hiệu lực trên các mục tiêu đó thì thủ tục kiểm toán có thể giảm thiểu mà vẫn đảm bảo sự không tồn tại của các sai phạm trọng yếu. Hoặc ngược lại, nếu hệ thống kiểm soát yếu,
không ngăn chặn được các sai phạm, thủ tục kiểm toán sẽ được tăng cường để các sai phạm sẽ bị phát hiện kịp thời. Công việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đánh giá rủi ro kiểm soát, từ đó xác định được các thử nghiệm kiểm toán nhằm giảm thiểu rủi ro kiểm toán xuống mức thấp nhất.
Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ sẽ trợ giúp được KTV rất nhiều trong kiểm toán khoản mục TSCĐ khi mà quy mô TSCĐ của Công ty quá lớn đến mức mà KTV không thể tập trung quá mức vào thủ tục kiểm tra chi tiết .