1.2.1. Thẩm định của cán bộ trực tiếp cho vay
* Tuỳ theo từng loại cho vay, đối tượng khách hàng và điều kiện thực tế mà cán bộ trực tiếp cho vay lựa chọn phương pháp thẩm định phù hợp nhưng đảm bảo những nội dung:
- Đánh giá tư cách pháp nhân, năng lực hành vi dân sự của khách hàng khi vay vốn và tính pháp lý của hồ sơ vay vốn.
- Đánh giá tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng - Dự kiến các rủi ro có thể xảy ra
- Đánh giá tài sản đảm bảo tiền vay (nếu có)
Tùy tính chất từng khoản vay, đối tượng vay và loại hình vay vốn, việc thẩm định có thể lựa chọn toàn bộ hoặc một trong 3 phương pháp: thẩm định hồ sơ tài liệu do khách hàng cung cấp, thẩm định cho vay thông qua khảo sát thực tế và thẩm định cho vay thông qua các nguồn thông tin khác
1.2.2. Kiểm tra của cán bộ phụ trách bộ phận cho vay
Căn cứ nội dung báo cáo thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng, cán bộ phụ trách bộ phận cho vay ghi ý kiến đánh giá về khách hàng, dự án, phương án, món vay và nêu rõ một trong các quan điểm sau:
- Đồng ý cho vay và/hoặc với các điều kiện ràng buộc - Từ chối cho vay và nêu rõ lý do từ chối, hoặc
- Nêu các đề xuất khác
Sau đó, cán bộ phụ trách bộ phận cho vay trả hồ sơ về cho cán bộ trực tiếp cho vay. Cán bộ trực tiếp cho vay phải đọc ý kiến của Cán bộ phụ trách cho vay, nếu có điểm gì chưa rõ hoặc chưa đúng, cần trao đổi lại với cán bộ phụ trách cho vay. Nếu đã rõ thì trình toàn bộ hồ sơ và báo cáo thẩm định cho cán bộ quyết định cho vay.
1.2.3. Phê duyệt của cán bộ quyết định cho vay
Trong phạm vi quyền hạn được uỷ quyền, căn cứ nội dung báo cáo thẩm định của cán bộ trực tiếp cho vay, cán bộ phụ trách bộ phận cho vay và hồ sơ vay vốn, người quyết định cho vay có thể đồng ý hoặc từ chối cho vay hoặc yêu cầu bổ sung, kiểm tra lại thông tin.