Lan Đình là một làng nông nghiệp vùng gò đồi ở Gio Linh, được hình thành khá sớm. Điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển nghề đan lát, đặc biệt là mây tre - những nguyên liệu sẵn có trên những triền đồi quanh làng và nghề đan lát trở thành nghề truyền thống.
Ngày trước, nghề đan lát ở đây rất hưng thịnh. Cả làng từ già, trẻ, gái, trai chỉ biết đến mỗi nghề đan lát. Tiêu chuẩn kén rễ, rước dâu của làng trước hết cũng phải có tay nghề đan rổ, rá. Những chiếc nan tre vàng óng, được chẻ, vót tinh tươm, qua bàn tay của các nghệ nhân đan lát trong làng trở thành chiếc rổ, chiếc rá to nhỏ đủ cỡ, chắc bền, đẹp mắt. Sau vài ngày đan, vài trăm chiếc rổ, rá được các gia đình gom lại, mang ra chợ bán đổi lấy lương thực, thực phẩm. Đã từ rất lâu, đan lát không còn đơn thuần là nghề mưu sinh mà nó đã trở thành một nét văn hóa riêng của người dân ở đây. Những đêm trăng sáng, trai gái thường hẹn nhau ở giếng nước đầu làng, vừa ca hát vừa trổ tài đan lát. Các cụ già móm mém nhai
trầu cũng thoăn thoắt từng chiếc nan tre cùng con cháu đan rổ, rá dưới ánh trăng quê.
Qua thời gian, nghề đan lát ở Lan Đình đã in đậm dấu ấn của một làng nghề truyền thống, tạo chổ đứng riêng tại thị trường địa phương. Sản phẩm đan lát của làng Lan Đình cũng tự hào đứng vững bên một số nghề truyền thống khác trong tỉnh như nghề dệt vải sợi (Lập Thạch, Đông Hà), đến nghề làm hương (Đông Định, Cam Lộ) hay nghề làm quạt giấy (Phương Ngạn, Triệu Phong)... Trước xu thế phát triển của cơ chế thị trường, nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ mất dần. Song, những người dân Lan Đình vẫn kiên quyết khắc phục khó khăn để neo giữ nghề truyền thống ở lại với thế hệ sau. Tuy ở Lan Đình bây giờ đan lát không còn giữ vị trí độc tôn như ngày xưa nhưng nghề truyền thống này vẫn là nghề phụ quan trọng, tạo ra thu nhập chủ yếu cho người nông dân trong buổi nông nhàn.
Để nghề đan lát tồn tại mãi với đất Lan Đình, bên cạnh sự cố gắng bám trụ và truyền đạt nghề của những người dân, phía chính quyền địa phương cần có những giải pháp cụ thể để khuyến khích người dân duy trì làng nghề, đồng thời tìm thị trường tiêu thụ ổn định, kết hợp quảng cáo sản phẩm, tạo thương hiệu riêng để sản phẩm đan lát Phước Thị đứng vững trên thị trường luôn có sự cạnh tranh mạnh mẽ của sản phẩm gia dụng công nghiệp.