Biến động NO2-N

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả hệ thống lọc tuần hoàn trong sản xuất giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenergii) toàn đực (Trang 29 - 31)

Chương 4: KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

4.1.3. Biến động NO2-N

Biểu đồ 2. So sánh chỉ tiêu NO2-N của nước đầu vào và đầu ra hệ lọc với NO2-N trong bể ương

Chất lượng nước đầu ra hệ lọc có lượng NO2-N khá thấp (0,044 mg/lít) trong khi đó lượng NO2-N này trong nước đầu vào hệ lọc lại ở mức rất cao (1,93 mg/lít).

So sánh thống kê về sự khác biệt giữa hàm lượng NO2-N nước đầu vào và đầu ra hệ lọc là rất có ý nghĩa thống kê (p = 8,9x10-17 <<0,05).

Do nước đầu vào hệ lọc chính là nước thải tập trung ở đáy của nhiều bể ương (do thức ăn thừa và xác Artemia và ấu trùng chết làm chất lượng môi trường bị ô nhiễm). Điều này cho thấy hàm lượng NO2-N trong các bể ương rất cao, sự hoạt động của ozone cũng như hệ lọc chưa giải quyết được lượng NO2-N trong bể ương.

Theo New và Shingolka (1985) thì không nên lấy nước nuôi có lượng NO2-N cao hơn 0,1 mg/lít. Hàm lượng NO2-N trong bể ương đã cao gấp 3,2 lần (0,32/0,1) ngưỡng của New và Shingolka (1985). Thực tế cho thấy lượng NO2-N trong nước ra hệ lọc có những ngày tăng đến 0,2 mg/lít (Phụ lục) là cao hơn so với đề nghị của New và Shingolka (1985) đối với nguồn nước cấp vào bể ương.

Thêm nữa lượng NO2-N trung bình của nước đầu vào hệ lọc chính là nước thải ra từ tầng đáy của các bể ương. Với mức NO2-N trung bình 1,93 mg/l là rất cao và ngưỡng trên của ấu trùng đối với NO2-N theo một số tác giả Aquacop (1977, 1983), Griessinger (1986), Liao và Mayo (1972) là 0,35 mg/l. Như vậy lượng NO2-N trung bình ở đáy bể ương đã cao hơn ngưỡng sinh lý của ấu trùng 5,5 lần (1,93/0,35).

Chúng ta thấy rằng nếu có cơ hội trộn lẫn lượng NO2-N này vào bể ương sẽ làm cho lượng NO2-N bể ương tăng cao đến mức nguy hiểm cho ấu trùng. Đó là những lúc khi tiến hành làm vệ sinh đáy bể sẽ khuấy động đến lượng chất thải ở đáy. Những lúc như thế này có lẽ sẽ làm cho ấu trùng dễ bị stress với lượng NO2-N trong bể đột ngột tăng cao do lượng NO2-N trong bể cũng đã khá cao là 0,32 mg/l (biểu đồ 2).

Tuy nhiên, nhìn nhận từ khía cạnh làm giảm tác hại của NO2-N thì hệ lọc đã có hiệu quả. Nếu so sánh lượng nước vào và ra hệ lọc thì sau khi qua hệ lọc NO2-N đã giảm được 1,93/0,044 = 43,8 lần (phụ lục 4), tuy nhiên sự góp phần của hệ lọc chưa tạo điều kiện tốt cho ấu trùng tôm càng xanh thể hiện qua việc chưa loại bỏ hết hàm lượng NO2-N trong bể ương.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả hệ thống lọc tuần hoàn trong sản xuất giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenergii) toàn đực (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(60 trang)
w