Nghiên cứu về năng suất sinh sản của lợn nái thì tuổi phối giống lần đầu, tuổi đẻ lứa đầu, khoảng cách lứa đẻ, số con sơ sinh sống/ổ, số con cai sữa/ổ, khối lượng sơ sinh/con và khối lượng cai sữa/con được coi là những tính trạng quan trọng vì chúng quyết định hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi lợn nái. Trong các tính trạng sinh sản này, số con sơ sinh sống/ổ là tính trạng quan trọng nhất và được chọn làm tính trạng chọn lọc chính trong nghiên cứu này.
Các giá trị trung bình bình phương nhỏ nhất và sai số chuẩn của các tính trạng năng suất sinh sản của nhóm lợn Móng Cái tổng hợp được thể hiện qua bảng 4.1.
Bảng 4.1. Năng suất sinh sản của nhóm Móng Cái tổng hợp
Tính trạng Đơn vị tính n LSM SELSM
Tuổi phối lần đầu ngày 52 236,34 1,67
Tuổi đẻ lứa đầu ngày 52 350,57 1,78
Khoảng cách lứa đẻ ngày 342 173,22 0,42
Số con sơ sinh sống/ổ con 394 12,28 0,06
Số con cai sữa con 394 9,75 0,03
Khối lượng sơ sinh/con kg 356 0,52 0,004
Khối lượng cai sữa/con kg 394 6,51 0,02
Tuổi phối giống lần đầu
Tuổi phối giống lần đầu của nhóm MCTH là 236,34 ngày. Kết quả thu được trong nghiên cứu này thấp hơn kết quả nghiên cứu của Giang Hồng
Tuyến và cộng sự (2008) trên 2 giống lợn MC3000 và MC15 qua 4 thế hệ, Giang Hồng Tuyến và cộng sự (2003) khi nghiên trên 2 nhóm lợn MC3000 (nhóm được chọn lọc nâng cao tính trạng số con sơ sinh sống/ổ) (238,12 ngày) và MC15 (nhóm được chọn lọc tính hướng tăng khối lượng và tỉ lệ nạc) (245,25 ngày). Kết quả này cũng cao hơn kết quả nghiên cứu của Lê Viết Ly (1999) với tuổi phối giống lần đầu từ 6 - 8 tháng tuổi và Jang Hyung Lee (1993) với tuổi phối giống lần đầu 7 - 8 tháng tuổi.
Tuổi đẻ lứa đầu
Tuổi đẻ lần đầu là một chỉ tiêu rất quan trọng có liên quan chặt chẽ đến tuổi phối lần đầu, nó cho biết độ tuổi bắt đầu khai thác khả năng sinh sản của lợn nái. Tuổi đẻ lứa đầu càng sớm thì thời gian sử dụng lợn nái càng dài. Tỉ lệ thụ thai và các yếu tố ngoại cảnh bất lợi làm tăng tuổi đẻ lứa đầu. Tuổi đẻ lứa đầu của nhóm MCTH là 350,57 ngày. So với nhóm MC3000 và nhóm MC15 qua 4 thế hệ trong nghiên cứu của Giang Hồng Tuyến (2008) thì MCTH có kết quả thấp hơn. Kết quả này cũng thấp hơn 15,36 ngày so với kết quả nghiên cứu của Giang Hồng Tuyến (2003) đối với nhóm lợn MC3000 (365,93 ngày) và thấp hơn 18,59 ngày so với nhóm lợn MC15 (369,16 ngày).
Kết quả này chứng tỏ nhóm lợn MCTH có tuổi đẻ lứa đầu sớm hơn nhóm MC3000 và MC15. Điều này khẳng định có sự khác nhau rõ rệt về đặc điểm của từng nhóm Móng Cái khác nhau trong cùng một giống.
Kết quả này thấp hơn 37,53 ngày so với kết quả nghiên cứu trên cùng giống lợn Móng Cái của Nguyễn Văn Đức (1997) (388,10 ngày), Nguyễn Văn Nhiệm và cộng sự (2002) (13,3 - 13,6 tháng), thấp hơn 23,49 ngày so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Thiện và cộng sự (1999) trên lợn Móng Cái (374,06 ngày). Kết quả này cũng thấp hơn kết quả nghiên cứu của Phùng Thị Vân và cộng sự (2000) (363 - 376,2 ngày) và tương đương với kết quả
của Tạ Thị Bích Duyên nghiên cứu trên đàn lợn ngoại (2003) (348,17 - 378,43 ngày).
Khoảng cách lứa đẻ
Khoảng cách lứa đẻ quyết định đến số lứa đẻ/nái/năm của lợn nái. Khoảng cách lứa đẻ càng ngắn thì năng suất sinh sản lợn nái càng cao vì số lứa đẻ/nái/năm càng cao, nên số con sơ sinh và số con cai sữa nhiều dẫn đến hiệu quả kinh tế càng lớn. Giá trị thu được trong nghiên cứu này là 173,22 ngày. Vì vậy lợn MCTH có thể sinh sản 2,1lứa/năm. Giá trị này tương đương với kết quả của Giang Hồng Tuyến (2008) khi nghiên cứu trên nhóm lợn MC3000 qua 4 thế hệ (172,42 - 181,10 ngày) và thấp hơn kết quả khi nghiên cứu trên nhóm lợn MC15 qua 4 thế hệ (174,88 - 184,26 ngày). Kết quả này cao hơn 1,76 ngày so với kết quả nghiên cứu của Giang Hồng Tuyến (2003) với nhóm MC3000 (171,46 ngày) và 1,05 ngày so với nhóm MC15 (172,17 ngày). Điều này khẳng định sự khác nhau rõ rệt về đặc điểm của 3 nhóm lợn khác nhau.
Kết quả này thấp hơn kết quả của các tác giả như: của Lê Viết Ly (1999) từ 5,5 - 6 tháng, thấp hơn 4,37 ngày so với kết quả của Nguyễn Văn Thiện và cộng sự (1999) (177,59 ngày) và cao hơn 4,2 ngày so với kết quả của Nguyễn Văn Đức và cộng sự (2000) (169,02 ngày) khi nghiên cứu trên cùng giống Móng Cái. Giá trị này cao hơn giá trị về khoảng cách lứa đẻ trên lợn nái ngoại của Phùng Thị Vân và cộng sự (1999) (170,6 ngày) là 2,62 ngày, trên đàn lợn nái nuôi ở Pháp của Perrocheau (1994) (153,3 ngày) là 19,92 ngày. Khoảng cách lứa đẻ của lợn Móng Cái cao hơn so với lợn ngoại do khối lượng sơ sinh của lợn con thấp nên thời gian cai sữa kéo dài hơn so với lợn ngoại. Thông thường thời gian cai sữa của lợn Móng Cái là 45 ngày trong khi của lợn ngoại chỉ có 21 ngày.
Số con sơ sinh sống/ổ là chỉ tiêu quan trọng nhất quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn nái. Số con sơ sinh sống/ổ trong nghiên cứu này là 12,28 con. Kết quả này tương đương với kết quả của Giang Hồng Tuyến (2008) khi nghiên cứu trên nhóm lợn MC3000 qua 4 thế hệ (11,82 - 13,01 con) và cao hơn nhóm lợn MC15 qua 4 thế hệ (11,03 - 12,14 con). Nhưng thấp hơn 0,47 con so với kết quả nghiên cứu của Giang Hồng Tuyến (2003) với nhóm lợn MC3000 (12,75 con) và cao hơn 0,43 con so với số con sơ sinh sống/ổ của nhóm MC15 (11,85 con).
Giá trị số con sơ sinh sống/ổ trong nghiên cứu này phù hợp với kết quả công bố của Lê Viết Ly (1999) là 10 - 14 con. Nhưng cao hơn so với các nghiên cứu của các tác giả, cao hơn 1,34 con so với kết quả của Nguyễn Văn Đức (1997) (10,94 con), cao hơn 0,97 con so với kết quả của Nguyễn Văn Đức và Giang Hồng Tuyến (2000) (11,31con), so với kết quả của Lê Hồng Minh (2000) (11,10 con) cao hơn 1,18 con, cao hơn so với kết quả của Nguyễn Văn Nhiệm và cộng sự (2002) (9,48 - 10,05 con) và so với kết quả của Đặng Vũ Bình và Nguyễn Văn Thắng (2002) trên lợn Móng Cái phối với đực Pietrain (10,85 con) kết quả này cao hơn 1,43 con.
Với các giống lợn ngoại, kết quả này cao hơn nhiều, như của các tác giả Nguyễn Văn Thiện và cộng sự (1995) (9,38 con), cao hơn 2,9 con; Trần Thế Thông và cộng sự (1995) (9 - 9,8 con); Đoàn Xuân Trúc và cộng sự (2000) (9,76 con), cao hơn 2,52 con; Phùng Thị Vân và cộng sự (2001) (10,04 con), cao hơn 2,24 con; Tạ Thị Bích Duyên (2003) (9,49 - 9,9 con). Nguyên nhân này là do bản chất di truyền của lợn Móng Cái có khả năng sinh sản cao.
Số con cai sữa
Vì lợn Móng Cái có khối lượng sơ sinh thấp hơn lợn ngoại nên thời gian cai sữa dài hơn. Ngoài ra số con cai sữa còn phụ thuộc vào số con để lại nuôi/ổ. Số con cai sữa cụ thể trong nghiên cứu này là 9,75 con. Từ kết quả
này cho thấy số lợn con cai sữa của một nái sinh ra trong một năm của lợn MCTH là 20,48con.
Kết quả này cao hơn các kết quả nghiên cứu của Giang Hồng Tuyến trên 2 nhóm lợn MC3000 qua 4 thế hệ (9,45 - 9,64 con) và MC15 qua 4 thế hệ (9,32 - 9,60 con) (2008), cao hơn 0,29 con so với kết quả của Giang Hồng Tuyến (2003) khi nghiên cứu trên lợn MC3000 (9,46 con) và cao hơn 0,4 con so với nhóm MC15 (9,35 con), cao hơn kết quả của Nguyễn Văn Nhiệm và cộng sự (2002) (7,65 - 9,65 con), của Nguyễn Văn Đức (1997) (9,26 con), Đặng Vũ Bình và Nguyễn Văn Thắng (2002) (9,15 con) và cao hơn kết quả khi nghiên cứu trên lợn ngoại của Đoàn Xuân Trúc và cộng sự (2000), Phùng Thị Vân và cộng sự (2001) (8,11 - 9,2 con), Tạ Thị Bích Duyên (2003) (8,32 - 9,07 con).
Khối lượng sơ sinh/con
Khối lượng sơ sinh/con của nhóm MCTH trong nghiên cứu này đạt được là 0,52 kg/con. Kết quả này tương đối cao so với một số kết quả nghiên cứu trong nước nhưng so với lợn ngoại thì lợn Móng Cái vẫn có khối lượng sơ sinh nhỏ hơn. So với các kết quả nghiên cứu trước đây, kết quả này tương đương với kết quả nghiên cứu của Giang Hồng Tuyến (2008) trên nhóm lợn MC3000 qua 4 thế hệ (0,48 - 0,52 kg/con) nhưng thấp hơn khi nghiên cứu trên nhóm lợn MC15 qua 4 thế hệ (0,52 - 0,55 kg/con), cao hơn 0,01 kg so với kết quả nghiên cứu của Giang Hồng Tuyến (2003) trên nhóm lợn MC3000 nhưng tương đương với kết quả nghiên cứu trên nhóm lợn MC15. Điều này chứng tỏ rằng trong 3 nhóm lợn thì MC15 có khối lượng sơ sinh cao nhất.
Kết quả này phù hợp với các giá trị nghiên cứu trên lợn Móng Cái đã được công bố như, của Nguyễn Quế Côi (1996) (0,49 - 0,53 kg), Lê Viết Ly (1999) (0,45 - 0,5 kg), Nguyễn Văn Đức và cộng sự (2000) (0,51 kg), nhưng cao hơn kết quả của Nguyễn Văn Thiện và cộng sự (1999) (0,47 kg) là 0,05 kg.
Khối lượng cai sữa/con đạt 6,51 kg/con. Giá trị này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Giang Hồng Tuyến (2008) trên lợn MC3000 qua 4 thế hệ (5,79 - 6,32 kg) nhưng phù hợp với kết quả khi nghiên cứu trên nhóm MC15
qua 4 thế hệ (6,17 - 6,53 kg), cao hơn 0,48 kg đối với kết quả Giang Hồng Tuyến (2003) trên nhóm lợn MC3000 (6,03 kg), cao hơn 0,26 kg trên nhóm lợn MC15 (6,25 kg).
Kết quả này phù hợp với các kết quả đã công bố trước đây của Lê Viết Ly (1999) (6 - 7 kg), của Nguyễn Văn Nhiệm và cộng sự (2002) (5,31 - 6,72 kg), cao hơn kết quả của Nguyễn Văn Đức và cộng sự (2000) (5,93 kg) là 0,58 kg.
Hầu hết các sai số chuẩn (SE) của các tính trạng sinh sản của nhóm MCTH đều không cao, chứng tỏ mức độ ổn định của mỗi tính trạng là khá cao.
Từ kết quả nghiên cứu trên cho phép chúng tôi rút ra kết luận, khả năng sinh sản của nhóm lợn MCTH tương đương với nhóm MC3000 nhưng cao hơn nhóm MC15. Hơn nữa tuổi phối lần đầu và tuổi đẻ lứa đầu của nhóm MCTH
thấp hơn của nhóm MC3000 và nhóm MC15. Bên cạnh đó khả năng tăng khối lượng của nhóm MCTH cũng tương đương với nhóm MC15. Mặc dù khối lượng sơ sinh của nhóm MCTH có thấp hơn so với nhóm MC15 nhưng khối lượng cai sữa của 2 nhóm đồng đều nhau, chứng tỏ nhóm MCTH đã được lai tạo thành công và mang ưu thế của cả bố và mẹ về khả năng sinh sản và khả năng tăng khối lượng.