Ý nghĩa quan trọng của hoạt động rà soát, hệ thống hoá pháp luật là ở chỗ nó phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thật vậy, rà soát, hệ thống hoá là xem xét, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do các chủ thể có thẩm quyền ban hành nhằm phát hiện những văn bản, quy phạm trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, huỷ bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành. Vì vậy, rà soát, hệ thống hoá có tác dụng tạo cơ sở cho sự đổi mới về chất một số văn bản pháp luật, làm cho các văn bản đó được cải tiến so với các quy định trước đó, đồng thời tạo ra sự thống nhất, hài hoà giữa các văn bản sẽ được ban hành với hệ thống pháp luật hiện hành.
Do vậy, công tác rà soát, hệ thống hoá VBQPPL phải được tiến hành thường xuyên nhằm tập hợp, hệ thống hoá các quy định của pháp luật đảm bảo chính xác, đầy đủ, thống nhất thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng các quy định của pháp luật. Việc rà soát, hệ thống hoá VBQPPL có thể được tiến hành theo thời gian, theo từng chuyên đề phù hợp với từng đối tượng quản lý.
Như vậy, để các VBQPPL do HĐND, UBND ban hành bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống VBQPPL, đồng thời phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng, đòi hỏi HĐND, UBND các cấp không nhữg phải tiến hành đồng bộ các giải pháp nêu trên mà còn phải thực sự quan tâm và nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác soạn thảo, ban hành VBQPPL - một hình thức hoạt động cơ bản hữu hiệu của HĐND, UBND các cấp. Bên cạnh đó, phải tiến hành hoạt động ban hành VBQPPL theo đúng thẩm quyền, trình tự, quy trình mà pháp luật hiện hành quy định. Có như vậy, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND mới được nâng cao, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân.
Hoạt động xây dựng và ban hành VBQPPL của các cơ quan Nhà nước ở địa phương là một trong những công việc khó khăn và phức tạp, mang tính sáng tạo cao, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, kinh phí mà trước hết là các chủ thể ban hành phải có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Có thể thấy, thời gian qua với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng, HĐND và UBND các cấp đã ban hành được một khối lượng lớn VBQPPL với chất lượng cao đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa trong việc thi hành Hiến pháp và pháp luật cũng như động viên nhân dân tham gia thực hiện pháp luật, giữ vũng kỉ cương xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ và phát huy các quyền tự do, dân chủ của công dân cũng như thích ứng với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng đứng trước những đòi hỏi từ chính sự phát triển nội tại của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay cộng với các yêu cầu từ bên ngoài tác động vào, nhất là việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới, việc xây dựng một hệ thống VBQPPL hoàn chỉnh, khoa học, hợp lí đang trở thành vấn đề bức xúc và cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó, hoạt động xây dựng VBQPPL của HĐND và UBND các cấp luôn cần được nghiên cứu để đổi mới và hoàn thiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ; bảo đảm cho VBQPPL được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức và thủ tục, phù hợp với điều kiện phát triển khách quan của xã hội, của mỗi địa phương đồng thời có kĩ thuật pháp lý cao.
Trên cơ sở nêu nên thực trạng chung về ban hành VBQPPL của các cơ quan Nhà nước ở địa phương, người viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cáo chất lượng VBQPPL của các cấp chính quyền địa phương. Những giải pháp như trên đã nêu cần được mỗi cấp chính quyền địa phương quán triệt và thực hiện phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương vì mục tiêu phát triển đất nước trong thời kì đổi mới và hội nhập.