Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước ở địa phương

Một phần của tài liệu Thực trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước ở địa phương (Trang 44 - 46)

Những hạn chế trên đây trong hoạt động ban hành VBQPPL của các cơ quan Nhà nước ở địa phương là do rất nhiều nguyên nhân, có thể kể ra những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Trước hết, sự phối hợp trong soạn thảo văn bản còn chưa chặt chẽ, sự chủ động từ phía đơn vị chủ trì soạn thảo chưa cao nên hạn chế việc huy động tiềm năng, trí tuệ của tập thể cán bộ, công chức làm công tác xây dựng VBQPPL. Thành viên các Ban soạn thảo văn bản không tham dự đầy đủ các cuộc họp Ban soạn thảo thảo dẫn đến tình trạng thiếu thông tin hoặc không thống nhất được ý kiến về những vấn đề phức tạp.

Việc đề xuất xây dựng văn bản từ cấp cơ sở chưa đánh giá đúng điều kiện thực tế về các nguồn lực bảo đảm thực hiện, chưa cân đối giữa việc xây dựng văn bản với thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên trong năm; mặt khác các đơn vị chủ trì soạn thảo cũng chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc soạn thảo các văn bản, đề án đã được phê duyệt và đưa vào kế hoạch công tác.

Năng lực bám sát, hiểu biết đời sống kinh tế - xã hội của đội ngũ cán bộ xây dựng VBQPPL còn hạn chế. Một số cán bộ, công chức không quan tâm đến yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng chính sách. Công tác đánh giá tác động của dự thảo văn bản còn mang tính chủ quan, hình thức.

Thể chế về thẩm định VBQPPL chưa được hoàn thiện ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai nhiệm vụ được giao, các quy định của pháp luật về hoạt động thẩm định của cơ quan tư pháp địa phương đối với dự thảo VBQPPL còn nhiều bất cập, nhiều quy định của pháp luật chưa hợp lí, thiếu cụ thể.

Số lượng VBQPPL cần phải thẩm định ngày càng tăng, nội dung thẩm định đa dạng, phức tạp, một số văn bản đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều bộ, ngành, trong khi đó đội ngũ cán bộ làm công tác này ở các địa phương chưa được tăng cường một cách tương xứng cả về số lượng và chất lượng, nhất là kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức về các lĩnh vực chuyên môn ngoài chuyên ngành luật.

Một số cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản ở địa phương gửi hồ sơ thẩm định VBQPPL còn sai sót về thủ tục, thiếu các tài liệu trong hồ sơ theo quy định, dẫn đến việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định đôi khi trở nên hình thức. Nhiều địa phương chưa có cơ chế để cán bộ làm công tác thẩm định được tham gia quá trình soạn thảo văn bản ngay từ đầu; chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra và xử lý VBQPPL; chưa thường xuyên gửi văn bản đến cơ quan kiểm tra cũng như chưa kịp thời xem xét, xử lý theo quy định sau khi nhận được thông báo của cơ quan kiểm tra về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.

Một nguyên nhân cũng cần nói thêm, hiện nay các địa phương không có kinh phí dành riêng cho hoạt động xây dựng VBQPPL, khiến cho việc tuân thủ trình tự soạn thảo, thẩm định văn bản gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu khảo sát thực tế, đánh giá tình hình, nghiên cứu các tài liệu, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học phục vụ cho việc soạn thảo, thẩm định văn bản. Điều này gây khó khăn không nhỏ đến chất lượng soạn thảo VBQPPL của các cơ quan nhà nước ở địa phương.

Kết luận

Tóm lại, mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng hoạt động xây dựng VBQPPL của HĐND và UBND các cấp về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội bằng pháp luật, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước ở địa phương. Hệ thống VBQPPL do HĐND và UBND ban hành đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển ngày càng vững chắc của đất nước.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Thực trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước ở địa phương (Trang 44 - 46)