Từ 1987 - 1992, thành phố Hải Phòng chưa chú trọng công tác đầu tư trực tiếp nước ngoài, vấn đề này còn rất mới mẻ, chưa có kinh nghiệm.
Từ 1992, Thành uỷ Hải Phòng có Nghị quyết số 05/NQ-TU, về kinh tế đối ngoại. Sau khi có Nghị quyết này công tác hợp tác đầu tư nước ngoài ở Hải Phòng bắt đầu phát triển, khởi sắc. Nhất là từ năm 1996, sau khi Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi, cộng với các chính sách thông thoáng hơn của Đảng và Nhà nước ta nói chung cũng như Thành phố Hải Phòng nói riêng, công tác đầu tư nước ngoài ở Hải Phòng có nhiều tiến bộ.
Từ năm 1989 - 1997, Thành phố Hải Phòng đã thu hút được 86 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư là 1.495 triệu USD, trong đó riêng 2 năm 1996 - 1997 có hơn 30 dự án đầu tư, với tổng số vốn đầu tư trên 420 triệu USD, tăng bình quân năm so với thời kỳ này là 23,7%.
Đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết khó khăn về vốn đầu tư cho thành phố; đẩy nhanh quá trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; ứng dụng phương pháp quản lý mới; giải quyết việc làm cho người lao động; mở rộng công tác xuất, nhập khẩu.
Cơ cấu thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã ngày càng phù hợp hơn với mục tiêu và định hướng đặt ra là tăng tỷ trọng đầu tư vào công nghiệp và cơ sở hạ tầng, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Về ngành nghề của các dự án đang hoạt động thì lĩnh vực công nghiệp chiếm 58,6% số dự án và 54% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực hạ tầng chiếm 4,3% số dự án và chiếm 24% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực dịch vụ du lịch chiếm 18,6% về dự án và chiếm 15% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực thương mại chiếm 10% về số dự án và 5% về tổng số vốn đầu tư; lĩnh vực vận tải chiếm 8,6% về số dự án và chiếm 2% tổng vốn đầu tư.
Về hình thức đầu tư, dự án liên doanh chiếm 77,1% về số dự án và 94,81% tổng số vốn đầu tư; dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài, chiếm 20% về số dự án và 3,89% tổng vốn đầu tư; hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm 2,9% về số dự án và chiếm 1,3% tổng vốn đầu tư.
Trong 2 năm 1998 - 1999, cùng với cả nước đầu tư nước ngoài tại thành phố Hải Phòng có xu hướng chững lại và bắt đầu giảm sút, như vậy mục tiêu mỗi năm Hải Phòng thu hút khoảng 250 triệu USD trở lên sẽ khó thực hiện hơn.
Bài học mà thành phố Hải Phòng rút ra được là phải giảm bớt các thủ tục phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư; xây dựng nhiều khu chế xuất mới, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; tích cực tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ chế, chính sách… cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động.