- Triết học Hy lạp cổ đại khi lý giải về con người mặc dù mới chỉ dừng lại những hiểu biết bên ngoài về tồn tại con người nhưng đã có sự phân biệt con ngườ
3. Vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử
3.1. Khái niệm quần chúng nhân dân
Khái niệm quần chúng nhân dân được xác định bởi các nội dung sau đây: - Là những người lao động sản xuất ra của cải vật chất và những giá trị tinh thần. Đây là thành tố hạt nhân của quần chúng nhân dân.
- Những bộ phận dân cư chống lại giai cấp thống trị áp bức, bóc lột, đối kháng với nhân dân.
- Những giai cấp, những tầng lớp xã hội thúc đẩy sự tiến bộ xã hội thông qua hoạt động của mình, trực tiếp hoặc gián tiếp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những nội dung này cho thấy:
+ Quần chúng nhân dân là lực lượng dân cư đông đảo có chung lợi ích căn bản. Bao gồm những thành phần, những tầng lớp và những giai cấp liên kết lại
thành tập thể dưới sự lãnh đạo của một cá nhân hay một tổ chức nhằm thực hiện lợi ích và mục đích của mình ở một thời đại nhất định.
+ Lịch sử luôn vận động và biến đổi, mỗi thời đại có nhiệm vụ riêng của nó nên khái niệm quần chúng nhân dân cũng vận động và biến đổi theo sự phát triển của lịch sử - xã hội.
3. 2. Vai trò của quần chúng nhân dân
Các học thuyết và các trào lưu tư tưởng trước Mác đã không hiểu đúng đắn vai trò của quần chúng nhân dân.
Tư tưởng tôn giáo cho rằng mọi sự thay đổi trong xã hội là do ý chí của đấng tối cao đã được các cá nhân thực hiện.
Chủ nghĩa duy tâm đặc biệt đề cao vai trò của các vĩ nhân, xem quần chúng nhân dân là công cụ, phương tiện để vĩ nhân thực hiện mục đích của mình.
Chủ nghĩa duy vật tuy không tin vào Thượng đế, thần linh nhưng khi giải thích các hiện tượng xã hội lại sa vào chủ nghĩa duy tâm. Không ít nhà duy vật cho rằng nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội là tư tưởng, đạo đức và do các vĩ nhân sớm nhận thức được chân lý vĩnh cửu.
Tuy vậy, cũng có những nhà duy vật đề cao vai trò của quần chúng nhân dân nhưng lại phủ nhận hoàn toàn vai trò của vĩ nhân do không nhận thức được một cách khoa học vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chứng minh một cách khoa học vai trò của quần chúng nhân dân và khẳng định: quần chúng nhân dân là người sángtạo chân chính của lịch sử.
Vai trò của quần chúng nhân dân thể hiện ở ba nội dung sau:
1- Quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, là cơ sở của tồn tại và phát triển của xã hội.
Con người muốn tồn tại phải có điều kiện vật chất cần thiết, những nhu cầu đó chỉ có thể đáp ứng được thông qua sản xuất. Lực lượng sản xuất cơ bản là đông đảo quần chúng nhân dân lao động bao gồm cả lao động chân tay và lao động trí óc. Cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Song, vai trò của khoa học chỉ có thể phát huy thông qua thực tiễn sản xuất của quần chúng nhân dân lao động, nhất là đội ngũ công nhân hiện đại và trí thức trong nền sản xuất xã hội, của thời đại kinh tế tri thức.
2- Quần chúng nhân dân là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội
Trong các cuộc cách mạng vĩ đại làm thay đổi từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác, quần chúng nhân dân tham gia đông đảo, tự giác, tích cực thì cách mạng mới có thể giành thắng lợi. Cách mạng là ngày hội của quần chúng, là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp riêng của một số cá nhân.
Lịch sử đã chứng minh rằng trong mọi cuộc cách mạng quần chúng nhân dân đều là lực lượng cơ bản. Nguyên nhân của mọi cuộc cách mạng, xét đến cùng, là bắt đầu từ sự phát triển của lực lượng, dẫn đến mâu thuẫn với quan hệ sản xuất. Nghĩa là từ hoạt động sản xuất vật chất của quần chúng nhân dân.
Vì vậy, quần chúng nhân dân là chủ thể của các quá trình kinh tế, chính trị, xã hội, đóng vai trò là động lực cơ bản của cách mạng.
3- Quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần.
Quần chúng nhân dân đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của khoa học, nghệ thuật, văn học, đồng thời áp dụng những thành tựu đó vào trong hoạt động thực tiễn.
Những sáng tạo của quần chúng nhân dân vừa là cội nguồn, vừa là điều kiện để thúc đẩy sự phát triển nền văn hóa tinh thần của các dân tộc trong mọi thời đại. Hoạt động thực tiễn của quần chúng nhân dân là nguồn cảm hứng vô tận cho mọi sáng tạo tinh thần trong đời sống xã hội. Và các giá trị tinh thần chỉ có thể trường tồn khi được quần chúng nhân dân chấp nhận và truyền bá để trở thành giá trị phổ biến.
Tóm lại: xét từ kinh tế đến chính trị, từ hoạt động vật chất đến hoạt động tinh thần, quần chúng nhân dân luôn đóng vai trò quyết định trong lịch sử nhưng vai trò đó trong từng thời kỳ cụ thể không giống nhau. Vai trò ấy được phát huy cao độ một khi đông đảo quần chúng thoát khỏi sự trói buộc của những tư tưởng phản động, phản khoa học, những tập quán lạc hậu và được giác ngộ những tư tưởng khoa học và cách mạng. Vì vậy, chỉ có chủ nghĩa xã hội, quần chúng nhân dân mới có đủ điều kiện phát huy tài năng và sự sáng tạo của mình.
Lịch sử dân tộc Việt Nam là thực tiễn sinh động chứng minh vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Phát huy giá trị truyền thống, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và quan điểm "lấy dân làm gốc". Đó là cội nguồn sức mạnh và là mục đích của Đảng cộng sản Việt Nam ./.