VII. HÌNH THÁI KINH TẾ-XÃ HỘ
1. Các yếu tố tất yếu của sản xuất và đời sống
1.1. Hoàn cảnh địa lý
Hoàn cảnh địa lý hay điều kiện của tự nhiên là một bộ phận của giới tự nhiên có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự tồn tại và phát triển của xã hội. Hoàn cảnh địa lý bao gồm: môi trường, hệ sinh thái, thời tiết, khí hậu, các nguồn tài nguyên v.v..
Xã hội là một hệ thống tự điều khiển bằng những quy luật đặc thù của mình, song điều đó không có nghĩa rằng xã hội có thể tồn tại biệt lập với tự nhiên. Hoàn cảnh địa lý là yếu tố thường xuyên tất yếu của sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến việc tổ chức phân công lao động và phân bố lực lượng sản xuất. Tự nhiên có thể tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn cho sản xuất, do đó ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Ở những trình độ khác nhau của xã hội, mức độ ảnh hưởng của tự nhiên đối với xã hội cũng khác nhau.
Trong quá trình phát triển của xã hội, mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội ngày càng được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Tự nhiên tác động vào xã hội hoàn toàn mang tính chất tự phát, còn xã hội tác động vào tự nhiên là sự tác động có ý thức của con người.
Ngày nay, vấn đề hoàn cảnh địa lý, môi trường sinh thái đang là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì sự phát triển bền vững đang là một yêu cầu bức bách của xã hội hiện đại.
Sự tác động của con người có thể làm cho tự nhiên biến đổi theo hai hướng. Nếu con người tác động vào tự nhiên theo đúng quy luật của nó thì làm cho tự nhiên ngày càng phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đời sống con người. Ngược lại, nếu con người chỉ biết khai thác những cái sẵn có trong tự nhiên một cách bừa bãi, không tác động theo đúng quy luật của tự nhiên thì làm cho tự nhiên ngày càng nghèo nàn đi, sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ và tự nhiên sẽ “trả thù” lại con người.
Điều kiện tự nhiên là yếu tố thường xuyên tất yếu, nhưng không giữ vai trò quyết định sự phát triển xã hội.
Phê phán những quan điểm duy tâm, phản động của thuyết địa lý chính trị, coi hoàn cảnh địa lý là nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội, quyết định trình độ văn minh và vận mệnh của các dân tộc.
1.2. Dân số
Dân số và sự tồn tại, phát triển của xã hội là hai vấn đề không tách rời nhau. Dân số, số lượng dân cư, tốc độ tăng dân số, việc phân bố dân cư là điều kiện thường xuyên, tất yếu của sự phát triển xã hội.
Vấn đề dân số diễn ra theo quy luật tự nhiên, mặt khác nó bị điều chỉnh bởi quy luật xã hội, chịu sự tác động tích cực của chế độ xã hội và của phương thức sản xuất.
Số lượng và mật độ dân cư ảnh hưởng đến nguồn lao động, đến tổ chức phân công lao động xã hội.
Tốc độ tăng dân số cũng ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội.
Vấn đề dân số ngày nay đang là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải tích cực giải quyết vấn đề này một cách tự giác và khoa học.
Phê phán học thuyết Man-tuýt về dân số của một số học giả tư sản, họ cho rằng chiến tranh và bệnh dịch là tất yếu để giải quyết mâu thuẫn giữa việc dân số tăng theo cấp số nhân, còn của cải làm ra tăng theo cấp số cộng.
1.3. Phương thức sản xuất - yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội
Phương thức sản xuất là cách thức mà con người dùng để làm ra của cải vật chất cho xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Theo cách đó, con người có những quan hệ với tự nhiên và quan hệ với nhau trong sản xuất. Hay nói cách khác, phương thức sản xuất là sự thống nhất giữa hai mặt, là lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Phương thức sản xuất là yếu tố quyết định tính chất, kết cấu của xã hội, quyết định sự vận động và phát triển của xã hội.