NHÀ NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG

Một phần của tài liệu Đề cương ôn tập Học phần triết học Mác -lê nin (Trang 46 - 47)

1. Nguồn gốc và bản chất nhà nước

Nhà nước là bộ máy quyền lực của giai cấp thống trị nhằm duy trì sự thống trị về kinh tế và tư tưởng và đàn áp các giai cấp khác.

1.1. Nguồn gốc nhà nước

Trong nhiều tác phẩm, tập trung nhất là các tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước”, “Nhà nước và cách mạng, chủ nghĩa Mác về vấn đề Nhà nước”... các nhà kinh điển đã chứng minh rằng không phải khi nào xã hội cũng có nhà nước.

Trong xã hội cộng sản nguyên thủy không có nhà nước. Phù hợp với lực lượng sản xuất thấp kém là chế độ sở hữu cộng đồng nguyên thủy về tư liệu sản xuất. Quyền lực của người đứng đầu thị tộc, bộ lạc dựa vào sức mạnh đạo đức và uy tín. Quyền hành và chức năng của cơ quan lãnh đạo trong thời kỳ đó chưa mang tính chính trị. Thể chế xã hội trong thời kỳ cộng sản nguyên thủy là thể chế tự quản nhân dân.

Do lực lượng sản xuất phát triển, sự ra đời của chế độ tư hữu và phân chia xã hội thành giai cấp, xã hội cộng sản nguyên thủy tan rã, xã hội chiếm hữu nô lệ ra đời trong xã hội phân chia thành những giai cấp đối lập nhau: giai cấp chủ nô và giai cấp nô lệ.

Cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp đối kháng lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử là chủ nô và nô lệ, dẫn tới nguy cơ tiêu diệt cả hai giai cấp và tiêu diệt cả xã hội. Để thảm họa đó không diễn ra, một cơ quan quyền lực đặc biệt đã ra đời. Đó là nhà nước.

Như vậy, nhà nước ra đời là do mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, không thể điều hòa được, giai cấp bóc lột không thể duy trì địa vị bóc lột, nếu không dựa vào bộ máy bạo lực mà bộ phận chủ yếu của nó là những đội võ trang đặc biệt dùng để trấn áp giai cấp bị bóc lột.

Khi đề cập đến nguyên nhân xuất hiện nhà nước, V.I. Lênin nhận định: “Nhà nước là sản phẩm biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được”1.

Nhà nước ra đời là từ mâu thuẫn giai cấp không điều hòa được; nhà nước nô lệ, nhà nước phong kiến, nhà nước tư bản. Trong tương lai, xã hội cộng sản chủ nghĩa, không còn giai cấp, không còn mâu thuẫn giai cấp, nhà nước sẽ không tồn tại.

Ở những nước, sau khi cuộc cách mạng vô sản thành công, nhà nước vô sản ra đời, nó là công cụ để giai cấp vô sản và nhân dân lao động tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới; tạo ra những điều kiện chín muồi để bước vào xã hội cộng sản chủ nghĩa không còn giai cấp, nhà nước sẽ tự tiêu vong.

1.2. Bản chất của nhà nước

Nhà nước, một tổ chức bạo lực chuyên dùng để trấn áp giai cấp bị bóc lột, nếu không có nhà nước giai cấp thống trị không thể duy trì được ách áp bức, bóc lột của mình đối với giai cấp bị trị.

Sự ra đời của nhà nước là một tất yếu khách quan để làm “dịu” sự xung đột giai cấp; để làm cho sự xung đột diễn ra trong vòng “ trật tự” nhằm duy trì chế độ kinh tế, trong đó giai cấp này bóc lột giai cấp khác.

Nhà nước ra đời trên cơ sở tính tất yếu khách quan của xã hội, nhưng lực lượng lập ra và sử dụng bộ máy nhà nước phải là giai cấp có thế lực nhất- giai cấp thống trị về mặt kinh tế. Nói cách khác, nhà nước là tổ chức chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế nhằm bảo vệ trật tự hiện hành và đàn áp sự phản kháng của giai cấp khác.

Nhờ có nhà nước, giai cấp thống trị về kinh tế trở thành giai cấp thống trị về chính trị và do đó, có thêm những phương tiện mới (phương tiện kép) để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức. “Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác”. Luận điểm trên của Ph. Ăngghen làm nổi bật bản chất của nhà nước.

Nhà nước chỉ là công cụ chuyên chính của một giai cấp, do đó, không có và không thể có nhà nước đứng trên các giai cấp, hoặc nhà nước chung cho nhiều giai cấp.

Thực tế lịch sử mang lại nhiều bằng chứng nói lên rằng, dù được che giấu dưới hình thức tinh vi như thế nào, dù có bị khúc xạ qua những lăng kính hết sức phức tạp, nhà nước trong mọi xã hội có giai cấp đối kháng cũng chỉ là công cụ bảo vệ lợi ích cơ bản của giai cấp thống trị, như Ph. Ăng ghen nhận xét, điều đó, trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ.

1

Một phần của tài liệu Đề cương ôn tập Học phần triết học Mác -lê nin (Trang 46 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(61 trang)