Văn hóa đời sống

Một phần của tài liệu Tổng hợp kiến thức về Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 55 - 56)

I. QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ

c.Văn hóa đời sống

Việc xây dựng đời sống mới đã được Hồ Chí Minh nêu từ rất sớm, khi vấn đề lối sống, nếp sống, phong cách sống, chất lượng cuộc sống chưa được bàn rộng rãi ở các nước.

Văn hóa là bộ mặt tinh thần của xã hội, được thể hiện ra ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, rất dễ hiểu, rất dễ thấy. Đó chính là văn hóa đời sống. Gắn việc xây dựng nền văn hóa mới với xây dựng đời sống mới thực sự là một cách nhìn, một giải pháp rất độc đáo của Hồ Chí Minh.

Thực chất của văn hoá đời sống là đời sống mới với ba nội dung: đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới. Ba nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó đạo đức mới giữ vai trò chủ yếu. Bởi vì, chỉ có thể dựa trên một nền đạo đức mới, thì mới xây dựng được lối sống mới và nếp sống mới. Đến lượt mình, đạo đức mới cũng chỉ có thể thể hiện trong lối sống và nếp sống.

- Đạo đức mới: để xây dựng đời sống mới, trước hết phải xây dựng đạo đức mới. Hồ Chí Minh đã đề nghị “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”. Người đã nhiều lần khẳng định: “Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”, “Nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho đời sống mới”.

- Lối sống mới: sống có lý tưởng, có đạo đức. Đó còn là lối sống văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hoà truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại. Đế xây dựng lối sống mới, Hồ Chí Minh yêu cầu phải sửa đổi “cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại” - theo ngôn ngữ hiện nay thì đây chính là phong cách sống và phong cách làm việc, gọi chung là lối sống mới.

- Nếp sống mới: xây dựng nếp sống mới - nếp sống văn minh là quá trình làm cho lối sống mới dần dần trở thành thói quen, thành phong tục tập quán tốt đẹp, kế thừa và phát triển, những thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc. Cải tạo những phong tục tập quán cũ, lạc hậu, bổ xung những cái mới, tiến bộ. Phải làm gương.

Hồ Chí Minh khuyến cáo: “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen, người ta cho là thường”. Vì vậy, phải nâng cao nhận thức, phải phấn đấu kiên trì mới có thể xây dựng được những thói quen, phong tục tập quán mới, thực hiện đời sống mới.

“Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm”.

Xây dựng đời sống văn hóa mới, nhằm biến Việt Nam từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu trở thành một quốc gia văn minh và phú cường là một công việc lâu dài và phải có phương pháp tốt. Công việc đó đòi hỏi sự quyết tâm của cả cộng đồng dân tộc, song trước hết phải được bắt đầu từ mỗi con người, mỗi gia đình, với tư cách là một tế bào của xã hội.

Một phần của tài liệu Tổng hợp kiến thức về Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 55 - 56)