Sản phẩm của Công ty đa số đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại. Nhưng trong quá trình sản xuất kinh doanh Công ty vẫn luôn phải đối mặt với việc làm nhái sản phẩm của Công ty từ các đối thủ cạnh tranh. Điển hình là dòng kẹo Chew của Công ty, mặc dù đã được đăng ký với cục sở hữu trí tuệ nhưng vẫn bị làm nhái gây hậu quả nghiêm trọng đến uy tín của Công ty. Vào năm 2006, sản phẩm kẹo Chew Taro của Công ty đã bị Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Châu vị phạm bản quyền kiểu dáng công nghiệp. Như ta đã biết Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu là một doanh nghiệp có uy tín nhưng qua hành động này thì Hải Châu không những tự đánh mất mình mà còn làm ảnh hưởng lớn tới Hải Hà.
Hình 4: Chew Taro của Hải Hà và Hàng Nhái.
(Sản phẩm CHEW TARO do Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà sản xuất ở bên phải và sản phẩm do Công ty Cổ phần Hải Châu sản xuất ở bên trái)
Vào tháng 7/2006 trên thị trường xuất hiện dòng kẹo tương tự dòng kẹo Chew Taro Hải Hà, bán với giá rẻ hơn và gây nhiều thắc mắc cho khách hàng. Điều này đã dẫn tới sau một thời gian doanh số bán của sản phẩm có dấu hiệu chững lại. Qua tìm hiểu Công ty đã phát hiện ra đó là sản phẩm do Hải Châu sản xuất. Không những vậy, với mẫu mã tương tụ và khối lượng tịnh thấp hơn (90g so với 105g của Hải Hà),
sản phẩm của Hải Châu đưa vào thị trường với giá rẻ giá bán rẻ hơn tới 650 đồng/gói (2.300 đồng/ gói với 2950 đồng/ gói).
Trước thời điểm Chew Taro của Hải Hà bị Hải Châu làm nhái hơn một năm, vào ngày 5/1/2005, Công ty bánh kẹo Thủ Đô dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng đã phải tiêu huỷ số lượng lớn bao bì, nhãn mác sản phẩm dễ gây nhầm lẫn với sản phẩm của Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà cũng với sản phẩm kẹo Chew Taro. Cùng với việc tiêu huỷ số bao gói trên thì Công ty bánh kẹo Thủ Đô đã phải nộp phạt 12 triệu đồng tiền vi phạm hành chính và phải thay đổi nhãn mác vi phạm.
Trước tình hình này Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà đã phối hợp chặt chẽ với cục sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi của mình. Với những nỗ lực của mình Công ty đã giành chiến thắng và buộc đối thủ cạnh tranh từ bỏ ý định vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của mình.
Sau quá trình điều tra về việc vi phạm của Hải Châu cục sở hữu trí tuệ đã khẳng định: “Việc sử dụng, sản xuất và buôn bán bao gói kẹo chew của Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Châu là không được phép của chủ kiểu dáng công nghiệp là Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà và không có quyền sử dụng trước với kiểu dáng công nghiệp là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ”.
Theo anh Nguyên, người chuyên trách về vấn đề thương hiệu của Công ty thì việc Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Châu sản xuất, kinh doanh sản phẩm kẹo Chew taro là hành vi vi phạm bản quyền đối với sản phẩm kẹo “Chew taro Hải Hà”, hành vi này gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới uy tín cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà. Mặt khác, cơ quan pháp luật phải có chính sách bảo vệ cho các sản phẩm đã được bảo hộ độc quyền, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bởi vi suy cho cùng doanh nghiệp không thể tự mình tìm hiểu và ngăn chặn được hết những hành vi cạnh tranh không lành mạnh như trên.
Hình 5: Sản phẩm kẹo Chew taro của Hải Châu sau khi phải thay đổi kiểu dáng bao bì:
Hiện nay Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Châu đã phải thay đổi kiểu dáng mẫu mã sản phẩm sau những nỗ lực bảo vệ của Hải Hà. Điều này cho thấy việc đấu tranh chống lại hàng nhái của Công ty đã đạt được những kết quả nhất định, song Công ty không nên chủ quan mà cần quan tâm đến hoạt động này nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó cần kết hợp tốt với các cơ quan chức năng để giúp sức và đồng thời tạo sự tin tưởng cao đối với người tiêu dùng qua việc cung cấp sản phẩm chính hiệu.