Mỗi ngành nghề khi có được sự hậu thuẫn của Nhà nước đều có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, nội lực mới là yếu tố quyết định cho sức cạnh tranh của ngành. Nội lực đó nằm trong bản thân các doanh nghiệp. Để tăng sức mạnh của ngành, hơn ai hết các doanh nghiệp cần củng cố, kiện toàn lại bộ máy sản xuất của mình, có các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp trong công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cũng không nằm ngoài quy luật đó.
3.2.3.1. Phát triển nguồn vốn
Các doanh nghiệp không nên ỷ lại, trông chờ vào nguồn ngân sách rót xuống của Nhà nước mà nên tích cực tìm kiếm các nguồn vốn để chủ động sản xuất và đầu tư mở rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Các doanh nghiệp nên đa dạng nguồn vốn đầu tư đồng thời đa sở hữu các nguồn vốn đầu tư.
Doanh nghiệp cần huy động mọi nguồn lực tự có trong công ty như nguồn quỹ khấu hao cơ bản, vốn có được bằng việc bán, cho thuê các tài sản không dùng đến, giải phóng hàng tồn kho, huy động từ các cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp, thậm chí từ quỹ hưu trí của các cán bộ công nhân viên về hưu.
Bên cạnh đó cần kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu từ kênh thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, do nguồn vốn chỉ chảy về nới có tỷ suất lợi nhuận cao nên các doanh nghiệp phải đặc biệt xem xét, cân nhắc việc phân chia cổ tức để vừa hấp dẫn các nhà đầu tư, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Một số công ty cổ phần của Vinatex đã chia cổ tức 12%/năm, thậm chí có một số công ty chia cổ tức 15-27%. Đây cũng là một tỷ lệ mà các doanh nghiệp nên tham khảo[7].
Khi đã thu hút được một lượng vốn đầu tư nhất định, các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc đối với danh mục đầu tư. Các doanh nghiệp không nên đầu tư ồ ạt vào sản xuất tất cả các mặt hàng, mà nên chuyên môn hóa một vài sản phẩm là thế mạnh của doanh nghiệp mình.
3.2.3.2. Phát triển nguồn nhân lực
Các doanh nghiệp cũng nên đóng vai trò chủ động đối với việc phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp mình. Bên cạnh những chính sách thu hút lao động hợp lý, các doanh nghiệp nên phải biết “giữ chân” được lao động giỏi trong doanh nghiệp bằng những chính sách ưu đãi cụ thể tùy theo đặc điểm từng doanh nghiệp và bằng văn hóa doanh nghiệp của đơn vị mình. Vì hiện nay người lao động không chỉ quan tâm đến chế độ lương bổng mà họ còn thực sự chú trọng đến môi trường làm việc, đến văn hóa của công ty mình. Các doanh nghiệp có thể tham khảo một số giải pháp như sau:
- Các doanh nghiệp nên liên kết với các trung tâm đào tạo để có chiến lược đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mình. Nên đầu tư một số quỹ học bổng để khuyến khích sinh viên nỗ lực rèn luyện ngay từ khi đang ngồi trên giảng đường, đồng thời tạo các cơ hội thực tập, kiến tập tại các cơ sở sản xuất nhằm giúp sinh viên có những kiến thức thực tế.
- Có các chính sách thu hút lao động hợp lý, tạo ra các ưu đãi đối với người lao động về lương thưởng, giờ làm, chăm sóc sức khỏe, thai sản, có tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
- Tổ chức các cuộc thi tay nghề giỏi trong doanh nghiệp để người lao động có cơ hội chứng tỏ năng lực của mình, đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong toàn doanh nghiệp.
- Chủ động thuê các chuyên gia nước ngoài về đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật cho các lao động trong doanh nghiệp.
3.2.3.3. Phát triển công nghệ
Công nghệ là yếu tố sống còn trong việc sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho ngành dệt may, vì phần lớn các sản phẩm này đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao.
- Các doanh nghiệp nên mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, xem chất lượng sản phẩm là trọng tâm của đổi mới công nghệ. Tuy như thế có thể làm gia tăng giá thành sản phẩm, nhưng so với các sản phẩm nhập khẩu đồng loại với chất lượng tương đương, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ trong nước vẫn có thể cạnh tranh được vì chi phí vận chuyển, môi giới thấp hơn.
- Các doanh nghiệp nên tích cực tham gia các triển lãm hội chợ quốc tế để có thể giao lưu học hỏi các nhà cung cấp thiết bị công nghệ tại các nước tiên tiến.
- Các doanh nghiệp nên đứng ra tổ chức hoặc tài trợ các cuộc thi thiết kế máy móc, công nghệ.
3.2.3.4. Phát triển thị trường
Mỗi doanh nghiệp tùy theo đặc điểm của mình, phải xây dựng một chiến lược thị trường với 3 nội dung cụ thể: sản xuất mặt hàng nào, bán cho ai, các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc thị trường của mình là ai và phải làm gì để cạnh tranh với họ.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất phụ kiện may, đối thủ cạnh tranh đối với các sản phẩm phụ kiện may như khóa kéo, khuy, nút... chủ yếu đến từ Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan. Vậy các doanh nghiệp sản xuất phụ kiện may phải đối phó như thế nào? Một thuận lợi của các doanh nghiệp này là vị trí địa lý gần gũi với các doanh nghiệp may xuất
khẩu nên có thể giao hàng nhanh, đúng tiến độ, đồng thời nhanh chóng nhận được phản hồi từ đối tác để có những xử lý kịp thời. Ngoài ra, cước vận tải thấp hơn, không phải thực hiện thủ tục và chi phí hải quan... nên có thể đề ra mức giá cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp nên cạnh tranh bằng chất lượng, với các sản phẩm có chất lượng tương đồng thì hàng Việt Nam chắc chắn sẽ có lợi thế hơn.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất máy móc trang thiết bị dệt may, hiện nay do trình độ kỹ thuật chưa thể so sánh được với các doanh nghiệp nước ngoài có trình độ cao, thì nên có chiến lược tập trung vào các cơ sở xuất dệt may nhỏ lẻ, là vệ tinh cho các công ty may mặc lớn. Cụ thể, hiện nay hệ thống máy móc ở các làng nghề truyền thống đang rất lạc hậu, kém hiệu quả, trong khi các hộ sản xuất thủ công ở đây không đủ điều kiện nhập khẩu máy móc tốt, năng suất lao động cao nhưng giá cả cũng rất đắt đỏ từ nước ngoài. Do đó các doanh nghiệp nên tập trung nghiên cứu sản xuất máy móc cho các đối tượng tiêu thụ này.
Các doanh nghiệp cần có chiến lược quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, giới thiệu rộng rãi đơn vị của mình với các doanh nghiệp dệt may trong nước. Tích cực tham gia vào trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu dệt may, luôn lấy chất lượng và giao hàng đúng hạn làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình, nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong ngành và trong lĩnh vực dệt may.
3.2.3.5. Phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp cũng nên tạo ra mối liên kết trong ngành. Cụ thể, cùng hợp tác phát triển một số lĩnh vực trong ngành. Đặc biệt các doanh nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng nên có sự liên kết, hỗ trợ nhau cùng tham gia cung ứng sản phẩm cho một đơn hàng lớn, không nên giành giật đơn hàng
về doanh nghiệp mình bằng việc hạ thấp giá sản phẩm, vừa gây bất lợi cho doanh nghiệp, vừa gây bất lợi cho toàn ngành.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều làng nghề với các hộ gia đình sản xuất thủ công, các doanh nghiệp nên liên kết, hợp tác với các cơ sở sản xuất này để có thể giải quyết các lô hàng lớn, kịp tiến độ giao hàng. Như vậy các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có thể trở thành vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn trong ngành.
3.2.3.6. Nâng cao quản lý doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm
Đây là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp cần có một đội ngũ quản trị giỏi với phương pháp quản lý chất lượng sản phẩm hợp lý. Đối với đội ngũ quản lý, các doanh nghiệp cần giao quyền lợi và trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể cho họ, có các chính sách thưởng phạt đúng đắn, kịp thời.
Đối với biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, khi xóa bỏ hạn ngạch, có thể các nước sẽ bảo hộ nền sản xuất trong nước bằng các biện pháp tinh vi hơn như các quy định khắt khe về môi trường, lao động, trách nhiệm xã hội. Do đó, các doanh nghiệp không những áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 9000 mà cần áp dụng cả ISO 14000 và SA 8000 để sản phẩm của doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn đứng vững và phát triển trên thị trường thế giới trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xây dựng một mạng lưới thông tin điều hành nhằm nâng cao hiệu quả của việc điều hành và quản lý doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là phải tổ chức quản lý. Với các doanh nghiệp tư nhân, họ làm điều này đơn giản hơn vì cơ chế của họ linh
hoạt. Nhưng với các doanh nghiệp nhà nước, điều này khá khó khăn vì đại bộ phận vẫn quản lý theo quán tính bao cấp.
Để cải thiện tình trạng này, có hai việc mà ngành dệt phải tiến hành là làm thế nào để giảm giá thành và để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, giao hàng đúng tiến độ. Đặc biệt là có thể chấp nhận sản xuất những lô hàng có đơn đặt hàng nhỏ, ví dụ như 200m, 500m. Nếu các nhà máy dệt Việt Nam làm được điều đó thì chúng ta có thể chiếm ưu thế kể cả so với nguồn vải từ Trung Quốc.
Với các nhà máy dệt nhà nước, cần tái cơ cầu mô hình quản lý các nhà máy dệt, tăng chuyên môn hoá, hợp tác hoá trong ngành dệt. Có thể chuyển một số dây chuyền từ nhà máy dệt này sang nhà máy dệt khác, làm sao để mỗi nhà máy có một sản phẩm cạnh tranh riêng.
Như vậy, xét theo mô hình của Micheal Porter, thực trạng công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm hạn chế dẫn tới khả năng cạnh tranh yếu, năng lực sản xuất của ngành chưa cao và chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp dệt may và chưa thể cạnh tranh được với sản phẩm của nước ngoài. Tuy nhiên với các thuận lợi về cơ hội sản xuất kinh doanh, các giải pháp đồng bộ, thích hợp Chính phủ, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Hiệp hội, sự nỗ lực của doanh nghiệp, chúng ta có quyền hi vọng công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam sẽ có những bước tiến dài trong thời gian tới, một khi ngành có được những bước đi phù hợp.
KẾT LUẬN
Trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành dệt may, Việt Nam chỉ mới tham gia chủ yếu vào khâu gia công sản phẩm cuối cùng với giá trị gia tăng rất thấp. Do đó, việc thâm nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu này là hết sức cần thiết để ngành dệt may phát huy hơn nữa vai trò trong nền kinh tế.
Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam là một ngành công nghiệp non trẻ, đang trong giai đoạn tạo dựng hình hài nhưng lại có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế là ngành dệt may. Có thể nói công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may có vai trò tạo lực đẩy để ngành công nghiệp dệt may có thể phát triển nhanh, phát triển mạnh và phát triển bền vững. Trong những năm qua, vì các điều kiện khách quan và chủ quan mà Việt Nam hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, điều này đã gây ra một tác động hết sức sâu sắc đối với ngành dệt may Việt Nam. Tuy ngành dệt may đã không ngừng lớn mạnh, luôn thuộc nhóm 2 ngành công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất nhưng đây cũng là một trong những ngành có thế đứng “chông chênh” nhất khi kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là từ gia công và phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu của nước ngoài. Do đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may là một đòi hỏi cấp bách của thực tiễn hiện nay, bởi đây cũng chính là chìa khóa để ngành dệt may Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để làm được việc này, đòi hỏi sự nỗ lực của cả 3 cấp: Nhà nước, Hiệp hội và Doanh nghiệp. Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao các yếu tố đầu vào, thúc đẩy các chiến lược, cơ cấu và môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, phát triển các ngành công nghiệp có liên quan và phát triển thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. Hiệp hội tăng cường vai trò trao đổi và cung cấp thông tin, tư vấn và xúc
tiến thương mại, thay mặt các hội viên khuyến nghị với Nhà nước về những chính sách vĩ mô liên quan đến ngành. Doanh nghiệp cũng phải chủ động phát triển công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực, tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Phát triển thành công và bền vững công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may là yếu tố chủ chốt để củng cố và thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam. Với chiến lược và định hướng phát triển đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, sự hỗ trợ nhiệt tình của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cộng với nỗ lực bền bỉ của cộng đồng doanh nghiệp họat động trong lĩnh vực dệt may, việc đề xuất và thực hiện tốt các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam sẽ góp phần tạo dựng một ngành công nghiệp hỗ trợ vững mạnh, là lực đẩy cho công nghiệp dệt may cất cánh, tăng phần giá trị “made by Vietnam” trong chuỗi giá trị toàn cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tiếng Việt
1. Lê Quốc Ân (2006), “Vào WTO, dệt may Việt Nam chưa thể cất cánh”, http: //www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Duong-vao-WTO/2006/02/
B9E705A/
2. Nguyễn Lương Bằng (2005), “Sản phẩm dệt may Việt Nam trong cuộc chiến trên sân nhà: Bây giờ hoặc không bao giờ”, http://irv.moi.gov.vn/ News/PrintView.aspx?ID=14296
3. Bộ Công nghiệp - Tập đoàn dệt may Việt Nam (2005), Quy hoạch phát triển
ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010 - tầm nhìn 2020, Hà Nội.
4. Hoàng Diệu (2005), “Dệt may Bangladesh: Lách khe cửa hẹp”, http:// www.vnn.vn/kinhte/thegioi/2005/01/361443/
5. Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, Chiến lược
tăng tăng tốc phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010. Hà Nội.
6. Hiệp hội May Thêu Đan (2007), Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh gia nhập WTO, Tham luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ. Hà
Nội.
7. Nguyễn Hoài (2007), “Đầu tư vào dệt may, từ đâu?”, http://vneconomy.vn/70787P0C10/dau-tu-vao-det-may-tu-dau.htm
8. Kyoshiro Ichikawa (2005), Xây dựng và tăng cường ngành công nghiệp phụ
trợ tại Việt Nam, Cục xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản tại Hà Nội. Hà Nội.
9. Hoàng Lan (2005), “Công nghiệp phụ trợ ngành dệt may: Hiện trạng và giải pháp”, http://irv.moi.gov.vn/sodauthang/sukienvande/2007/2/145 54.ttvn 10. Thùy Linh (2008), “Ngành dệt may cần phát triển các dự án có chọn lọc”,
http://irv.moi.gov.vn/sodauthang/sukienvande/2007/2/14554.ttvn
11. Kenichi Ohno (2007), Xây dựng công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, Diễn đàn Phát triển Việt Nam. Hà Nội.
12. Đặng Văn Phan (2006), Địa lý kinh tế - xã hội của Việt Nam thời kỳ hội