Kết quả đạt được, những vấn đề hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Xây dựng khu phố văn hóa trên địa bàn Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 2025 (Trang 64 - 72)

2.2.5.1. Kết quả đạt được.

Bản chất của việc xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc cách mạng đưa lối sống văn hóa, tư duy văn hóa đến nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều nội dung, trong đó có nội dung xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, phường văn minh đô thị. Tuy nhiên tất cả các nội dung đặt ra của việc xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa lại chính là phải làm tốt những nội dung của phong trào. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” quận 1 đã nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện, có sự phối hợp

chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 1, các ban ngành đoàn thể quận và 10 phường, khu phố, các tổ dân phố và các cơ quan đơn vị trú đóng trên địa bàn.

Đảng bộ chính quyền và nhân dân quận 1 đã coi trọng công tác dân vận, xây dựng giá trị cuộc sống của mỗi gia đình, làm cho phong trào ngày càng thu hút người dân, tự mỗi người, mỗi gia đình đi tìm giá trị văn hóa cho bản thân cũng như cho gia đình mình thay vì các ban ngành đoàn thể khu phố mang đến cho họ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hợp với ý Đảng, lòng dân và tiếp tục phát triển, đồng hành trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người.

Việc xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” quận 1 trong hơn 15 năm qua đã phát triển sâu rộng và bền vững, thực sự tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, tạo sự đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, xây dựng tình làng nghĩa xóm; Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống uống nước, nhớ nguồn, tương thân, tương ái; Phát huy dân chủ cơ sở, giữ vững kỷ cương, vận động mọi người sống và làm việc theo pháp luật; thực hiện quy ước cộng đồng, nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn khu dân cư xanh, sạch, đẹp; Chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí, xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Nhận thức người dân nâng lên rõ rệt, tạo được khí thế thi đua trong từng tổ dân phố, khu phố. Đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ cán bộ khu phố, tổ dân phố và sự ủng hộ vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Công tác tuyên truyền vận động các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện tốt các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; các chương trình “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”… đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, các hoạt động xây dựng tình làng nghĩa xóm có tác dụng thiết thực trong đời sống cộng đồng.

Vai trò các thành viên ban chỉ đạo phong trào quận 1 và 10 phường được phát huy khá tốt, các đơn vị có sự chủ động trong phối hợp vận động thực hiện tốt phong trào. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy là thể hiện sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của nhân dân với tinh thần, trách nhiệm, nhiệt tình ủng hộ phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa đạt hiệu quả. Việc tổ chức kiểm tra công nhận khu phố văn hóa hàng năm theo quy trình hướng dẫn của Thành phố đảm bảo khách quan, chất lượng, đúng quy định.

Việc xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa cũng như phường văn minh đô thị thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa ở địa phương, từng bước xây dựng ý thức, đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn.

2.2.5.2. Những vấn đề hạn chế và nguyên nhân.

Báo cáo chính trị Ban chấp hành Đảng bộ quận 1 nhiệm kỳ 2010 - 2015 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 1 lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 có nêu trong phần hạn chế: “Việc xây dựng các danh hiệu văn hóa ở một số nơi còn hình thức; sự chuyển biến về nếp sống văn minh đô thị trên một số mặt chưa rõ nét; công tác quản lý trật tự đô thị đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường chưa đạt yêu cầu đối với quận trung tâm, tình trạng hàng rong vẫn còn tại một số khu vực xung quanh trường học, công viên, bệnh viện”; “Các thế lực thù địch, phản động, số đối tượng chống đối chính trị thường xuyên lợi dụng tình hình khiếu kiện để kích động người dân gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”; “xây dựng văn hóa, văn minh đô thị chưa như mong muốn, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, điều kiện vươn lên còn hạn chế”.

Qua phân tích tình hình thực trạng và qua nhận định đúc kết của Ban chấp hành Đảng bộ quận 1, có thể nêu ra một số vấn đề còn tồn tại mà cách giải quyết những năm qua chưa tương xứng với yêu cầu của địa bàn trung tâm thành phố, cần phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hiệu quả hơn:

- Một là, cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị khu vực trung tâm quận 1 vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết, như việc cải tạo các khu dân cư cũ đã xuống cấp, một số hẻm nhỏ chằng chịt, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Nhiều dự án, trung tâm thương mại nằm ở các khu đất vàng còn xây dựng dở dang, tiến độ bị trì hoãn vì nhiều lý do, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của khu dân cư lân cận. Một số dự án giải tỏa, xây mới chung cư quá cũ (như chung cư Cô Giang) bị chậm tiến độ vì chưa tìm được tiếng nói chung giữa nhà đầu tư và cư dân về quyền lợi, về phương án đền bù.

- Hai là, còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà theo các quy định chung khiến người dân ngại tiếp xúc với cơ quan công quyền, nhất là về lĩnh vực nhà đất, tài nguyên môi trường, xây dựng.

- Ba là, công tác tuyên truyền thời gian qua tuy đã thực hiện khá tốt, nhưng hình thức và nội dung qua nhiều năm chưa có thay đổi và sáng tạo, người dân chưa cảm thấy hấp dẫn và gần gũi vì đôi khi cách tuyên truyền nặng về câu từ trong nghị quyết. Thậm chí có ý kiến rằng đã thực hiện tuyên truyền quá nhiều, đến lúc chỉ cần tăng cường xử lý, áp dụng biện pháp chế tài; ý kiến này cũng có phần nào hợp lý, nhưng chưa ổn, vì mục đích ưu tiên là kêu gọi người dân tuân theo quy định pháp luật để họ nâng cao ý thức thực sự chứ không phải làm cho họ vì sợ mà đối phó với chính quyền; do vậy mỗi giai đoạn phải cần nghiên cứu cách thức tuyên truyền tương ứng để mang lại hiệu quả cao nhất.

- Bốn là, vẫn còn nhiều trường hợp người nghèo, gia đình khó khăn của địa phương (có hộ khẩu tại quận 1) và một phần không nhỏ người dân từ nơi khác đến nhưng bám trụ, kinh doanh tại địa bàn đã lâu, đa số nhiều năm qua họ mưu sinh từ việc buôn bán trên các vỉa hè, trong các hẻm… Khi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tăng cường tuyên truyền, xử lý những vi phạm về nếp sống văn minh đô thị, đã tác động trực tiếp đến nguồn sống của bản thân họ và gia đình.

- Năm là, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tuy thời gian qua được đảm bảo khá tốt, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn phức tạp và không cho

phép sự lơ là hay buông lỏng của bất kỳ lực lượng nào. Các thế lực thù địch không từ mọi thủ đoạn trà trộn, kích động, mua chuộc quần chúng nhân dân; qua điều tra nắm tình hình một số vụ việc khiếu kiện đông người thường xuyên xảy ra trước Ủy ban nhân dân Thành phố, rõ ràng có sự xúi giục và tiếp tay của các phần tử xấu nhằm làm xáo trộn tình hình khu vực trung tâm thành phố.

- Sáu là vấn đề vi phạm các lĩnh vực trật tự đô thị, môi trường, an toàn giao thông… trên địa bàn còn xảy ra thường xuyên, do tập trung nhiều người dân ở các nơi về tham gia làm việc, vui chơi, giải trí; họ vi phạm vì thiếu kiến thức pháp luật cũng có, và có những trường hợp cố tình vi phạm dù biết rằng sai luật. Công tác xử lý vi phạm của các lực lượng liên quan diễn ra thường xuyên, số tiền thu về cho ngân sách nhiều nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

- Bảy là, vấn đề bình xét các danh hiệu văn hóa, gia đình văn hóa, khu phố văn hóa ở một vài nơi đôi khi chưa thực sự đáp ứng đúng các tiêu chuẩn đề ra, còn tình trạng “dĩ hòa vi quý”, vì thành tích tập thể nên dễ dãi trong bình xét, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng phong trào và làm giảm đi sự trân trọng đối với các danh hiệu đạt được. Trụ sở của một số khu phố văn hóa chưa được đầu tư đúng mức nên hình thức chưa đẹp, do quỹ đất hạn hẹp nên một số nơi còn đặt trên vỉa hè, một số bản tin khu phố chưa được cập nhật thường xuyên.

- Tám là, hiện nay vẫn có một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, tác động tiêu cực đến việc xây dựng con người, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh. Đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác văn hóa ở một số nơi còn thiếu về nhân sự, chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm trong việc triển khai, dẫn dắt phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thành viên ban vận động khu phố chưa được củng cố kịp thời, khiến cho đôi lúc phong trào bị “hụt hơi” vì thiếu nhân tố nòng cốt.

- Chín là, chế độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trật tự đô thị ở địa bàn các quận trung tâm nói riêng và toàn thành phố nói chung còn nhiều bất cập, vẫn còn là lực lượng thí điểm nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp giữ gìn ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hiện nay lực lượng

này đang lãnh lương khoán chứ chưa phải lực lượng biên chế chính quy. Tuy áp lực công việc rất cao nhưng điều kiện làm việc và thu nhập chưa tương xứng.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có thể đúc kết như sau:

Một là các nguyên nhân liên quan đến vấn đề chủ trương chính sách. Các dự án trọng điểm đầu tư từ vốn ngân sách triển khai chậm do có sự thay đổi về chủ trương đầu tư, đặc biệt do thủ tục đầu tư phải thay đổi thường xuyên dẫn đến chậm triển khai dự án. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và việc xây dựng khu phố văn hóa, gia đình văn hóa do cuộc sống của người dân chưa an cư thì không thể lạc nghiệp. Chưa có sự nghiên cứu đầu tư thích đáng để phát kiến ra những giải pháp thực sự hiệu quả về cải cách hành chính, mang lại sự tin tưởng và thoải mái cho người dân khi làm những dịch vụ công. Qua thực tiễn phải tiếp tục kiến nghị đề xuất Thành phố và Trung ương tinh giản bớt các thủ tục rườm rà, không còn phù hợp với những vấn đề đang thay đổi trong cuộc sống. Công tác tuyên truyền thời gian qua chưa đa dạng phong phú, đi vào lối mòn và thiếu sáng tạo. Đặc biệt công tác tuyên truyền chưa thực sự đi sâu và chưa khơi dậy được tinh thần tự giác của bộ phận dân nhập cư đang sinh sống, làm việc trên địa bàn trong việc chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chưa có các biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề mưu sinh cho các hộ dân nghèo mà không ảnh hưởng đến việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Hai là các nguyên nhân liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước. Địa bàn quận 1 ở khu vực trung tâm thành phố, có nhiều cơ quan của Trung ương và Thành phố nên người dân các địa phương khác thường xuyên đến để khiếu kiện, các thế lực thù địch trong và ngoài nước cũng tập trung chống phá bằng nhiều phương thức, thủ đoạn nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ… do vậy công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận luôn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Do là địa bàn trung tâm nên yêu cầu giải quyết các vấn đề vi phạm các lĩnh vực trật tự đô thị, môi trường, an toàn giao thông đặt ra rất cao, một phần là những vi phạm của dân địa phương còn phần lớn vi phạm xảy ra do người dân nơi khác đến vui chơi, giải trí, làm việc, kinh doanh, buôn bán mà không

tuân thủ theo các nguyên tắc về nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị tại địa bàn… Lực lượng chức năng xử lý rất nhiều nhưng vi phạm vẫn xảy ra một phần do ý thức nhân dân, cũng do một số quy định ràng buộc trong thực thi công vụ. Việc bình xét các danh hiệu văn hóa, gia đình văn hóa, khu phố văn hóa có nơi còn dễ dãi, vì thành tích dịa phương. Trụ sở của một số khu phố văn hóa về hình thức cũng như vị trí chưa tương xứng với vai trò ở địa bàn trung tâm; hoạt động của một số ban vận động khu phố chưa đều tay.

Ba là các nguyên nhân liên quan đến vấn đề con người. Công tác đào tạo, đánh giá cán bộ chưa sát thực tế, chậm phát hiện những tồn tại, khiếm khuyết của cán bộ để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, việc nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ còn hạn chế. Một số cấp ủy còn e dè, ngại đụng chạm, mang nặng tư tưởng dĩ hòa vi quý, thiếu tinh thần đấu tranh. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở chưa được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn đặt ra. Lực lượng làm công tác xây dựng đời sống văn hóa ở một số khu phố chưa có quy hoạch kế thừa vì vậy đôi khi thiếu uy tín và kỹ năng tập hợp quần chúng nhân dân, Đội ngũ cán bộ xử lý vi phạm thiếu về số lượng và có khi chưa đủ bản lĩnh xử lý tình huống, chưa thực sự công tâm và khách quan.

Bốn là hiện nay chưa có cơ chế đặc thù riêng cho khu vực trung tâm thành phố trong công tác quản lý địa bàn, xử lý vi phạm, chế độ, chính sách cho cán bộ, công nhân viên, người lao động… Điều này cần được tiếp tục nghiên cứu và mạnh dạn kiến nghị, đề xuất Thành phố và Trung ương xem xét thí điểm, tăng tính chủ động cho Đảng bộ, chính quyền và đoàn thể các phường thuộc quận 1.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trong chương 2, tác giả đã có cái nhìn khái quát về tổng quan về tình hình xây dựng khu phố văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đánh giá những kết quả đạt được và ưu điểm, hạn chế qua quá trình thực hiện triển khai cuộc vận động “Toàn

Một phần của tài liệu Xây dựng khu phố văn hóa trên địa bàn Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 2025 (Trang 64 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)